Hoàn tất trò chơi
Sau những rắc rối xảy ra do cốt truyện của game bị thay đổi, đội ngũ phát triển quyết định kéo lùi mốc mốc thời gian của trò chơi. Ban đầu họ lên kế hoạch đưa khu vực The Killer và toàn bộ các vùng đất quanh pháo đài Kaer Morhen vào game trong giai đoạn đầu của trò chơi, nhưng tất cả đã bị cắt bỏ. Vì vậy, giờ đây Geralt sẽ khởi đầu game ở vùng ngoại ô Vizima trong tình trạng chẳng biết mình là ai, và anh sẽ được người ta chỉ dẫn kiểu “anh là witcher. Witcher có căn cứ ở Kaer Morhen. Có thể có người biết anh là ai ở đó.”
Vậy là các thành viên nhóm làm game nghĩ đến việc chuyển điểm khởi đầu cốt truyện của game từ Kaer Morhen sang ngoại ô Vizima, và điểm kết đổi từ pháo đài của Order of the Flaming Rose sang pháo đài Kaer Morhen. Geralt sẽ đến Kaer Morhen đúng lúc lũ tay sai của Grand Master của Order tấn công pháo đài nhằm đánh cướp bí mật tạo ra các witcher – công thức tạo ra bình thuốc cho Trial of Grasses. Geralt sẽ tiêu diệt chúng, biết được mình là ai và gặp gỡ những Witcher khác, một cốt truyện nghe khá hợp lý. Chỉ có một vấn đề nhỏ: CD Projekt đã tung hê rằng câu chuyện mà họ kể trong The Witcher 1 sẽ khởi đầu với trận đánh cướp của Order tại pháo đài Kaer Morhen, nên Michal Kicinski – một trong hai nhà sáng lập CD Projekt – bác bỏ cốt truyện này.
Vậy là CD Projekt phải tìm cách để giữ nguyên cốt truyện cũ khi Geralt gặp “trùm cuối” tại pháo đài của Order trong khi không có thời gian làm ra pháo đài này. Bí quyết của họ là… hô biến pháo đài của vua Foltest thành pháo đài của Order tại Vizima. Ông Artur kể lại rằng trong The Witcher 1, có một khu vực mà bên này cửa là pháo đài của vua Foltest còn bên kia là tu viện của Order, và họ đánh lừa game thủ rằng đó là hai khu vực khác nhau bằng cách dùng góc quay camera để che giấu. “Chúng tôi không còn cách nào khác,” ông Artur cười.
Việc phải “tái chế” nội dung game cũng đem lại một lợi ích bất ngờ cho CD Projekt. Ban đầu, đội ngũ phát triển dự tính tạo ra ba gã chỉ huy người Elf tại khu vực Ice Plains, nhưng cuối cùng họ gộp cả ba vào làm một và tạo ra nhân vật Yaevinn vì chỉ có thời gian làm một mô hình duy nhất. Nhờ vậy, Yaevinn trở thành một nhân vật thú vị, xuất hiện ở nhiều nơi và có mục đích cá nhân của mình. Điều này dạy cho CD Projekt biết rằng việc có những nhân vật được xuất hiện nhiều lần và được phát triển theo cốt truyện là tốt, theo lời ông Artur. Tuy nhiên để đạt được kết quả đó không phải là điều dễ dàng, bởi như bạn đã biết, đội ngũ CD Projekt đều còn rất trẻ và đại đa số không có kinh nghiệm làm game.
Ra đời
Ông Marcin Kosman, một nhà báo game người Ba Lan nói rằng The Witcher đã làm tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Dù các bản demo và trailer mà CD Projekt từng tung ra tại các triển lãm hoặc gửi đến báo giới đều được đánh giá cao, người ta vẫn rất bất ngờ khi phiên bản hoàn chỉnh của trò chơi lại hấp dẫn đến vậy. Theo ông, đó là bởi ngành công nghiệp game Ba Lan thời bấy giờ còn rất thiếu và yếu, những tựa game hấp dẫn chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Đó là còn chưa kể đến điểm yếu về năng lực phát hành, khi các công ty Ba Lan khó có thể yêu cầu các nhà phát hành nước ngoài thanh toán đúng hẹn – đôi khi chúng bị hoãn đến vài năm và các bên phải lôi nhau ra tòa.
“Nhưng rồi The Witcher xuất hiện, nhận được điểm cao, nhiều lời khen ngợi và rất nhiều người mua nó,” ông Marcin nói. “Đó là một điều khó mà tin được rằng có thể xảy ra.”
The Witcher là một trong những tựa game lớn đầu tiên của Ba Lan nhắm đến thị trường thế giới. CD Projekt tuyên bố trò chơi nhắm đến những game thủ yêu thích game “bom tấn” AAA, nhưng họ thực sự biết The Witcher chưa đủ tầm AAA, dù cũng là một tựa game lớn. CD Projekt đổ tiền vào những hoạt động quảng bá tại Ba Lan bởi họ biết rằng The Witcher là một thương hiệu lớn ở nước mình, trong khi Geralt cũng rất được yêu thích. Nhờ vậy, trò chơi giành được những thành công đáng kể tại thị trường Ba Lan.
Trong khi đó trên phạm vi toàn cầu, The Witcher cũng đạt được những chiến tích nhất định dù không sánh được với quê nhà. Bối cảnh Slavic lạ lùng khác hẳn với những tựa RPG phương Tây cũng như lối chơi khác biệt nơi game thủ có thể “đu đưa” giữa thiện – ác là những điều khiến The Witcher nổi bật và thu hút sự chú ý từ game thủ. Thế giới mà Andrzej Sapkowski xây dựng nên không có sự phân định rạch ròi giữa tốt và xấu, điều được thể hiện qua rất nhiều nhiệm vụ khác nhau trong game. Trò chơi chưa đủ tầm vóc để hốt những giải Game of the Year, nhưng đủ thành công để đặt nền móng cho The Witcher 3 và thành tích ấn tượng 250 giải Game of the Year sau này. Đến năm 2010, game được đưa vào quyển sách “1001 game bạn phải chơi trước khi chết.”
“Đó là game PC đầu tiên của chúng tôi nên nó không thực sự phổ biến tại Mỹ, nhưng tôi vẫn có cảm giác chiến thắng cho đến tận giờ phút này,” ông Adam Badowski, hiện đang là Managing Director của CD Projekt nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017. “Đó là một đặc ân khi được làm việc cùng những con người đầy sáng tạo để xây dựng những thế giới mới. Tôi hi vọng rằng đa số các đồng nghiệp sẽ đồng ý với tôi về cảm xúc này.”
(Còn tiếp)