Trailer đầu tiên của Battlefield V đã được EA phát hành. Đây được xem như phát súng đáp trả lại đối thủ kỳ cựu, Call of Duty. Dù trailer đầu tiên không hé lộ nhiều về cốt truyện của game nhưng bối cảnh và nhân vật đang nổ ra một cuộc tranh cãi rất lớn tại Mỹ. Nguyên nhân là do EA đã đưa vào bối cảnh thế chiến thứ 2 (World War II) nhân vật nữ cùng với cách tay giả, có thể là tay máy.
Hãy cùng tìm hiểu xem tại sao lại có cuộc tranh cãi này.
Văn hóa Đúng Đắn Chính Trị
Ở Mỹ có một khái niệm gọi là Đúng Đắn Chính Trị (Political Correctness - hay còn gọi tắt là PC). Đây là thuật ngữ chỉ những ngôn ngữ, chính sách hay các biện pháp nhằm tránh hành vi gây bất lợi cho các nhóm cụ thể trong xã hội. Và cụ thể ở đây là vấn đề bình đẳng giới tính và phân biệt chủng tộc.
Hiện nay, ngành giải trí đang rất chú trọng tới vấn đề này. Rất nhiều những bộ phim truyền tải thông điệp về nữ quyền và bình đẳng sắc tộc. Ví dụ cho sự truyền tải thành công nhất chính là bộ phim Black Panther của Disney. Tuy nhiên, đó là vấn đề hoàn toàn bình thường nếu như nhà phát triển đặt nó vào bối cảnh gần như giả tưởng hoàn toàn.
Còn với Battlefield V, bối cảnh được đặt vào thời điểm World War II diễn ra, đã có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Một bên là một bộ phận game thủ cho rằng việc đưa nhân vật nữ vào làm quân nhân thời chiến là hoàn toàn phá vỡ đi tính lịch sử. Hay nói cách khác, họ cho rằng cái văn hóa PC đang dần bóp méo đi các sản phẩm trò chơi.
Và luồng ý kiến còn lại là những người ủng hộ văn hóa PC, những người này cho rằng việc đưa các nhân vật nữ vào là cần thiết vì nó cho thấy hình ảnh của phái yếu sẽ được tôn trọng hơn. Họ cũng đấu tranh tới cùng cho lý tưởng Political Correctness của mình.
Sự thiếu hiểu biết về lịch sử của một bộ phận game thủ
Khi cuộc chiến về văn hóa PC nổ ra, người khó xử nhất chính là các nhà làm game. Nếu họ nghiêng về bên nào cũng sẽ bị bên còn lại lên án một cách gay gắt. Battlefield V mới chỉ ra mắt trailer giới thiệu đầu tiên nhưng số người lên án nó không hề ít. Một bộ phận game thủ cho rằng nó “không hề chính xác với lịch sử”.
Hàng loạt những hashtag #NotMyBattlefield đã nổ ra, không thiếu những comment chê trách hay thậm chí dọa nạt tới từ những người tự coi mình là fanboy Battlefield “chân chính”. Tất cả chỉ vì trong trailer xuất hiện nhân vật nữ và có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện của game. Thực tế điều này cũng đã xảy ra với Battfield 1 khi EA đưa nhân vật da màu vào.
Tuy nhiên, thật buồn cười khi nghĩ rằng tất cả các trò chơi điện tử phải dựa trên tính chính xác tuyệt đối của lịch sử. Thậm chí những người lên tiếng phản đối Battlefield 5 cũng chưa chắc đã đọc qua cuốn sách nào về lịch sử. Trong Thế chiến thứ 2, phụ nữ cũng đã chiến đấu như bao người lính khác. “Night Witches” là tên gọi cho một lực lượng không quân bao gồm rất nhiều phụ nữ trong WWII, hay Lyudmila Pavlichenko là một trong những nữ bắn tỉa đáng sợ nhất Thế chiến thứ 2 khi hạ gục được 309 tên giặc.
Hãy nhớ rằng bất kỳ trận chiến nào cũng đều có mặt lực lượng phụ nữ tham chiến.
Tất cả chỉ là nạn phân biệt
Đúng vậy, dù ngày nay các phương tiện truyền thông hay hầu hết các ngành công nghiệp đã làm mạnh tay để xóa bỏ nạn phân biệt giới tính và chủng tộc, nhưng vẫn còn rất nhiều người tại Mỹ cho rằng mình là thượng đẳng. Họ không chấp nhận một trò chơi đề tài chiến tranh có phụ nữ, người da đen chiến đấu chung với họ là những người da trắng.
EA và Battlefield V hiện đang theo văn hóa PC, đây là văn hóa cực kỳ cần thiết trong xã hội ngày nay. Phụ nữ cũng đóng vai trò không hề nhỏ trong việc phát triển một đất nước.
Cuộc chiến về văn hóa Political Correctness chắc chắn sẽ không bao giờ kết thúc.