Những điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởng - PC/Console

Dù là một thế loại trò chơi hấp dẫn nhất nhưng trong cộng đồng game thủ vẫn còn rất nhiều người hiểu lầm về game thế giới mở.

Thế giới mở có coi là xu thế làm game hiện nay. Không ít những thương hiệu trò chơi lâu đời đã chuyển mình từ tuyến tính sang thể loại này. Game thế giới mở cũng mang lại những sự hấp dẫn riêng biệt, đặc biệt là việc cho người chơi sự tự do khám phá tất cả những gì mà nhà phát triển đưa vào. Cũng có những nhận định cho rằng Open World chính là cái đích, là tham vọng của các hãng game ngay từ khi video game xuất hiện trên thế giới này.

Tuy nhiên, tới nay, dù game thế giới mở đã phát triển mạnh, nhưng vẫn còn đó nhiều người có những hiểu lầm về thể loại này.

Những điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởngNhững điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởng

Game thế giới mở thường không có cốt truyện hấp dẫn

Nhiều người đến bây giờ vẫn cho rằng các game thuộc thế giới mở thường không có một cốt truyện hấp dẫn như trò chơi tuyến tính. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, đặc biệt là trong một vài năm trở lại đây. Tại sao lại có quan điểm xấu về cốt truyện của các game thế giới mở? Tôi cho rằng bởi trong trò chơi open world có rất nhiều các hoạt động bên lề. Chính những hoạt động đó khiến người chơi bị xao nhãng trong việc xâu chuỗi cốt truyện chính của trò chơi.

Có những game cho người chơi tìm hiểu câu chuyện đằng sau các NPC, có những game thì các hoạt động phụ tương đối rắc rối,… Không như game tuyến tính, người chơi sẽ được đi theo một cốt truyện và các hành động có sẵn nên việc xâu chuỗi các chi tiết lại với nhau dễ dàng hơn. Grand Theft Auto V, Red Dead Redemption 2 hay Horizon: Zero Dawn đều là những game thế giới mở có cốt truyện rất hay. Cốt truyện của một trò chơi hay hoặc dở không phụ thuộc vào việc game đó là game tuyến tính hay thế giới mở, mà nó phụ thuộc vào góc nhìn cũng như sự tập trung và xâu chuỗi của chính game thủ.

Từng NPC sẽ có diễn viên lồng tiếng riêng biệt

Đúng là để phát triển một trò chơi thế giới mở, hãng làm game cần phải có một đội ngũ đông đảo để lo chu toàn toàn bộ các khâu. Tuy nhiên, tôi tin sẽ chẳng có một hãng game nào có thể dư ngân sách tới nỗi mời từng diễn viên lồng tiếng cho từng NPC cả đâu. Cũng một phần do không phải game thủ nào cũng có thể ngồi trò chuyện với toàn bộ các NPC trong game, một phần khác là do có nhiều NPC có lời thoại rất ít (chỉ 1 hoặc 2 câu). Vậy nên việc để cho một người hoặc một nhóm nhỏ đảm nhận lồng tiếng cho toàn bộ NPC, sau đó sử dụng công nghệ chỉnh sửa giọng, là điều cần thiết để tiết kiệm tiền.

Những điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởngNhững điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởng

Sự nhầm lẫn giữa Open World và Sandbox

Có lẽ từ trước tới nay, hầu hết người chơi đều nhầm lẫn và cho rằng game Open World và game Sandbox là một. Tuy có sự tương đồng nhưng thực chất giữa 2 thể loại vẫn có điểm khác nhau. Thế giới mở là thể loại game giống như mô phỏng lại cuộc sống thực, nơi bạn có thể làm [gần như] tất cả những gì mình muốn. Từ việc mua sắm, lái xe đi dạo ngoài đường cho tới việc sở hữu nhà riêng hay giao lưu kết bạn,… Còn game Sandbox là nơi game thủ có thể tạo ra thế giới cho riêng mình ở các cấp độ khác nhau. Nói nôm na thì trong game Sandbox, bạn giống như một vị thần đang khai sinh ra một vùng đất của riêng mình vậy. Đại diện cho game Open World là Grand Theft Auto hay Fallout. Còn đại diện cho game Sandbox chính là Minecraft hay Garry’s Mod.


Bên cạnh đó, còn một khái niệm nữa đó là Free Roam. Đây là những trò chơi có phần tuyến tính nhưng vẫn để cho người chơi tự do khám phá. Người chơi hoàn toàn có thể đi lại tự do nhưng không được làm bất cứ điều gì mình muốn mà chỉ trong khuôn khổ cho phép của nhà phát triển.

Chính vì sự khác biệt tương đối nhỏ nên chúng ta thường cho qua và gọi chung là game thế giới mở.

Game thế giới mở là không tuyến tính

Nhiều người vẫn cho rằng game thế giới mở là sẽ loại bỏ đi yếu tố tuyến tính, để người chơi được tự do hoàn toàn khám phá thế giới. Thực tế thì điều này không hẳn chính xác, một số trò chơi thế giới mở vẫn có xu hướng giữ lại yếu tố tuyến tính. Đặc biệt là trong các nhiệm vụ, nhà phát triển có thể sẽ chỉ cho phép người chơi hành động theo những gì đã định sẵn thay vì được tự do lựa chọn cách giải quyết. Theo tôi thấy thì điều đó không quá ảnh hưởng tới tổng thể của một trò chơi thế giới mở. Trái lại, khi các nhà phát triển cân bằng được giữa tự do khám phá thế giới và giải quyết nhiệm vụ theo cách đã cho sẵn (nhưng vô cùng gay cấn và hấp dẫn) thì nó sẽ giúp các tựa game lôi cuốn hơn nhiều.

Những điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởngNhững điều thú vị về game thế giới mở có thể game thủ đang lầm tưởng

Từng nội dung trong game được làm hoàn toàn thủ công

Trên thực tế thì một số nội dung của game thế giới mở có thể “tái sử dụng” được. Đây là cách làm không mới nhằm giúp hãng phát triển có thể tập trung dồn nguồn ngân sách vào những yếu tố quan trọng của một trò chơi. Với một thể loại trò chơi có nội dung khổng lồ như thế giới mở thì việc sáng tạo mới hoàn toàn sẽ khiến nguồn ngân sách bị đội lên rất cao. Tuy nhiên, việc “tái sử dụng” này cũng được các hãng cân nhắc rất cẩn thận bởi họ không muốn game thủ cảm thấy khó chịu. Còn người chơi có thể thông cảm bỏ qua nếu nó không quá ảnh hưởng tới trải nghiệm. Suy cho cùng, các hãng vẫn đang cố tìm cách tiết kiệm được cái gì hay cái đó mà thôi.

“Bạn có thể đi bất cứ đâu”

Đây được xem là “lời nói dối” kinh điển về các trò chơi thế giới mở. Thực tế thì như bạn đọc đã biết, chúng ta không hoàn toàn có thể đi tới bất cứ đâu mình muốn trong game, vẫn luôn có những nơi bị khóa lại bằng một bức tường vô hình và game thủ chỉ có thể đứng ngắm từ xa. Hay như trong Grand Theft Auto có vô số tòa nhà chỉ được dựng cho đẹp mắt chứ người chơi chẳng bao giờ có thể vào khám phá. Nếu muốn vào, cộng đồng game thủ có lẽ lại phải nhờ tới lực lượng mod game hùng hậu mà thôi. Tôi thấy điều này tương đối dễ hiểu bởi nếu người chơi có thể khám phá mọi khu vực trong game thì không biết dung lượng và chi phí sản xuất của trò chơi sẽ lên tới bao nhiêu nữa.