Siêu nhân (Superman) là một nhân vật hư cấu của loạt truyện tranh nổi tiếng của Mỹ do hãng DC Comics thực hiện. Anh không chỉ đơn thuần là biểu tượng đặc trưng cho nền văn hóa đại chúng Hoa Kỳ, mà còn là người đại diện cho chính nghĩa và công lý. Có thể nói Superman là một trong những siêu anh hùng được yêu thích nhất mọi thời đại.
Superman được giới thiệu lần đầu trong ấn phẩm Action Comic #1 vào tháng 6 năm 1938. Kể từ đó, anh dần trở thành nguồn cảm hứng chính cho nhiều họa sĩ, đạo diễn và các nhà sản xuất lớn nhỏ trên toàn thế giới. Ngoài loạt phim Superman nổi tiếng, được ra mắt từ cuối những năm 70 đầu 80 của thế kỷ 20, hay gần đây nhất là bộ phim Justice League (ra rạp năm 2017).
Siêu nhân còn xuất hiện khá nhiều trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, với không ít tựa game được giới phê bình và cộng đồng game thủ đánh giá là… khá ổn. Như DC Universe Online hay Injustice: Gods Among Us chẳng hạn. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất nói riêng và cả ngành công nghiệp game nói chung, đều chưa thực sự khai thác triệt để được Superman hoặc những chủ đề CHỈ xoay quanh anh chàng siêu nhân này.
Trong khi những nhân vật khác ở vũ trụ Marvel, như Spiderman hay thậm chí là thương hiệu Batman, thuộc vũ trụ DC cùng với Superman, lại gặt hái được rất nhiều thành công và mang về lượng doanh thu khổng lồ cho NSX. Vậy thì tại sao lại như vậy? Hãy cùng Kênh Tin Game tìm hiểu nhé!
Phụ lục
Superman quá mạnh, khiến mọi thứ dễ nhàm chán?
Đối với những ai chưa biết, trước khi Superman đến với Detective Comics (tiền thân của DC Comics sau này), anh chàng siêu nhân đã được tạo ra bởi Jerry Siegel và Joe Shuster trong những năm 30 của thế kỷ 20. Sự xuất hiện của anh đã khiến cho nhiều nhà biên tập truyện tranh, lẫn họa sĩ cảm thấy vô cùng hứng thú, do vậy họ đã khuyến khích tác giả phát triển nhân vật này càng… ‘bá đạo’ càng tốt. Mục đích là để đảm bảo cho độc giả luôn cảm thấy kinh ngạc khi được tận mắt chứng kiến khả năng chiến đấu của anh qua từng khung truyện.
Thế là Siegel và Shuster quyết định trao cho Superman nhiều loại sức mạnh khác nhau, Ví dụ như với siêu tốc độ, anh có thể di chuyển với vận tốc cực nhanh, nhanh đến nỗi nhiều fan đã so sánh anh với The Flash, một siêu anh hùng khác của DC. Hay siêu tầm nhìn, cho phép anh được nhìn xuyên vật thể đồng thời sử dụng cả mắt lazer để gạ gục kẻ địch. Những khả năng đặc biệt này đều giúp cho siêu anh hùng có thể nhanh chóng xử lý nhiều tình huống éo le, giữ an toàn cho người dân vô tội và những người mà anh yêu quý nhất.
Tất nhiên, đó là những yếu tố cần thiết để Superman có thể bảo vệ người dân vô tội và những người mà anh yêu thương nhất nhưng tất cả những điều này dường như đã khiến cho các tựa game về Siêu nhân trở nên khá là… khô khan hoặc thậm chí là kém hấp dẫn. Các bạn có thể tưởng tượng một tựa game mà nhân vật chính không chỉ có khả năng bay siêu nhanh để bao quát hết toàn bộ bản đồ, mà còn không thể bị tấn công bởi bất cứ một loại hỏa lực nào của kẻ địch. Thì trò chơi đó có còn vui hay tạo ra hứng thú để cho chúng ta còn chơi tiếp nữa không?
Chắc chắn một vài bạn sẽ nói rằng “Vui mà, có gì đâu mà căng…”. Ừ thì Mọt công nhận là vui thật, ai mà không muốn trở thành siêu nhân mình đồng da sắt, bất khả xâm phạm nhưng rồi sẽ được bao lâu? Đó mới là câu hỏi quan trọng. Cảm giác kinh ngạc, trầm trồ ban đầu rồi cũng bắt đầu phai nhạt và tất cả những kỹ năng đó sẽ dần trở thành những thứ đơn điệu, nhàm chán. Đó cũng chính thứ đã ‘giết’ nhiều game Superman đầy triển vọng đồng thời còn khiến cho nhiều trò chơi với chủ đề siêu anh hùng ngày càng khó phát huy hơn. Bất kể đó là game offline cốt truyện hay là game thế giới mở đi chăng nữa.
Superman khó mà chiều lòng tất cả người hâm mộ
Trên lý thuyết, hầu hết trò chơi điện tử đều cần mang đến cho người chơi một tiến trình cụ thể. Có như vậy thì game thủ mới thực sự cảm thấy hứng thú với trò chơi và từ đó họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để trải nghiệm tuy nhiên, những dòng game về Superman thì lại khá khó để có thể phát triển theo hướng đi đó. Bởi kể từ lúc vừa được sinh ra, bản thân anh đã đủ khỏe để tự mình thực hiện hầu hết tất cả những nhiệm vụ khó khăn và đối mặt với đủ loại kẻ thù khó trị khác nhau mà không cần phải lo nghĩ quá nhiều về sức khỏe hay thể lực rồi. Nói một cách dễ hiểu là sinh ra từ vạch đích.
Đó cũng chính là lí do vì sao, cho đến tận bây giờ game Superman vẫn không thể nào thỏa mãn được mọi fan hâm mộ. Điều này đã tạo ra không ít khó khăn cho nhiều đơn vị phát triển game, đồng thời còn khiến cho nhiều nhà sản xuất lớn cũng phải cảm thấy ái ngại khi bắt tay khai thác những chủ đề xoay quanh Superman. Thế nên phần lớn họ chỉ tập trung đưa Siêu nhân và những kỹ năng đặc biệt của anh vào những game thuộc thể loại đối kháng, ví dụ như Injustice: Gods Among Us.
Theo Mọt tui nghĩ thì điều này có thể khắc phục bằng cách tước đi tất cả siêu năng lực đặc biệt của nhân vật chính, bất kể đó là Siêu nhân hay là một siêu anh hùng nào đó. Lúc này người chơi sẽ cần phải dành nhiều thời gian hơn để đấu tranh và giành lại sức mạnh cho nhân vật của mình. Chỉ có như vậy mới thực sự có thể mang đến cho game thủ cảm giác hứng thú và khiến cho họ cảm thấy rằng bản thân mình muốn chơi, muốn được trải nghiệm và đặc biệt nhất là tạo điều kiện để kích thích sự tò mò của chính bản thân họ. Tuy nhiên, hướng đi này rất có thể sẽ trở thành một con dao hai lưỡi, bởi lẽ mọi người đã quá kỳ vọng vào việc Superman buộc phải là một người đàn ông siêu phàm, bất khả chiến bại.
Nên nếu làm như vậy thì sự tồn tại của anh cũng như toàn bộ mục đích của game đều sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Cũng giống như việc chúng ta chơi game Spider-man bởi vì anh chàng này có khả năng đu lượn ở khắp mọi nơi, cùng với đó là những pha đánh đấm sướng tay trông vô cùng đẹp mắt và sức khỏe hơn người có thể nâng và ném một chiếc xe hơi. Thế thì sẽ ra sao nếu một ngày nào đó Spider-man không còn sử dụng được những kỹ năng của mình nữa? Đến lúc đó, liệu rằng các bạn có còn muốn trải nghiệm nữa không?
Siêu nhân đã mạnh, kẻ thù cũng mạnh không kém
Cuối cùng là danh sách các nhân vật phản diện và kẻ thù không đội trời chung với Superman. Hầu hết những tên trùm này đều sở hữu sức mạnh có thể nói là ngang bằng với anh chàng Siêu nhân. Điều này chúng ta đến thêm một vấn đề khác: Cơ chế chiến đấu lặp đi lặp lại. Để có thể giải thích một cách rõ ràng hơn, Mọt tui lại đem dòng game Spider-man ra làm… chuột bạch. Kẻ thù của Người nhện ở bất cứ bản game nào, cũng đều có những chiêu thức đặc biệt và bộ kỹ năng riêng, giúp mang đến cho người chơi sự mới lạ và đa dạng trong lúc chiến đấu. Chẳng hạn khi chạm trán với Vulture (Kền kền), ta sẽ phải đánh nhau ngay trên sân nhà của hắn, đó là trên bầu trời.
Hay khi gặp phải Shocker, hắn sẽ thử thách tốc độ phản xạ của game thủ bằng những đòn tấn công nhanh như chớp. Còn đối với những đối thủ của Superman như Darkseid hoặc là Bizarro, cả hai đều mạnh không kém gì anh chàng, tức là mạnh như thần đúng nghĩa luôn. Từ đó dẫn đến những cuộc chiến này thường được quyết định rằng ai sẽ là người có cú đấm mạnh hơn hay sức chịu đựng khỏe hơn để không ngủm trước kẻ thù và hầu hết là không có một tính chiến thuật cụ thể gì cả. Rõ ràng Batman được yêu mến vì anh ta dùng cái đầu để chiến thắng, còn làm thần thì cũng hay đấy nhưng cứ lao vào đấm nhau xem ai gục trước thì mau chán lắm!
Lời kết
Tất cả những gì mà Mọt tui đã nói ở trên, có thể nói là những yếu tố chính đã khiến cho Superman trở thành một nhân vật siêu anh hoàn hảo trong truyện tranh và phim ảnh tuy nhiên, đó lại không phải là những yếu tố cần thiết hoặc là phù hợp với cách mà một game hay cần để ra đời. Hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của một tựa game Siêu nhân thành công nhất mọi thời đại. Tất nhiên, ước mơ vẫn sẽ chỉ mãi là ước mơ nhưng biết đâu nó lại thành hiện thực thì sao?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.