Tại E3 2018, Bethesda đứng ra công bố tổng cộng 6 tựa game khác nhau, tất cả đều gây hào hứng cho game thủ bởi chúng đều mang theo những cái tên lớn. Đó là Quake Champions, The Elder Scrolls: Blades, Wolfenstein Youngblood, Fallout 76, Rage 2 và Doom Eternal, những phiên bản mang trong mình kỳ vọng rất lớn từ game thủ bởi danh tiếng mà người đi trước để lại.
Và tính đến hết ngày 15/5/2020, toàn bộ 6 tựa game trên của Bethesda đều đã vướng phải những tai tiếng nặng nề, bất kể chất lượng của nó ra sao. Đây là một điều đáng buồn (và đáng cười) cho những fan của các series này, và Mọt tui sẽ điểm lại cho các bạn những gì đã xảy ra với các tựa game đó.
Quake Champions
Cách mà Bethesda phát hành Quake Champions khá khó hiểu. Ban đầu, nhà phát hành này tuyên bố Quake Champions sẽ là một tựa game miễn phí khi được ra mắt chính thức, nhưng trong giai đoạn Early Access của game những ai muốn thử nghiệm trò chơi sẽ phải trả cho Bethesda… 675.000 đồng (giá Steam cho Việt Nam). Ngẫm lại mà xem: test game hộ và góp ý cho họ phát triển trò chơi, nhưng bạn phải trả tiền để được “đặc quyền” đó.
Không có gì khó hiểu khi đến lúc Bethesda chính thức tung game ra vào tháng 8/2018, số lượng người chơi của game có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vào thời điểm Mọt thực hiện bài viết này, kỷ lục về lượng người chơi của game trên Steam là 17.500 người được lập vào hai năm trước, thời điểm game được mở cửa miễn phí nhân sự kiện Quake Champion. Sau đó, lượng người chơi của game cứ lao dốc và giờ đây đỉnh cao về lượng người chơi là chưa đầy 1.100 người.
The Elder Scrolls Blades
Có thể bạn chưa từng nghe về cái tên này hoặc đã quên béng nó đi sau khi Bethesda công bố trò chơi. Lạ vậy, Todd Howard đã thề thốt Blades là một tựa game Elder Scrolls thuần túy, một tựa game RPG góc nhìn người thứ nhất hoành tráng với chất lượng đồ họa console, chạy trên điện thoại, có gameplay chuẩn khỏi chỉnh cơ mà?
Cũng như những gì Todd đã nói về Fallout 76, những gì ông ta nói về The Elder Scrolls: Blades cũng chỉ toàn nhảm nhí. Đây không phải là một tựa game The Elder Scrolls thuần túy mà là một trò bào tiền bẩn thỉu chỉ thành công nhờ khai thác những game thủ ham cờ bạc, bắt ép họ phải chi tiền mua đủ thứ vật phẩm ngay khi có thể. Việc game đạt “chất lượng đồ họa console“ là thật, nhưng đó là đồ họa của thời Xbox và PS2.
Theo những gì Mọt được biết, The Elder Scrolls: Blades đã được ra mắt trên Switch chỉ mới vài ngày trước. Nếu bạn có một chiếc Switch và muốn tìm game RPG chất lượng, hãy tìm đến The Witcher 3 hay Skyrim chứ đừng chạm vào Blades.
Wolfenstein: Youngblood
Là một fan của dòng game Wolfenstein, Mọt tui rất hào hứng khi được nghe Bethesda công bố series này sẽ có phiên bản mới mang tên Youngblood. Mọt cũng không quá bận tâm đến chuyện nhân vật chính không còn là B.J. Blazkowicz (tổ tiên của Doom Slayer) mà là hai cô con gái sinh đôi của anh chàng. Nhân vật chính là ai cũng được, chỉ cần game đủ hấp dẫn và bắn súng sướng tay!
Khi tận tay trải nghiệm Wolfenstein: Youngblood, những gì Mọt nhận được là sự thất vọng. Cảm giác bắn của từng khẩu súng nay thụt lùi hẳn so với các phiên bản trước khi đội ngũ phát triển cố gắng thêm yếu tố RPG vào game – có lẽ vì họ thấy series Borderlands ăn nên làm ra và muốn bắt chước, nhưng lại không biết rằng thứ dụ dỗ game thủ đến với Borderlands không phải là level và những con số, mà là những khẩu súng muôn hình vạn trạng. Hai nhân vật chính trông như hình mẫu của những “chiến binh công lý” và “sức mạnh nữ quyền” thời hiện đại, còn game thì được nhồi nhét hàng tá microtransaction và nhiều tính năng game dịch vụ (game as a service) dù bản chất nó là một tựa game bắn súng offline.
Fallout 76
Lẽ ra chỉ cần để cái tên Fallout 76 lại đây là bạn đọc sẽ hiểu, nhưng làm vậy thì trình bày trông không đẹp và Mọt cũng không lừa được số lượng từ, nên Mọt tui muốn dành ra chút thời gian để giới thiệu với các bạn về những gì Fallout 76 đã làm thất vọng game thủ. Tất cả những gì bạn cần làm là click vào bài viết này để đọc lại những điều đó – game có quá nhiều phốt đến mức cần phải có một bài viết riêng dài 2.200 chữ chỉ để điểm lại những lần Bethesda đã làm game thủ của trò chơi thất vọng hoặc cảm thấy bị lừa!
Rage 2
Về tổng thể, Rage 2 không đến nỗi tệ. Game có đồ họa đẹp mắt và một phần bắn súng đầy hào hứng, nhưng ngoài nó ra thì chẳng còn gì đáng để nhắc đến. Phần cốt truyện chính của game ngắn ngoài sức tưởng tượng nên nhà phát triển id Software và Avalanche Studios phải cố gắng bôi trét cho thời lượng game dài ra bằng những hoạt động bên lề như đua xe, giải đố, thu thập đồ đạc… Dù những hoạt động này thành công kéo dài thời gian chơi, chúng lại khiến game thủ không được thưởng thức mảng bắn súng – phần tốt nhất của trò chơi.
Vì vậy,nếu xét riêng trải nghiệm bắn súng của Rage 2 thì đây là một tựa game khá, nhưng khi nhìn vào tổng thể thì nó chẳng có gì đáng nhớ và không góp phần thúc đẩy tiến triển của cốt truyện hay mở rộng thế giới của Rage.
Doom Eternal
Mọt tui dành cho Doom Eternal những lời khen ngợi có cánh và nó cũng rất được yêu thích trên toàn cầu, nhưng những gì xảy ra sau khi tựa game này ra mắt lại ảnh hưởng đến danh tiếng của nó. Ban đầu, các game thủ bày tỏ sự bực dọc và phản đối id Software lẫn Bethesda vì đĩa nhạc OST của game có chất lượng không như mong đợi trước khi vỡ lẽ ra lỗi không nằm ở phía id Software hay Bethesda, mà nằm ở chính nhà soạn nhạc Mick Gordon.
Vụ việc này chỉ vừa mới lắng xuống thì một pha “phá game” mới lại được thực hiện. Hẳn các độc giả của Kênh Tin Game đều biết rằng trong vài tuần gần đây, phần mềm chống cheat Vanguard của Valorant đang bị game thủ mắng mỏ vì nhiều lý do trong đó có việc nó chạy ở Kernel 0 khiến người ta lo ngại.
Trong bối cảnh này, id Software lại có một pha xử lý đi thẳng vào lòng đất khi tung ra bản cập nhật lớn đầu tiên cho Doom Eternal chứa… Denuvo Anti Cheat, giải pháp chống gian lận cho phần multiplayer của game. Nó không phải là Denuvo Anti Tamper, phần mềm bảo vệ bản quyền cực khó crack mà chúng ta quen thuộc từ trước.
Trong khi cái tên Denuvo vốn đã không được lòng những người chơi game bản quyền bởi phần mềm DRM của họ bị tố là làm chậm máy tính, Denuvo Anti Cheat lại chọc giận game thủ khi cũng chạy ở mức Kernel 0 như Vanguard. Những game thủ không chơi multiplayer mà chỉ chơi phần campaign cũng khó chịu khi bị bắt cài phần mềm chống cheat này, dù đây là một điều khá bình thường do nó nằm chung trong bản cập nhật với một số skin, vật phẩm trong game.
Sự xuất hiện của Denuvo Anti Cheat cũng làm game thủ lo ngại rằng không sớm thì muộn, Doom Eternal cũng sẽ bị nhồi nhét những vật phẩm microtransaction dù trước đây id Software đã hứa rằng sẽ không có những thứ đó trong tựa game của mình. Sự nghi ngờ này là có thể hiểu được bởi việc các nhà phát triển hứa không microtransaction rồi nuốt lời chẳng còn hiếm trong ngành công nghiệp game.
Sau những phản ứng kịch liệt của game thủ, giám đốc sản xuất Doom Eternal là ông Martin Stratton đã công bố họ sẽ gỡ phần mềm chống cheat này khỏi game trong bản cập nhật kế tiếp và xem xét lại hướng đi của mình trong việc chống gian lận cho phần multiplayer.
Kết
Như vậy, toàn bộ 6 tựa game mà Bethesda công bố tại E3 2018 và phát hành từ đó đến nay đều đã vướng phải những vấn đề khác nhau, dù có thể không phải lỗi của nhà phát triển hoặc nhà phát hành, ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của họ. Với một “bề dày thành tích” ấn tượng như thế này, Mọt tui khó mà tin được rằng dự án Starfield mà họ đang phát triển (trên nền Creation Engine cũ đã 20 năm tuổi) sẽ không ra đời trong tình trạng lừa trên gạt dưới, thiếu trước hụt sau.