Từng có một thời E3 là triển lãm game và giải trí lớn nhất hành tinh, nơi tất cả các nhà phát triển, phát hành game từ lớn đến nhỏ trên khắp thế giới đều cố gắng chen chân vào đó. Nó là một sự kiện “cao sang” đến mức hoàn toàn phớt lờ game thủ bình thường, và chỉ mở cửa cho dân làm game cũng như báo giới. Nó là nơi mà các nhà phát triển trưng bày những tựa game hot nhất, tung ra những thông tin chấn động nhất, và ký những hợp đồng giá trị nhất. Và cứ mỗi kỳ E3, các trang tin, tờ báo trên toàn cầu thi nhau viết về nó, khiến game thủ “chết ngộp” trong một biển thông tin về những gì diễn ra tại sự kiện này.
Nhưng các bạn biết thừa rằng đó đã là chuyện của quá khứ. Trong vài năm trở lại đây, E3 không còn là sự kiện sang cả mà mọi người đều hướng đến, thể hiện rõ nhất qua việc nhiều ông lớn của làng game lần lượt quay lưng với sự kiện này. Mất mát mới nhất của họ là Sony: gã khổng lồ Nhật Bản đã không đến dự E3 2019, và theo thông tin vừa mới được xác nhận vài ngày trước đây, họ cũng sẽ vắng mặt tại E3 2020. Theo lời một người phát ngôn của Sony, E3 “không phải là địa điểm phù hợp với những tiêu điểm của chúng tôi trong năm nay,” và vì thế Sony đành nói lời tạm biệt.
Tại sao người ta bỏ E3?
Một trong những lý do khiến E3 không còn là tâm điểm của các nhà phát triển, phát hành game có lẽ là vì sự tiến bộ của công nghệ stream và các nền tảng stream. Ngày xưa khi việc theo dõi nội dung qua internet còn khó khăn, việc có một sự kiện tập trung tất cả mọi người lại cùng một chỗ như E3 đem lại cơ hội cho các nhà phát triển phơi bày game của mình với rất nhiều người, dù đó là những nhà đầu tư tiềm năng, nhà phát hành khó tính hay phóng viên báo chí. Giờ đây khi internet đã tiến bộ đủ xa, các kênh thông tin từ nhà phát triển đến báo giới và game thủ rộng mở hơn rất nhiều: họ có thể tung thông tin của mình lên các diễn đàn, lên MXH, lên stream,… và người xem sẽ biết đến trò chơi ngay tức khắc.
Thật vậy, khi đọc kỹ lý do của Sony đưa ra để giải thích cho việc họ không xuất hiện tại E3 2019 và 2020, Mọt tui nghĩ rằng có lẽ nhà phát hành này có ẩn ý rằng E3 không còn “hợp thời” và thiếu vắng những sự sáng tạo cần thiết cho một ngành công nghiệp đang chứng kiến những sự thay đổi chóng mặt. E3 không có nhiều thay đổi lớn trong thời gian qua (trừ việc mở cửa cho game thủ bình thường), và nó hoàn toàn không có bất kỳ một thứ gì đó đủ đặc biệt, đủ độc đáo để lôi kéo nhà làm game lẫn game thủ trở lại. Đó là còn chưa kể đến chi phí khủng để xuất hiện tại E3: theo Mọt được biết, Devolver Digital chuyên phát hành những tựa game vừa và nhỏ nói rằng E3 là “một kiểu tra tấn đặc biệt” và chi phí thuê một gian triển lãm tại E3 “bằng chi phí quảng cáo của chúng tôi trong suốt 10 năm.”
Rõ ràng là với nhiều công ty game, E3 không còn xứng đáng với mức giá mà họ phải bỏ ra để được xuất hiện tại đó, trong khi những gì E3 đem lại đã bị lấn sân bởi internet. Cơ hội cho game thủ tiếp cận và chơi thử game? Internet có thể làm được, dù các bản demo xuất hiện tại E3 rất ít khi được tung lên internet. Kênh thông tin từ nhà phát triển đến game thủ? Internet cũng làm được, và làm nhanh hơn nhiều. Làm cho một công ty nào đó trở thành trung tâm của sự chú ý trong suốt thời gian sự kiện? Dĩ nhiên là E3… không làm được, còn internet làm được thông qua những sự kiện do chính công ty đó tổ chức. Tóm lại, E3 ngày nay không còn là một điểm đến hấp dẫn các nhà làm game và không có gì lạ khi ngày càng nhiều công ty bứt khỏi E3 để tổ chức những sự kiện riêng của mình.
Tại sao E3 không còn hấp dẫn?
Mảng game indie ngày nay có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc người ta không còn cần đến E3 để thành công. Bằng việc xây dựng những cộng đồng game thủ trung thành và liên tục giao tiếp cùng họ qua những kênh như Discord, Reddit, Facebook… các nhà phát triển indie biến game thủ của mình thành những người tuyên truyền miễn phí, đưa danh tiếng của trò chơi đến với nhiều người hơn một cách đáng tin hơn. Thật vậy, ngày nay rất nhiều game thủ chỉ tin vào lời truyền miệng hoặc đánh giá của game thủ khác, chứ không còn tin tưởng vào bất kỳ một trang tin hay báo game nào và gọi tất cả là “lều báo,” một sự thật đáng buồn với những người gắn bó với nghề viết game như Mọt tui.
Trong khi đó các nhà phát triển lớn cũng thành công mà không nhất thiết phải đến với E3 bởi họ đủ tầm vóc để thu hút sự chú ý của game thủ về mình. Microsoft, Nintendo, Ubisoft đến E3 có lẽ vì… thói quen hơn là nhu cầu. Sony, Blizzard, EA có thừa tiền bạc để tổ chức một sự kiện lớn, có thừa game để bày đầy một khu triển lãm hoành tráng (dù vẫn không rộng bằng E3) và có thừa fan để lấp đầy sự kiện của mình. Rockstar chưa bao giờ đến E3, nhưng họ vẫn thành công rực rỡ bằng danh tiếng của chính bản thân và gameplay xuất sắc của những tựa game như Red Dead Redemption 2 hay GTA V, cộng thêm một lượng game thủ khổng lồ sẵn sàng móc bóp chi trả cho các tấm thẻ Shark Card.
ESA, đơn vị tổ chức E3 chắc chắn đã nhận thấy điều này và đã cố gắng thay đổi bằng cách mở cửa sự kiện cho công chúng kể từ năm 2017. Điều này đã thay đổi hình tượng của E3 trong mắt công chúng và tạo ra một hiện tượng lạ: trong khi các công ty làm game thay nhau rời đi, số lượng game thủ đến với sự kiện lại tăng lên trong hai năm đầu tiên. Với họ, E3 đã trở thành một ngày hội lớn tuyệt vời. Dù họ có thể tận hưởng nhiều điều mà E3 đem lại qua internet, việc “chen vai thích cánh” với những người cùng sở thích trong một không gian rộng lớn, được bao phủ trong bầu không khí game là một trải nghiệm tuyệt vời không thể có được khi ngồi trước màn hình ở nhà. Điều này cũng giống như nhiều game thủ vẫn thích ra tiệm net để ngồi “lấy không khí” dù máy tính ở nhà mạnh mẽ hơn biết bao nhiêu.
Tuy nhiên, E3 không phải là một nền tảng phát hành game, và khách hàng chính của họ không phải là game thủ mà là các công ty làm game. Nếu các công ty game cứ lũ lượt quay lưng với sự kiện này, sẽ có một ngày game thủ không còn lý do gì để đến với E3, và đó là lúc sự kiện này phải đóng cửa. Dấu hiệu đầu tiên của nó đã xuất hiện tại E3 2019: lượng người đến xem E3 2019 giảm nhẹ còn 66.100 người, so với mức 69.200 người của E3 2018.
Tương lai nào cho E3?
Sự thật là sự kiện hàng đầu của ngành công nghiệp game kể từ khi ra đời vào năm 1995 đã không còn ở vào thời hoàng kim của mình. Bởi internet ngày càng lan rộng và tốc độ kết nối ngày càng tăng trên toàn cầu, các nhà phát triển nay có thể dễ dàng tung ra các thông tin nóng sốt đến hàng chục triệu game thủ – một con số vượt xa lượng khán giả của một kỳ E3. Bên cạnh đó, họ có thể làm điều này vào bất kỳ lúc nào phù hợp chứ không cần phải hấp tấp gom góp, chuẩn bị cho những kỳ E3 diễn ra vào khung thời gian cố định như trước. Vì vậy có lẽ Sony sẽ không bao giờ trở lại E3 còn các công ty khác sẽ dần rời khỏi sự kiện này, và nếu ESA không tìm ra được một định hướng mới cho sự kiện của mình, “cuộc vui nào cũng có lúc tàn” là số phận của E3.