TIN LIÊN QUAN
Được biết, AI mang tên Midjourney là “thứ” đã vẽ ra bức tranh đoạt giải nhất ở triển lãm ở bang Colorado.
Một người đàn ông tên Jason Allen đã mang bức tranh Théâtre D’opéra Spatial đến triển lãm hội họa ở bang Colorado (Mỹ) và dành được giải nhất ở phần vẽ tranh kỹ thuật số.
Tuy nhiên, trong khi các họa sĩ khác sử dụng bút và bảng vẽ điện tử để hoàn thành tác phẩm của mình, Jason Allen đã nhờ đến sự giúp đỡ của AI Midjourney – một công cụ trí tuệ nhân tạo mới được phát triển gần đây.
Jason Allenm đã in bức tranh ra và kí tên tác giả là: “Jason M. Allen, đồng tác giả Midjourney”, sau đó mang tác phẩm đến triển lãm. Bức tranh Théâtre D’opéra Spatial mô phỏng lại một buổi biểu diễn opera hoành tráng.
Sau khi giành được giải nhất, Jason Allen đã khoe với cộng đồng những người cùng sử dụng Midjourney trên Discord:
“Tôi đã giành chiến thắng rồi, thật bất ngờ vì điều đó”.
Những nhà phê bình nhận xét bức tranh đầy tính nghệ thuật với những đường nét cổ điển, khắc họa chi tiết đại sảnh nhà hát theo lối kiến trúc Baroque, cùng một ô cửa hình tròn ngập tràn ánh nắng.
Nhưng, chiến thắng của Jason Allen đã tạo ra một cuộc tranh cãi lớn giữa những người họa sĩ và cộng đồng những người dùng AI để phục vụ mục đích nghệ thuật.
Genel Jumalon, họa sĩ từng thắng giải ENNIE Award nhận xét:
“Quá tồi tệ, một thứ không phải là người thắng giải thưởng dành riêng cho các họa sĩ ư”.
Nhiều ý kiến trên Twitter bày tỏ sự lo ngại về những gì trí tuệ nhân tạo có thể làm được.
“Nghệ thuật sắp chết rồi”.
“AI quá sáng tạo, nếu tiếp tục phát triển thì tất cả những công việc yêu cầu trình độ cao nó đều có thể làm được, lúc đó con người sẽ phải làm sao”.
Những nhận xét đầy lo lắng thu hút hàng nghìn lượt tương tác sau một thời gian ngắn.
Đáp lại những ý kiến phản bác, Jason Allen cho rằng những người này quá ích kỷ và đạo đức giả khi phủ nhận những gì AI có thể làm được và làm tốt đến mức nào. Anh cũng không quên khẳng định rằng bức tranh của mình vẫn có yếu tố con người khi mà chính Jason mới là người chỉ đạo AI vẽ ra nó.
Jason Allen cũng chia sẻ, AI chỉ là công cụ hỗ trợ quá trình sáng tạo vì nó chỉ dùng dữ liệu có sẵn anh đưa vào. Đầu tiên Jason phải tự lên ý tưởng cho bức tranh, chọn lọc những gợi ý của AI, sau đó kết hợp lại sao cho chau chuốt nhất. Để dự phòng, Jason đã làm đến 3 bức tranh để cùng mang đi triển lãm.
Anh cũng nói thêm, rồi sẽ đến lúc nhân loại phải công nhận những tác phẩm mà AI đã tạo ra, kể cả có riêng một hạng mục cho chúng đi nữa. Nhiều họa sĩ thì không đồng tình với ý kiến này vì những tác phẩm nghệ thuật kiểu này đang làm giàu cho giới công nghệ bằng chính chất xám của họ.