Diablo 4 bị quá tải vì game thủ kéo nhau chơi thử bản Open Beta

Sau 11 năm, kể từ phần 3 của Diablo ra mắt thì phần 4 mới đến tay game thủ. Nên nhiều người nóng lòng muốn xem game như nào.

Mặc dù nhà phát hành Blizzard Entertainment đã cho game thủ tải game trước, nhưng tình trạng nghẽn mạng vẫn không thể tránh khỏi. Nhiều người bị mất kết nối, đứng ở hàng chờ hàng giờ liền, thậm chí là bị lỗi xóa nhân vật.

Thật đáng buồn khi bạn phải rơi vào hoàn cảnh háo hức cày game được một tí, rồi bị văng ra và không thể vào lại được hoặc khi vào thì nhân vật đã “bỏ bạn mà đi”. Niềm an ủi dành cho những người kém may mắn, là dù sao thì dữ liệu ở giai đoạn Open Beta cũng sẽ bị xóa hoàn toàn.

Diablo 4 bị quá tải nghiêm trọng ở những giờ đầu tiên mở cửa, hàng loạt các lỗi game xuất hiện: 316719 mỗi khi nhân vật lên cấp, 300202 quá nhiều người truy cập máy chủ cùng lúc, 34203 lỗi đăng nhập… Cách giải quyết những lỗi này là thoát game và quay trở lại sau vài giờ, khi lượng người chơi đã giảm.

3 ngày cuối tuần này, ở giai đoạn Open Beta lần 1 hay còn gọi Early Access, game thủ chỉ được chọn 3 lớp nhân vật Barbarian (đấu sĩ), Rogue (sát thủ), Sorcerer (pháp sư) trải nghiệm game. Cấp độ tối đa dừng lại ở 25, đủ để game thủ cộng điểm, sử dụng vài skill cơ bản. Tuy nhiên, game thủ có thể tiếp tục đánh quái cho đến khi sự kiện Open Beta kết thúc.

Cần khoảng 5 giờ cày cuốc thì nhân vật của người chơi mới đạt cấp độ tối đa ở bản Open Beta. Nhưng khi chạm đến cấp độ 20 thì người chơi sẽ nhận được các phần thưởng khi game chính thức phát hành vào ngày 6/6/2023. Đó là danh hiệu Initial Casualty cho người tìm đến Kyovashad, danh hiệu Early Voyager và vật phẩm Wolf Pack.

Về gameplay, Diablo 4 làm rất tốt khâu chiến đấu, chặt chém và xây dựng lớp nhân vật. Các pha hành động trông rất thực, sự tương tác giữa người chơi và quái vật đẹp mắt, đã tay. Âm thanh game chi tiết đến từng hơi thở, tiếng rên, tiếng va chạm của vũ khí.

Game thủ dễ dàng cảm nhận được sức nặng cơ bắp mỗi khi Barbarian tung đòn đánh; Rogue nhanh nhẹn, linh hoạt, sử dụng được những loại vũ khí nhỏ gọn cận chiến và tầm xa; mê mẫn trước sức mạnh phép thuật của Sorcerer, lớp nhân vật này di chuyển khá nhanh, bù đắp cho lượng giáp, máu ít ỏi của mình.

Hệ thống waypoint và teleport thuận tiện cho việc di chuyển đến các vị trí rộng lớn trên bản đồ. Nhưng việc đi bộ diễn ra khá thường xuyên vì diện tích bản đồ là quá rộng. Đối với người chơi thích ngắm cảnh, thưởng thức thế giới Sanctuary sẽ khá thích, đối với người vội vả cày cuốc, làm nhiệm vụ thì khá bất tiện.

Hệ thống cây và điểm kỹ năng đồ sộ đáng kinh ngạc, phù hợp cho cơ chế hoạt động theo mùa sau khi game phát hành chính thức. Cách làm này đang được Blizzard áp dụng cho Diablo II: Resurrected, Diablo 3. Mỗi lớp nhân vật, bạn có thể chơi lại hàng chục lần mà vẫn không thấy chán nhờ cách xây dựng nhân vật đa dạng.

Hệ thống Paragon từ Diablo 3 vẫn duy trì ở Diablo 4 từ cấp độ 50 đến 100. Tính năng Respecs, cho phép người chơi phân chia lại điểm kỹ năng, cấp độ càng cao thì càng tốn vàng. Phần giao dịch với người chơi khác thì khá hạn chế. Chỉ những món đồ thường, hiếm mới được trao đổi. Đồ huyền thoại (Legendary), độc nhất (Unique) không được trao đổi.

Một số thông tin khác về game:

  • Crossplay mọi nền tảng
  • Hệ máy console có thể co-op 2 người ngồi cạnh nhau, PC co-op online tối đa 4 người
  • Dữ liệu game được lưu theo tài khoản Battle, dùng 1 tài khoản chơi được trên nhiều hệ máy
  • Bản game trên PC và console là khác nhau, không thể dùng chéo cho nhau
  • Game có hỗ trợ tay cầm chơi game dành cho PC
  • Game chưa hỗ trợ di chuyển bằng WASD cho PC

Tuần sau, giai đoạn Open Beta lần 2 (24-26/3) mở cửa, game thủ được chọn Druid (người sói), Necromancers (người triệu hồi xác sống) và 3 lớp nhân vật ở Open Beta lần 1.