Bạn đã từng xem hay nghe qua về bộ phim The Last Starfighter - Chiến Binh Cuối Cùng (1984) chưa? Một bộ phim khá xa xưa với nhân vật chính là một cậu bé ham mê trò chơi điện tử và có vẻ sẽ chôn vùi cuộc sống trong những trò chơi vô bổ đó cho đến một ngày, cậu phá vỡ kỷ lục điểm số cao nhất trong trò chơi có tên Starfighter. Và chính điều này đã giúp cậu ta thực sự vượt ra ngoài vũ trụ, được tuyển quân vào vị trí súng máy cho lực lượng phản kháng của người ngoài hành tinh y như trong tựa game cậu đã chơi. Hơn 35 năm sau khi The Last Starfighter ra rạp, với sự phát triển của khoa học công nghệ, ý tưởng này đang dần được hiện thực hóa. Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Hoa Kỳ gần đây đã trao khoản đầu tư $316,000 (hơn 7 tỷ đồng) cho Viện trí tuệ nhân tạo của Đại học Buffalo để tiến hành nghiên cứu toàn bộ hoạt động não và chuyển động mắt của các game thủ khi chơi game. Toàn bộ dữ liệu sẽ được ghi lại nhằm mục đích chế tạo ra các robot có khả năng giao tiếp và thích ứng linh hoạt với các tình huống mới giống như các game thủ.
Để thực hiện nghiên cứu, họ đã phát triển một trò chơi chiến lược thời gian thực, hiện chưa được đặt tên, với cơ chế và tính năng lấy cảm hứng từ các tựa game nổi tiếng như StarCraft, Company of Heroes hay Stellaris. Trong game, người chơi phải sử dụng tài nguyên để xây dựng căn cứ, điều khiển binh lính để đánh bại kẻ thù, hoàn thành mục tiêu. Trong quá trình chơi, game thủ được gắn thiết bị điện não đồ để ghi lại mọi phản ứng, hoạt động của não trong khi chuyển động mắt cũng được theo dõi bằng các camera tốc độ cực cao. Giáo sư Souma Chowdhury cho biết mục tiêu của họ là tạo ra một AI có thể hiểu được tại sao con người lại hành động như vậy thay vì chỉ đơn thuần sao chép lại chúng. Họ muốn các robot có thể giao tiếp với nhau và nhanh chóng thích nghi với những tình huống cụ thể như một đám cháy lớn chẳng hạn. Mỗi robot sẽ được phân chia đảm nhận những công việc khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Dựa trên dữ liệu sóng não thu thập được, nhóm nghiên cứu dự định sẽ tạo ra 250 con robot, cả trên không và trên mặt đất. Trong đó, sẽ có một robot đóng vai trò chỉ huy, số còn lại giống như những nhân viên đưa ra những quyết định cá nhân và thực hiện những nhiệm vụ nhỏ hơn để hoàn thành nhiệm vụ đã được chỉ định sẵn. Nhờ khoa học và công nghệ phát triển, những điều tưởng chừng như không thể trong quá khứ sẽ dần được hiện thực hóa vào một ngày nào đó không xa.