Nghi vấn về Tây Du Ký và Ngộ Không có được giải đáp bởi Black Myth: Wukong?

Tôn Ngộ Không đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều game thủ nhưng bí ẩn trong đó khiến người ta nghi ngờ về sự thật đằng sau Tây Du Ký.

Ngày xưa khi xem anh khỉ Ngộ Không đại náo thiên cung chắc hẳn các game thủ chẳng mấy quan tâm đến việc vì sao thế lực đã tồn tại suốt từ khi khi khai thiên lập địa như Thiên Đình, Địa Phủ hay Long Cung lại bị quậy phá một cách dễ dàng như chốn không người. Cũng chẳng ai quan đến đến việc vì sao Bồ Đề tổ sư (sư phụ của Tôn Ngộ Không) lại biến mất một cách đầy bí ẩn và cấm Ngộ Không nói ra danh hiệu lẫn quan hệ thầy trò với mình.

Lại càng không ai rảnh rỗi tìm hiểu vì sao chỉ mất có 500 năm mà Tề Thiên Đại Thánh ngày nào giờ lại còn yếu hơn cả mấy con thú cưỡi nhãi nhép của các bậc đại năng trên Thiên Đình, nơi mà hầu ca từng ra vào như nhà mình và không xem ai ra gì vào ngày trước. Tất nhiên bộ phim Tây Du Ký vốn được sản xuất để phục vụ cho thiếu nhi nên mấy cái “việc nhỏ” này không được quan tâm là điều dễ hiểu nhưng nếu cẩn thận suy ngẫm lại, bạn sẽ thấy có rất nhiều bí ẩn to lớn vẫn âm thầm tổn tại trong tác phẩm này.

Đầu tiên chính là sự tồn tại của Tôn Ngộ Không

Sự tồn tại của Tôn Ngộ Không vốn là một bí ẩn cực lớn. Đầu tiên nếu xem tiểu thuyết và bộ phim truyền hình năm 1986, chúng ta đều biết Ngộ Không có xuất thân là một trong những hòn đá ngũ sắc mà Nữ Oa sử dụng để vá trời. Sau khi hoàn tất công việc, thấy còn sót lại một viên nên đã ném nó vào hạ giới, về sau nơi này chính là Hoa Quả Sơn của nước Ngạo Lai thuộc Đông Thắng Thần Châu. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là ngày từ đầu có phải các bậc đại năng của Phật Môn Tây Phương đã tính ra được viên đá hội tụ khí vận của đất trời nên quyết định sẽ dùng nó để phát triển tôn giáo của mình sang phía Đông, vốn là lãnh địa của Thiên Đình và Long Cung hay không? Đây là khả năng rất có thể xảy ra bởi Thiên Đình là thế lực thống trị cả Tam Giới ở phương Đông tuy nhiên chúng ta thấy rất nhiều lần họ tỏ ra dễ dãi với sự nghịch phá của Tôn Ngộ Không.

Ngộ Không

Trong những truyện thần thoại khác, người ta thấy tiên giới là một nơi không giảng giải chuyện tình cảm. Khi phạm luật nhà trời, dù là ai cũng không thể thoát khỏi sự trừng phạt vô cùng khủng khiếp. Điển hình nhất là trong Bảo Liên Đăng, khi Dao Cơ tiên tử động lòng phàm trần và có 3 đứa con với thư sinh Dương Thiên Hựu bà đã bị chính anh trai của mình là Ngọc Hoàng đại đế đày xuống trần gian giam giữ tại Đào sơn suốt nhiều năm. Mãi về sau một người con trai của bà là Dương Tiễn được Ngọc Đỉnh chân nhân núi Côn Luân thu làm đệ tử, học được một thân bản lĩnh thần thông mới có thể dùng búa chẻ đôi ngọn núi để cứu mẹ mình. Ấy mới thấy các bậc đại năng của Thiên Đình đối với Ngộ Không thật dễ dãi khi hầu vương năm lần bảy lượt công khai tạo phản nhưng vẫn cứ chủ trương chiêu an, cho đến khi Phật Môn đến mới bắt đầu sử dụng biện pháp cứng rắn.

Nhiều người đã thắc mắc chẳng hiểu vì sao Ngộ Không lại được ưu ái như vậy khi chỉ cần xét một trong các tội đã phạm phải là đủ để cho bị tiêu diệt, thậm chí là hồn phi phách tán rồi. Không kể đến câu chuyện của Dao Cơ tiên tử ở trên, ngay trong trường hợp của Sa Tăng hay Quyển Liêm đại tướng người ta đã thấy mức độ xử phạt vô cùng không công bằng. Quyển Liêm nghĩa là cuốn/vén rèm, tức là lão Sa chỉ có chức quan bé như hạt đậu, có trách nhiệm tùy tùng lo vén màn, che lọng, trông đường đi cho Ngọc Hoàng. Năm xưa bởi vì làm vỡ chén lưu ly ở Hội Bàn Đào trong lúc say rượu nên bị tước đi tiên tịch và đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái, khổ cực không sao kể xiết. Vì thế mà Quan Thế Âm Bồ Tát đã dặn dò lão Sa hãy cố chờ đợi để phò giá Đường Tăng nhằm chuộc lại lỗi lầm đã gây ra thì mới có cơ hội trở lại làm thần tiên. Người ta cẩn trọng từng chút một, khổ cực phục vụ bao nhiêu năm, chỉ vì lỡ tay làm bể có một cái chén, từ thần tiên lập tức thành yêu quái, không giải trình miễn lôi thôi.

Còn Ngộ Không thì thoải mái lắm, anh hứng chí lên là cuỗm sạch đào tiên, lấy sạch rượu và đồ ăn ngon, thậm chí chén vàng đĩa ngọc chuẩn bị sử dụng cho buổi tiệc hội bàn đào cũng thu thập hết vào bao tải không chừa lại một cái nịt gì. Nhưng kết quả vẫn được xử lý kỷ luật về mặt hình thức là chính. Vì sao lại có sự ưu ái cực độ cho một kẻ mà về sau sẵng sàng giương lên lá cờ “Tề Thiên Đại Thánh” như một cách công khai thách thức quyền lực của Ngọc Đế? Những đứa trẻ khi xem phim Tây Du Ký có lẽ không rõ ràng cho lắm ý nghĩa của hai chữ Tề Thiên nhưng người trưởng thành sẽ hiểu điều đó ngụ ý thách thức sự thống trị của Thiên Đình một cách trắng trợn vì cả gan đòi bằng vai phải lứa (tề) với ông trời (thiên) cơ mà. Nnếu không có sự tác động ngầm  của Phật Môn để bảo toàn tính mạng cho người sau này sẽ nhận trách nhiệm thỉnh kinh, thật khó tìm ra lý do nào khác để Thiên Đình có thể đối xử dễ dãi với một cá nhân đến như vậy.

Chính vì ngay từ đầu đã được Phật Môn nhắm đến nên chẳng có gì lạ nếu sau này thỉnh kinh xong, Ngộ Không đã bị tẩy não hoặc thay thế bởi một nhân vật khác biết nghe lời hơn. Trong Black Myth: Wukong có thể thấy NSX đã nhiều lần nhấn mạnh một vấn đề, đó là đoàn thỉnh kinh chẳng khác gì một đám con rối được thế lực to lớn ẩn phía sau điều khiển. Mỗi người trong nhóm thực tế cũng chẳng phải vì phổ độ chúng sinh hay mục tiêu cao cả gì, tất cả chỉ là nhằm thỏa mãn dục vọng của bản thân hoặc đơn giản là quá… ngốc để thế lực bí ẩn lợi dụng mà vẫn cảm thấy vui vẻ. Tất nhiên đây chỉ là giả thuyết nhưng nếu nói như vậy thì có thể hiểu được vì sao sau 500 năm Ngộ Không lại yếu đi một cách bất thường vì câu chuyện đại náo thiên cung quá dễ dàng trước đó cũng chỉ là vở kịch do Thiên Đình phối hợp cùng Phật Môn đạo diễn để hợp thức hóa việc đi thỉnh kinh mà thôi.

Tiếp theo là bí ẩn về Bồ Đề tổ sư và Lục Nhĩ Mi Hầu

Bên cạnh sự dễ dãi dành cho Tôn Ngộ Không, một bí ẩn khác khiến người ta phải tò mò chính là thân thế thật sự của Bồ Đề tổ sư, người đã truyền 72 phép Địa Sát làm nền tảng cho Mỹ Hầu Vương. Bồ Đề là ai và vì sao từ lúc đuổi Ngộ Không xuống núi ông ta không bao giờ xuất hiện nữa là câu hỏi khiến nhiều độc giả Tây Du Ký thắc mắc. Có nhiều giải thuyết cho vấn đề này nhưng hợp lý nhất có lẽ là Bồ Đề là tên giả còn thân phận thật sự của người này là Thông Thiên giáo chủ của Tiệt giáo, thế lực đã thất bại trong công cuộc tranh giành sức ảnh hưởng ở thời điểm diễn ra Phong Thần. Theo đó, cả Thông Thiên Giáo chủ và Thái Thượng đều là đệ tử của Hồng Quân. Cả hai đều sở hữu pháp lực mạnh mẽ và thành lập hai chi khác nhau của Đạo giáo là Tiệt giáo của (Thông Thiên giáo chủ ) và Xiển giáo (của Thái Thượng), nhưng giữa họ luôn tồn tại sự đối kháng và mâu thuẫn lẫn nhau.

Vì thế, phải chăng Thông Thiên Giáo chủ đã cố tình thu nhận Tôn Ngộ Không về dạy dỗ nhưng chỉ dạy kỹ năng mà chẳng quan tâm giáo dục đạo đức cho khỉ đá. Phạm sai lầm một lần thì ngay lập tức trục xuất khỏi sư môn, để sau này Ngộ Không là một kẻ có tài phép nhưng hành xử thì bốc đồng, lỗ mãng, tính cách lại đơn thuần, dễ bị lừa gạt lại hay kích động ít chịu suy nghĩ hậu quả từ việc mình sẽ làm. Đó cũng là điều hợp ý với Thông Thiên bởi ông ta biết thế nào rồi thì Ngộ Không cũng sẽ đại náo thiên cung, gây ra thiên hạ đại loạn, để phục thù thất bại năm xưa. Trong Tây Du Ký, Thái Thương Lão Quân và tất cả đệ tử Xiển Giáo như Dương Tiễn, Na Tra, Lý Tịnh… đều trở thành kẻ đối đầu với Ngộ Không và có nhiều trận chiến long trời lở đất. Thậm chí Thái Thượng còn muốn dùng Lục Đinh Thần hỏa trong lò bát quái để thiêu chết Ngộ Không nhưng “vì lý do gì đó” mà để khỉ đá tìm ra và tạm ẩn núp tại Sinh môn trong lò nên mới thoát chết.

Chưa tìm ra lời giải cho bí mật về thân thế của Bồ Đề tổ sư, chúng ta lại tiếp tục cảm thấy mù mờ về việc Ngộ Không cuối cùng có còn sống hay không? Ở hồi thứ 57 của Tây Du Ký, Ngộ Không đã bị Lục Nhĩ Mi Hầu mạo danh thế là hai Ngộ Không phải đến nhờ Đế Thính phân định thật giả, Đế Thính dùng tai nghe được nhưng tỏ ra khó xử rồi phán “Ta xem ra, nhưng lại không dám nói”. Vậy Lục Nhĩ Mi Hầu là thần thánh phương nào mà tài phép đến mức khiến Đế Thính, vật cưỡi của Địa Tạng Vương Bồ Tát, kẻ có khả năng nghe thấu khắp cả Tam giới: “Núi sông xã tắc, động tiên, phúc địa nơi Tứ Đại Bộ Châu”, cũng không dám nói ra sự thật? Để làm rõ điều đó trước hết chúng ta cần nhớ Phật Tổ Như Lai đã nói rằng: Trời đất có ngũ Tiên gồm Thiên, Địa, Thần, Nhân, Quỷ. Có ngũ Trùng gồm Luy, Lân, Mao, Vũ, Côn; còn Hỗn Thế Tứ Hầu thì không thuộc vào mười loại này”. Hỗn Thế Tứ Hầu tức bốn con khỉ được sinh ra từ hỗn độn bao gồm Linh Minh Thạch Hầu, Lục Nhĩ Mi Hầu, Xích Khào Mã Hầu và Thông Tý Viên Hầu.

Ngộ Không

Trong đó Linh Minh Thạch Hầu chính là Tôn Ngộ Không còn Lục Nhĩ Mi Hầu lại giỏi về lắng nghe, chịu khó nhẫn nại quan sát, thấu hiểu mọi chuyện cả trong quá khứ cũng như tương lai của Tam giới, tinh thông vạn vật. Phép thuật biến hóa giả dạng người khác của hắn cao cường đến mức có thể qua mặt được kính chiếu yêu đặt tại Nam thiên môn và tuệ nhãn của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngay cả người tu hành vạn kiếp như Hạo Thiên Ngọc Đế cũng không thể phân biệt thật giả. Khi hai Ngộ Không đánh xuống địa phủ, Đế Thính và Địa Tạng Vương Bồ Tát tuy phân biệt được nhưng cũng không dám hé lộ chân tướng, chỉ có thể giao lại cho Như Lai xử lý. Chính vì những cơ sở đó nên sau này nhiều người cho rằng ở hồi thứ 57, Ngộ Không thật hay chính xác là Linh Minh Thạch Hầu đã chết thảm dưới tay của Lục Nhĩ Mi Hầu và con khỉ gian manh này ung dung thế chỗ đồng loại của mình để hưởng trọn công đức phổ độ chúng sinh từ việc đi thỉnh kinh.

Như vậy Ngộ Không chỉ là quân cờ giữa Phật và Đạo?

Có thể thấy quá trình Ngộ Không đại náo thiên cung, chẳng hề thấy bóng dáng của đệ tử Phật Môn nào can thiệp. Quan Âm có xuất hiện nhưng cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn cho đến khi tất cả các cao thủ của Thiên Đình bó tay và Ngọc Đế phải mở lời thì Như Lai mới ra tay trấn áp một cách vô cùng dễ dàng. Là do pháp lực của Phật Tổ quá cao cường hay vốn dĩ vị đại năng này hiểu quá rõ về pháp thuật của Ngộ Không nên mới dễ dàng đánh bại nó? Điều này cũng sẽ khiến nhiều độc giả lầm tưởng rằng Ngọc Đế quá yếu kém và chúng tướng trên Thiên Đình cũng không quá mạnh mẽ. Tuy nhiên sau này trong quá trình đi thỉnh kinh đã cho thấy rất nhiều lần Đại Thánh đã bó tay trước vật cưỡi của các cao thủ trên tiên giới. Sủng vật đã vậy thì chủ nhân còn mạnh mẽ đến cỡ nào? Như vậy rõ ràng việc đại náo thiên cung một cách dễ dàng vào 500 năm trước chỉ là trò lừa bịp hay chính xác đó là vở kịch mà Phật Môn lẫn Thiên Đình đã đồng thuận biểu diễn cho đẹp mắt nhằm phục vụ cho quá trình thỉnh kinh được danh chính ngôn thuận mà thôi.

Ngộ Không

Một điểm đầy tính ẩn dụ trong đoạn này khiến các âm mưu gia có cơ hội bình loạn chính là việc Ngộ Không dù có vùng vẫy nhào lộn hay làm mọi cách thì cũng chẳng thoát được tay của Như Lai. Điều này có khi nào chính là để ám chỉ vận mệnh của Mỹ Hầu Vương đã được định sẵn và nằm trong lòng bàn tay của Phật Môn kể từ khi còn là một tảng đá ngũ sắc ở Đông Thắng Thần Châu. Theo đó con khỉ đá chỉ có một tác dụng đó là tạo điều kiện để Phật Môn có cơ hội truyền bá Phật giáo tới Trung Thổ hay nói cách khác là tăng sức ảnh hưởng của bản giáo tại vùng đất mới, nơi trước giờ là địa bàn của Đạo giáo. Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân có viết, Ngũ Hành Sơn bất ngờ hình thành vào cuối thời Tây Hán. Theo lịch sử đây cũng là cũng là giai đoạn Phật giáo được du nhập vào Trung Hoa thông qua việc giao thương với Ấn Độ. Tất nhiên lịch sử và thần thoại không thể dùng để đối chiếu với nhau làm căn cứ nhưng đây vẫn là một điều khá thú vị.

Và càng thú vị hơn khi trong quá trình thỉnh kinh, quá nửa trong số 81 kiếp nạn được gây ra bởi thú cưỡi, vật cưng, đạo đồng, đệ tử, thiên binh thiên tướng của Thiên Đình lẫn Phật Môn trốn xuống hạ giới gây rối và không ít lần hai thế lực này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết mọi rắc rối cho nhóm Ngộ Không. Sau khi bị đánh bại những kẻ này hầu như không phải chịu bất cứ sự trừng phạt gì mà chỉ cần ngoan ngoãn đi theo cấp trên về lại đơn vị cũ phục mệnh là xong chuyện. Dù trước đó chúng có phạm phải bất kỳ tội tày trời nào như hoành hành ngang ngược, cướp bóc giết người thì mọi chuyện cũng được vuốt ve cho êm xuôi. Đám sủng vật này có thật sự to gan như vậy hay sự thật là có kẻ đứng sau sai khiến, buộc Ngộ Không phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Phật Môn lẫn Thiên Đình từ đó phục vụ cho ý đồ của các thế lực đứng sau.

Ngộ Không

Tóm lại những bí ẩn xung quanh tác phẩm Tây Du Ký vẫn là câu hỏi thú vị mà đến giờ nhiều người vẫn đang tìm lời giải đáp. Trong khuôn khổ của một trò chơi điện tử, có thể Black Myth: Wukong sẽ sử dụng một vài giả thuyết được tán đồng nhiều nhất để tạo ra sự mới mẻ trong cốt truyện Tây Du đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ game thủ. Tất nhiên các đáp án này nhiều khả năng chỉ là một vài câu trả lời khả quan nhất nhưng có thỏa mãn được sự tò mò của game thủ đại chúng hay không thì cũng còn phải chờ đến khi trò chơi chính thức ra mắt mới có thể nhận xét được.

UPDATE NGAY lịch đăng video mới của Youtube Kênh Tin Game vào 19h30 thứ 3 - 5- 7 - Chủ Nhật hằng tuần nhé!!!!
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?