Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về một báo cáo từ Cơ quan thuế Nam Quảng Đông, trực thuộc Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc (STA), cơ quan này đã tuyên bố phạt một nữ streamer có nick-name Ping Rong số tiền 62 triệu Nhân dân tệ (tương đương 10 triệu USD ~ khoảng 228 tỷ VNĐ), vì tội trốn thuế.
Cụ thể, nữ streamer này bị cáo buộc đã không có ý thức tự giác nộp thuế, cũng như sử dụng nhiều thủ thuật để làm giả thông tin thu nhập từ các nền tảng kinh doanh trực tuyến trong các năm 2019 và 2020.
Được biết, trường hợp của Ping Rong được xem là một trong những ví dụ điển hình cho những động thái thuộc chiến dịch tăng cường giám sát và truy thu thuế đối với các ngành kinh doanh, phát sóng trực tuyến, vốn đang còn nhiều lỗ hổng về vấn đề kê khai thu nhập và đóng thuế. Chiến dịch kiểm soát thuế đối với các nền tảng trực tuyến của STA được phát động vào tháng 9/2021, và kể từ đó tới nay, cơ quan này đã liên tục đưa ra những cảnh báo yêu cầu giới streamer và các cá nhân/tổ chức kinh doanh online chủ động kê khai thu nhập và nộp thuế đầy đủ.
Đến tháng 12, các sắc lệnh trừng phạt bắt đầu được triển khai, và cục thuế Hàng Châu trực thuộc STA đã đưa ra mức tiền phạt kỷ lục lên tới 1,34 tỷ NDT (211,8 triệu USD ~ 4.835 tỷ VNĐ) đối với “Nữ hoàng streamer Trung Quốc” Viya vì tội danh tương tự.
Theo một thống kê từ iResearch, vào năm 2020, thị trường thương mai điện tử Trung Quốc có giá trị lên tới 1.200 tỷ NDT, với 1,23 triệu nhân lực làm việc trong ngành livestream thương mại điện tử (tức là livestream bán hàng trên các ứng dụng như TaoBao…), tuy nhiên, nguồn thuế từ ngành này nộp vào ngân sách nhà nước lại không hề tương xứng. Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cũng chưa có một luật lệ rõ ràng dành cho vấn đề thuế đối với dịch vụ livestream và thương mại điện tử, dẫn đến nhiều trường hợp trốn thuế và khai khống thu nhập một cách trắng trợn để trốn tránh nghĩa vụ công dân. Và đó là lý do khiến đất nước tỷ dân này đang có những động thái mạnh tay trong việc truy thu thuế của các “ông hoàng, bà hoàng” thế giới ảo.
Về phía Ping Rong, năm ngoái, nữ streamer cũng từng bị cáo buộc về tội danh “bán hàng rởm” trên kênh livestream của mình, khi cô này đã quảng bá sai sự thật, thổi phồng chất lượng về một dòng smartphone lỗi từ thương hiệu nội địa Doov của Trung Quốc.