Có lẽ không có một tác giả nào lại có tác phẩm được chuyển thể thành game nhiều hơn là Kim Dung. 15 bộ tiểu thuyết của ông đã được chuyển thể thành hàng trăm, hoặc hàng ngàn trò chơi khác nhau bởi các nhà phát triển Trung Quốc. Tuy nhiên không phải bộ nào cũng có nhiều game – một số rất ít được sử dụng, trong khi số khác lại được dùng tới dùng lui rất nhiều lần. Hãy cùng chúng tôi khám phá top 3 tiểu thuyết Kim Dung được chuyển thể thành game nhiều nhất trong bài viết này.
Phụ lục
Thần Điêu Đại Hiệp
Là phần 2 trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc, bộ tiểu thuyết này được đăng tải trên tờ Minh Báo vào giữa năm 1959, kéo dài trong suốt 3 năm sau đó và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của độc giả. Nó kể về câu chuyện của Dương Quá, mối tình đầy trắc trở của chàng với Tiểu Long Nữ trong bối cảnh thời Nam Tống, khi quân Mông Cổ hùng mạnh ngấp nghé bờ cõi Trung Nguyên.
Là một trong top 3 bộ truyện được chuyển thể thành game nhiều nhất của Kim Dung, số lượng game được tạo ra dựa trên tình tiết của Thần Điêu Đại Hiệp là rất nhiều. Chỉ tại Việt Nam, chúng ta có thể kể tới Tân Thần Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp 3D, Thần Điêu Đại Hiệp, Thần Điêu Đại Hiệp Mobile, Thần Điêu Hiệp Lữ, Thần Điêu Hiệp Lữ 2,… Một vị trí trong top 3 tiểu thuyết Kim Dung là hoàn toàn xứng đáng.
Với Thần Điêu Đại Hiệp, Kim Dung đã thể hiện được tài năng sắp đặt tình tiết, vận dụng ngôn ngữ, dắp nặn nhân vật của mình. Bộ truyện có bút pháp nhẵn nhụi, vẽ nên những nhân vật với tính cách khác nhau, những mối quan hệ khác nhau, đồng thời dựng nên một bối cảnh giang hồ to lớn, không chỉ bao gồm ân oán tình thù của cá nhân mà còn có cả quốc thù gia hận.
Thiên Long Bát Bộ
Đến năm 1963, Kim Dung chấp bút viết nên Thiên Long Bát Bộ, một bộ tiểu thuyết kiếm hiệp được đăng tải trên tờ Minh Báo trong suốt 4 năm từ 1963 đến 1966. Đây là một tác phẩm thấm đẫm tinh thần Phật giáo, từ cái tên của bộ truyện đến các nhân vật chính được xây dựng dựa trên “Bát Bộ Chúng” của tôn giáo này, bao gồm Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Già. Nó được yêu thích đến mức ngoài hàng chục bộ phim truyền hình và điện ảnh, một số trích đoạn của truyện còn được đưa vào các sách giáo khoa của Trung Quốc, Singapore.
Cũng như người tiền nhiệm, Thiên Long Bát Bộ nằm trong top 3 tiểu thuyết Kim Dung có rất nhiều trò chơi bao phủ mọi nền tảng, từ PC, mobile đến webgame. Tại Việt Nam, chúng ta có những cái tên như Tân Thiên Long 3D, Thiên Long Bát Bộ, Tân Thiên Long Mobile, Thiên Long Kỳ Hiệp, Thiên Long Tình Kiếm,… Đó là còn chưa kể tới những tựa game không bị gói gọn trong khuôn khổ tiểu thuyết này mà “hốt trọn bộ” tiểu thuyết Kim Dung, đưa các nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ vào để làm phong phú thế giới của chúng.
Với sức ảnh hưởng rộng lớn và cảnh giới tư tưởng của mình, bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ có thể được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất không chỉ của Kim Dung mà còn của văn học Trung Quốc. Một số nhà phê bình văn học của quốc gia này thậm chí còn nâng nó lên ngang tầm những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và trừng phạt.
Tiếu Ngạo Giang Hồ
Sáu năm sau khi hoàn thành Thần Điêu Đại Hiệp, Kim Dung mới quay trở lại với thế giới quan của nó bằng bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, được đăng lần đầu từ 1967 đến 1969. Bộ truyện này đem tới cho người đọc một câu chuyện hoàn toàn mới dưới góc nhìn của Lệnh Hồ Xung, một đệ tử trẻ phái Hoa Sơn. Nó mô tả giang hồ, những âm mưu tranh quyền đoạt lợi và những thủ đoạn hiểm độc mà người ta có thể làm ra để đạt được mục đích.
Cũng như Thần Điêu Đại Hiệp, bộ tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ đã được nhiều nhà phát triển khác nhau chuyển thể thành game. Tiếu Ngạo Giang Hồ 3D, Tiếu Ngạo Giang Hồ Mobile, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ, Tiếu Ngạo Giang Hồ 2,… là những cái tên bạn có thể tìm thấy tại thị trường Việt Nam, dù khá nhiều game trong số này đã đóng cửa. Dù vậy, không thể chối cãi rằng đây là một trong top 3 tiểu thuyết Kim Dung được chuyển thể thành game nhiều nhất xưa nay.
Tiếu Ngạo Giang Hồ là một bước tiến mới trong bảng thành tích của Kim Dung, và là một trong những tác phẩm võ hiệp tiêu biểu của trường phái mới. Người đọc có thể nhận ra rằng trong danh môn chính phái cũng đầy lũ tiểu nhân âm hiểm, còn ma giáo cũng không thiếu người hành sự quang minh lỗi lạc. Nó thể hiện quan niệm của Kim Dung rằng chính, tà không phải phụ thuộc vào việc người ta ở môn phái nào, mà chỉ nên được đánh giá bằng nhân phẩm của bản thân.
Độc Cô Cầu Bại
Ở đây, chúng tôi cảm thấy mình nên nói thêm về Độc Cô Cầu Bại, một nhân vật mà qua đó, Kim Dung thể hiện một chút quan điểm về triết học của mình qua cảnh giới kiếm pháp “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Dù ông chưa từng xuất hiện trong một bộ tiểu thuyết Kim Dung nào mà chỉ được mô tả qua lời của người khác, vị đại cao thủ này cũng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ độc giả.
Cụ thể, võ công của Độc Cô Cầu Bại chỉ được mô tả bằng vài dòng ngắn ngủi được ghi lại trên bốn nấm mộ chôn kiếm của ông, nhưng chúng cũng đã đủ để vẽ nên một hình tượng cao lớn, vĩ đại trong chốn giang hồ. Ông không tự xưng “bất bại” như Đông Phương giáo chủ, mà chỉ “cầu bại” – và Đông Phương giáo chủ đã thất bại, còn Độc Cô Cầu Bại vẫn không một lần được nếm trải cảm giác thất bại trong đời.
Độc Cô Cầu Bại cũng không phải chỉ là một nhân vật qua đường – võ học của ông đã được truyền lại cho một số nhân vật chính trong các bộ tiểu thuyết Kim Dung khác như Dương Quá (Thần Điêu Đại Hiệp) hay Lệnh Hồ Xung (Tiếu Ngạo Giang Hồ). Mỗi lần thấy hai nhân vật chính này thi triển võ công, sẽ có không ít độc giả / khán giả nghĩ rằng nếu những chiêu thức này được người sáng tạo ra chúng sử dụng thì uy lực sẽ tới mức nào, và phong thái sẽ ra sao. Tiếc thay, không có nhiều tác phẩm giải trí khai thác hình tượng nhân vật này, khiến chúng tôi có lúc phải mơ về một tựa game có Độc Cô Cầu Bại làm nhân vật chính.
Độc Cô Cửu Kiếm
May là dù game khai thác hình tượng Độc Cô Cầu Bại ít nhưng không phải không có. Mới đây tựa game Độc Cô Cửu Kiếm của nhà phát hành CMN đã ra mắt để chúng ta được thấy hình tượng của nhân vật này sẽ ra sao. Đây là một tựa MMORPG dạng cài đặt (client) cho PC với thế mạnh về gameplay, nhưng cốt truyện cũng không chịu thua kém. Nhà phát triển đã bỏ công tái hiện lại các tình tiết trong truyện để lôi cuốn người chơi, và khiến họ đồng cảm hoặc nảy sinh ra tình cảm yêu ghét với các nhân vật nhờ tính cách được xây dựng rõ ràng.
Nội dung của game dung hợp nhiều quyển tiểu thuyết võ hiệp khác nhau, nhưng Tiếu Ngạo Giang Hồ vẫn là “bản gốc”. Game thủ sẽ được trải nghiệm lại con đường võ học của Độc Cô Cầu Bại, tự sáng tạo ra những chiêu thức của riêng mình nhờ hệ thống võ công, tâm pháp, bí tịch độc đáo của game. Thế giới giang hồ đầy phân tranh và gian trá, những mâu thuẫn chính – tà cũng được tái hiện lại thông qua hệ thống thế lực chia đôi game thủ trong mỗi server, tạo ra những trận PvP, PK không bao giờ dứt.
Lời kết
Cho đến lúc này, tác phẩm “lớn tuổi” nhất trong bộ ba tiểu thuyết Kim Dung được chuyển thể thành game nhiều nhất đã hơn 70 năm tuổi, nhưng những tựa game lấy cảm hứng từ chúng vẫn không ngừng được tạo ra. Nó cho thấy rằng dù thời thế, công nghệ có đổi thay đến mức nào thì những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung vẫn có sức hút của riêng mình, không chỉ vì giá trị giải trí mà còn vì chúng thể hiện tư tưởng và hiểu biết của nhà văn về Nho, Phật, Đạo, những hệ tư tưởng lớn của Trung Quốc.
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?