Top 7 thể loại game dành cho “hội những người cao tuổi”

Thế hệ game thủ 8x, 9x đã bước sang tuổi 30, họ cần những thể loại game phù hợp với cuộc sống đầy bận rộng hiện tại.

Đã qua rồi thời học sinh, sinh viên chỉ với 2 hoạt động chính thay phiên nhau là học và chơi game ở hầu hết những người mê game. Cuộc sống gia đình mới, công việc và các mối quan hệ ngoài xã hội đã chiếm gần hết thời gian riêng tư của các tín đồ múa phím chuột. Những thể loại game đòi hỏi kỹ năng, phản xạ không còn dành cho người đã đi làm, vốn thời gian hạn chế. Sau đây là 7 thể loại game mà “những người cao tuổi” có thể tham khảo qua.

1. Game thẻ bài (Card game)

Game thẻ bài có các đặc tính ưu việt dành cho người thiếu thốn thời gian. Nó có lối chơi đơn giản, chỉ vài thao tác là bạn làm chủ được game thuộc thể loại này, thời lượng game không quá dài, chỉ khoảng 15 phút cho một ván chơi. Bên cạnh đó, game có những màn hành động, hoạt cảnh đẹp mắt mà bạn được thưởng thức từ các lựa chọn của mình, một chút tư duy và may mắn làm cho game thẻ bài cuốn hút kha khá bộ phận game thủ. Game tiêu biểu: Teamfight Tactics (Đấu Trường Chân Lý), Yugioh, Hearthstone, Gwent, Eternal, Solitairica.

2. Game đơn giản (Casual)

Đây có lẽ là thể loại game được nhiều người ưa chuộng nhất những năm gần đây. Nó dành cho mọi người, không phân biệt giới tính, độ tuổi, chill trong giây lát là tiêu chí tiên quyết của game casual. Đúng như tên gọi của nó, mọi thứ đều tinh gọn tối đa để hướng đến một trải nghiệm vui vẻ và cực kỳ dễ tiếp cận trong thời gian ngắn. Nhân viên văn phòng dùng để giải lao sau những giờ làm việc căng thẳng rất tiện. Game tiêu biểu: AstroPop, Candy Crush Saga, Bejeweled, Big Money!, Dynomite, Township, Fruit Ninja.  

3. Game giải đố (Puzzle)

Game giải đố được thiết kế khá giống với game casual, đôi khi game giải đố là một phần trong thể loại game kinh dị, phiêu lưu, đi cảnh và nhập vai thế giới mở. Game thuần giải đố thường sẽ có các qui tắc khá đơn giản, dự kiện ban đầu dễ sau đó khó dần qua từng cấp độ. Hình ảnh lung linh, âm thanh vui nhộn, thậm chí là cốt truyện làm cho game giải đố trở nên thú vị hơn. Game tiêu biểu: Dream Aquarium, Brain Hole Master, Carto, Sudoku Gridmaster, Inside, Limbo, Call of the Sea, Peggle, Meteos, Little Nightmares.  

4. Game thủ thành (Tower defense)

Game thủ thành là một nhánh của game chiến thuật, đề cao việc sử dụng tài nguyên một cách tối ưu, cách xây dựng công trình và nghiền ngẫm về tính chất của các đơn vị quân. Cảm giác lấy ít đánh nhiều luôn là một thứ gì đó thật lôi cuốn trong game, phim ảnh. Game thủ thành đã cho người chơi trải nghiệm sự tuyệt vời đó. Game thủ thành trước đây thường xuất hiện ở các bản mod, bản đồ của game chiến thuật dàn trận. Ngày nay, đây là một thể loại riêng và có những game thủ thành chuyên biệt. Game tiêu biểu: Plant vs Zombie, Defense Grid: The Awakening, Fieldrunners, Ace Defender.

5. Game chiến lược theo lượt (Turn base tactics)

Game chiến lược theo lượt khá giống với game thẻ bài, việc lựa chọn đội hình, vũ khí, chiêu thức giao tranh sẽ mang về thắng lợi dành cho bạn. Đây là game của sự ra quyết định, game có thể lồng ghép trong các thể loại game nhập vai, đi cảnh, phiêu lưu hành động. Lối chơi chậm rãi, đánh từng đợt một có sự cuốn hút của riêng nó, người chơi được thưởng thức từng pha ra đòn, tung chiêu của quân lính và toan tính những bước đi tiếp theo. Game tiêu biểu: Gears Tactics, BattleTech, XCOM 2: War of the Chosen, Darkest Dungeon, Pokemon series.

6. Game mô phỏng đời sống (Life simulation)

Thể loại game mô phỏng đang trong thời kỳ trăm hoa đua nở với nhiều nhánh khác nhau. Ngoài mô phỏng đời sống, còn có mô phỏng xây dựng và quản lý, mô phỏng nghề nghiệp, mô phỏng điều khiển các phương tiện cơ giới… Đặc điểm của thể loại game này là tái tạo lại một cách chân thực nhất một khía cạnh, chủ đề nào đó ở đời sống thật. Khi người người nhà nhà sống trên Internet, họ muốn mang mọi thứ từ đời sống thật lên đó luôn. Game tiêu biểu: Cooking Simulator, The Sim series, Animal Crossing series, Rec Room, Shop Titans, Junkyard Simulator.

7. Game nhập vai thế giới mở (Sandbox RPG)

Trong 7 thể loại game ở bài viết này, game nhập vai thế giới mở là hardcore nhất nhưng đây lại là game được thiết kế dành cho đối tượng cứng tuổi. Bởi vì game đòi hỏi lượng kiến thức về văn hóa, lịch sử, khoa học kỹ thuật và niềm yêu thích tìm hiểu cốt truyện game. Bên cạnh đó, game nhập vai thế giới mở cần một bộ PC, Console đủ mạnh để mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất, những cô cậu sinh viên khó mà tiếp cận dễ dàng điều kiện này. Game thủ túc tắc chơi mỗi ngày một ít, vài tuần vài tháng thì cũng hoàn thành tựa game mình lựa chọn. Game tiêu biểu: Ghost of Tsushima, Dying Light, Watch Dogs series, Final Fantasy series.

Một bộ phận game thủ đã chọn con đường từ bỏ đam mê để tập trung cho gia đình, sự nghiệp. Hoặc tự bản thân họ không còn xao xuyến với những hình ảnh nhảy múa trước màn hình máy tính nữa. Nhưng cũng có một số người vẫn còn đó tình yêu dành cho game, vẫn coi game là một người bạn tri kỷ, là chốn an toàn, tự do để quên đi những khó khăn, trắc trở ngoài đời thật. Sự trải nghiệm game ở tuổi trên dưới 30 đã rất khác so với thời thanh niên đầy nhiệt huyết. Không còn những lần sân hận, toxic với người chơi ảo, không còn bon chen, nặng nề trước thành bại trong game. Game lúc này là một thế giới thật hiền hòa, đầy màu sắc và thật dễ chịu dành cho những người không bị cơn lũ thời gian cuốn trôi niềm vui thích từ thời niên thiếu.