Đã vỗ ngực và tự xưng là game thủ kỳ cựu thì chắc hẳn hầu hết mọi người ai cũng đã từng có cơ hội được “cày” nát những tựa game nổi tiếng, bất kể đó là game đi cảnh, game hành động nhập vai, hay thậm chí là game bắn súng. Chẳng hạn như Pokémon, Half-Life và Nấm Lùn Mario giải cứu Công chúa (Super Mario Bros). Nhưng liệu rằng các bạn đã sẵn sàng đối mặt với những tựa game có thể phá hỏng tuổi thơ của mình và bước vào nơi tăm tối nhất trong tiền thức để trở thành “Real Gamer” chưa? Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé!!!
Phụ lục
Pokémon: Red & Green và Hội chứng Lavender Town
Chúng ta sẽ bắt đầu với Pokemon – một trong những thương hiệu lâu đời nhất của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, đồng thời cũng là cái tên đã gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều game thủ thuộc thế hệ 8x 9x, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn ở khắp các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Hơn 23 năm đã trôi qua và mãi cho đến tận bây giờ, Pokemon đã trở thành một trong những tượng đài bất diệt, với hơn 21 bản game đã được phát hành kể từ năm 1996. Nhưng ít ai biết rằng bản đầu tiên – Pokemon: Red & Green (ra mắt năm 1996) – lại là một trong những tựa game ẩn chứa nhiều bí mật đáng sợ nhất. Thật ra thì đây chỉ là một câu chuyện creepypasta hư cấu mà thôi tuy nhiên, nội dung của nó sẵn sàng “xoắn não” và khiến cho người chơi nổi điên hoặc thậm chí là phá vỡ tuổi thơ trong sáng của rất nhiều game thủ kỳ cựu.
Cụ thể hơn, vấn đề nằm ở một ngôi làng có tên là Làng Hoa Oải Hương (The Lavender Town), nói một cách chính xác đó là bản nhạc nền có giai điệu đáng sợ mà khu vực đó phát ra. Dành cho những ai chưa biết thì Lavender Town được rất nhiều người đồn rằng đây là một địa danh bị ma trêu quỷ ám, cộng thêm sức ảnh hưởng của giai điệu ghê rợn luôn văng vẳng bên tai người chơi, khiến cho họ hoá điên và tìm cách kết liễu đời mình.
Nếu anh em nào đã từng chơi phần này rồi thì chắc hẳn sẽ biết Mọt tui đang kể về cái gì. Đúng vậy, đó chính là Hội chứng Lavender Town, một cái tên mà cộng đồng game thủ lúc bấy giờ dùng để đặt cho những sự kiện xoay quanh ngôi làng đáng sợ này. Kể từ ngày đầu Pokémon: Red & Green được phát hành, trong suốt ba tháng kế tiếp, giới truyền thông cũng như các lực lượng chức năng Nhật Bản đã ghi nhận được khoảng 100 vụ tự sát bí ẩn của trẻ em Nhật. Điều đáng nói nhất ở đây, hầu hết những đứa trẻ nói trên đã từng tiếp xúc với trò chơi và đã đi đến Làng Lavender.
Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp khi người chơi tiếp xúc với bản nhạc có giai điệu kỳ quái, được cho là sản phẩm của quỷ dữ, tuy không nghiêm trọng dẫn đến tự sát, song họ lại bị chảy máu cam, đau đầu, trở nên nóng giận vô cớ hoặc có nhiều biểu hiện liên quan đến sự trầm cảm.
Nhiều giả thuyết đã được đặt ra, cho rằng Nintendo đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ để đổi lấy sự thành công của một thương hiệu dành cho trẻ em và bản nhạc ma quái kia là thứ ràng buộc hãng game với địa ngục. Người khác thì lại cho rằng Nintendo thực chất đang cùng hợp tác với chính phủ Nhật Bản nhằm kiểm soát mật độ dân số hoặc thậm chí là bắt cóc con nít để thực hiện những cuộc thí nghiệm bí mật.
Tuy nhiên, dù cho sự thật có như thế nào đi chăng nữa, Mọt tui khá chắc chắn rằng đây là một trong những tựa game sẽ phá hỏng tuổi thơ của rất nhiều anh em, nhất là những ai là fan gạo cội của thương hiệu Pokémon đình đám.
Super Mario Bros và câu chuyện “thức thần”?!
Tương tự như Pokémon, Super Mario Bros cũng là một trong những thương hiệu bất diệt của làng game thế giới. Đối với những dân chơi Việt thuộc thế hệ 8x 9x, tựa game này còn được biết đến với nhiều cái tên thân thuộc, chẳng hạn như Mario ăn nấm, Nấm lùn đi cứu Công chúa, Nấm lùn cổ điển, vân vân và mây mây. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ một tựa game có cái tên tưởng chừng như vô hại, trong sáng như vậy, lại ẩn chứa một thông điệp có thể phá hỏng tuổi thơ của mọi người.
Trong game, khi người chơi điều khiển chú lùn Mario đi nhặt và ăn những cây nấm nhiều màu sắc, chúng sẽ “ban” cho chú lùn Mario nhiều loại sức mạnh siêu nhiên, mà đặc trưng nhất là khả năng “hô biến” cơ thể bé nhỏ của chú trở thành một gã thợ sửa ống nước người Ý với thân hình cao to vạm vỡ. Đọc đến đây chắc hầm hết anh em, ai cũng hiểu Mọt đang nói về vấn nạn gì đúng không? Chính xác, đây chính là những động tác của các thanh niên “chuyên cần” hoặc thậm chí là mê mụi với việc… chơi “nấm” (thức thần).
Không đùa đâu, theo nghiên cứu của rất nhiều chuyên gia (thật sự thì chẳng biết ông nào nghiên cứu) thứ nấm mà Mario thường sử dụng trong loạt game Mario nổi tiếng được lấy cảm hứng từ Amanita Muscaria (Nấm tán giết ruồi) – một loại nấm khá độc hại, có khả năng gây ảo giác nếu vô tình ăn phải tuy nhiên, nếu được điều chế đúng cách, chúng có thể trở thành một loại thực phẩm có thể tiêu thụ được.
Nhìn chung, nếu chúng ta nghĩ sâu xa (chẳng biết là sâu và xa đến đâu, chắc là dài cỡ cây nấm) thì Mario chắc chẳn sẽ chẳng phải là một tựa game phù hợp dành cho trẻ em, và tất nhiên điều này cũng sẽ phần nào phá hỏng đi tuổi thơ của nhiều game thủ 8x 9x. Tuy nhiên, nếu quên đi những gì mà Mọt tui vừa viết, chắc chắn rằng những ký ức đẹp, những hoài niệm khó quên của các bạn sẽ được an toàn.
Rock Man bị cáo buộc liên quan đến tệ nạn xã hội?
Nếu nói về những tượng đài bất diệt của ngành công nghiệp game, hay là những tựa game đã gắn liền (hoặc thậm chí là phá hỏng) với tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ game thủ. Thì chắc chắn một điều rằng chúng ta không thể không nhắc đến cái tên Mega Man, còn được biết đến với tên gọi thân thuộc: Rock Man.
Đây là một tựa game thuộc thể loại platformer (còn được gọi là game đi cảnh) nổi tiếng, cho phép người chơi điều khiển một câu bé robot tên là Mega Man, cậu có khả năng chuyển đổi tứ chi trở thành đủ các loại thiết bị và vũ khí hiện đại để chiến đấu với kẻ thù. Trò chơi được lấy cảm hứng từ Astro Boy (Tetsuwan Atom) – một trong những nhân vật truyện tranh được rất nhiều người yêu thích nhất kể từ khi được “sinh ra” vào năm 1942.
Tuy rằng tựa game này sẽ mãi là những ký ức đẹp đối với cộng đồng game thủ trên toàn thế giới, song chúng ta không thể nào không nói đến những tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của cái tên “Mega Man”. Trò chơi ban đầu được nhà phát triển Capcom đặt tên là Rock Man tại thị trường châu Á tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 1987 cho đến khoảng năm 1996 hoặc 1997, thị trường phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ, không thiết tha gì mấy với từ “Rock” (theo nghĩa tiếng Việt thì đây được gọi là Đá, còn đối dân Mỹ ngày xưa, thì đây là từ lóng dùng để chỉ một loại chất gây nghiện).
Ngay tại thời điểm đó, giới truyền thông Mỹ cho rằng Capcom có ý định muốn cổ suý người dân sử dụng chất kích thích bất hợp pháp. Nói trắng ra là “đập đá” (rock), hoặc thậm chí là “chơi” bà chị tên Mai và cô em tên Thuý (Mai Thuý). Đối mặt trước những cáo buộc được cho là vô lý của giới truyền thông phương Tây, song để thể hiện thiện chí cũng như mong muốn được tiếp cận và mở rộng thị trường sang nước bạn, hãng game Nhật Bản mới quyết định sẽ đổi tên đứa con của mình từ Rock Man thành Mega Man.
Suy cho cùng thì vấn đề này chỉ liên quan và gây ảnh hưởng đến kinh tế thị trường (Mọt tui dốt đặc môn này), cũng như mối quan hệ đối nội đối ngoại giữa các công ty game với nhau và hầu như chẳng gây ảnh hưởng gì đến với game thủ chúng ta. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ít nhiều gì những sự việc nói trên cũng đã phần nào phá hỏng tuổi thơ của rất nhiều fan hâm mộ gạo cội của thương hiệu Cậu Bé Robot (Mega Man) đình đám. Chẳng ai ngờ một cái tên ngây thơ dễ thương như vậy lại khiến cho nhiều người hiểu lầm thành một thứ tệ nạn xã hội.
Còn tiếp…
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.