Vào ngày 29 tháng 6 năm nay, Trái đất đã lập một kỷ lục bất thường: Ngày ngắn nhất kể từ những năm 1960.
TIN LIÊN QUAN
Về cơ bản, cứ sau 24 giờ thì Trái đất hoàn thành một vòng quay trên trục của nó. Vòng quay này đánh dấu một ngày, thúc đẩy chu kỳ mặt trời mọc và mặt trời lặn và định hình sự sống trên hành tinh trong hàng tỷ năm. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào ngày 29/6, khi thời điểm nửa đêm đến sớm hơn dự kiến 1,59 mili giây.
Theo trang web TimeAndDate.com, những năm qua đã ghi nhận nhiều kỷ lục ngày ngắn nhất. Vào năm 2020, Trái đất có 28 ngày ngắn nhất trong vòng 50 năm qua, trong đó ngày ngắn nhất là vào ngày 19 tháng 7, giảm 1,47 mili giây trong 86.400 giây tạo thành 24 giờ.
Năm nay, kỷ lục hôm 29/6 suýt chút nữa đã bị phá vỡ khi ngày 26/7 cũng ngắn hơn so với thông thường 1,5 mili giây.
Vậy có phải thế giới đang tăng tốc? Nếu tính xa hơn, Trái đất đang quay chậm hơn so với trước đây. Khoảng 1,4 tỷ năm trước, một ngày chỉ dài chưa đầy 19 giờ. Nếu tính trung bình, mỗi năm ngày trên Trái đất ngắn đi khoảng 1/74.000 giây. Mặt trăng là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng này khi lực hấp dẫn của nó làm biến dạng nhẹ Trái đất, tạo ra ma sát thủy triều làm chậm dần vòng quay của Trái đất.
Để giữ cho đồng hồ phù hợp với vòng quay của hành tinh, Liên minh Viễn thông Quốc tế, một cơ quan của Liên hợp quốc, đã thực hiện thêm các giây nhuận không thường xuyên vào tháng 6 hoặc tháng 12. Lần gần đây nhất vào năm 2016, họ còn dừng đồng hồ trong một giây để Trái đất có thể bắt kịp. Lần chỉnh trước đó là vào năm 1972. Dự kiến vào tháng 12/2022, đồng hồ sẽ được chỉnh thêm một lần nữa.
Theo Nasa, gió mạnh hơn trong những năm xảy ra hiện tượng El Niño (nóng lên khác thường) có thể làm chậm tốc độ quay của hành tinh, kéo dài ngày thêm vài mili giây. Mặt khác, động đất có thể gây ra tác động ngược lại. Trận động đất năm 2004 gây ra sóng thần ở Ấn Độ Dương khiến đất đá dịch chuyển, làm ngày hôm đó ngắn đi gần 3 micro giây.