Ở bài viết lần trước, chúng ta đã tới với màn so sánh giữa Valve và Riot Games, phần này sẽ tiếp tục là sự so sánh giữa Valve và Epic Games - một "màn đấu" đang nhận được rất nhiều sự quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Sự phát triển bùng nổ của Epic Games trong những năm qua
Thời gia vừa qua, nếu nói về sự phát triển mạnh mẽ nhất trong các nền tảng chơi game thì chắc chắn, Epic Store là cái tên không thể bỏ qua. Bất chấp sự "thống trị" gần như tuyệt đối của Steam trong tay Valve, Epic vẫn chứng minh mình đủ sức để tìm kiếm một miếng bánh thị phần trong ngành công nghiệp vốn đã và đang rất chật chội này. Và chính sách mà họ thực hiện chính là vung tiền ra để "mua chuộc" game thủ, bằng cách tặng vô số những tựa game miễn phí, trong đó có không ít những cái tên đáng được mệnh danh là siêu phẩm.
Theo đó, chỉ tính riêng trong quãng thời gian 2 năm từ 12/2018 tới 2020, Epic Games được cho là đã tiêu tốn tới gần nửa tỷ USD để thực hiện chiến lược "rải tiền" này của mình. Tuy nhiên, con số này dường như cũng chẳng thấm là bao so với doanh thu từ Fortnite mang lại. Chưa kể, bản thân nền tảng này cũng thừa nhận rằng, họ vẫn có thể cân bằng thu chi của Epic Store từ việc cắt 12% doanh thu của các studio games trên đó - con số thấp hơn nhiều so với mức 30% mà Valve đã thiết lập từ lâu. Thế nhưng, liệu như vậy là đã đủ?
Valve và cuộc chiến không cân sức với Epic Games
Thực tế, từ trước khi Epic Store xuất hiện, Steam cũng đã phải đối mặt với sự cạnh tranh từ rất nhiều tên tuổi như Blizzard, Microsoft hay cả Ubisoft. Thế nhưng chính sách cắt 30% doanh thu để khẳng định vị thế độc quyền của họ cũng chẳng có nhiều thay đổi.
Thực tế, so với Steam, Epic Games cũng chỉ được coi là một kẻ "sinh sau đẻ muộn" khi mà con cưng của Valve tới nay đã là năm thứ 19 rồi. Và trong suốt gần 20 năm ấy, thứ mà Steam gây dựng được chẳng những là tên tuổi, thương hiệu mà quan trọng hơn, đó là một cộng đồng người chơi game PC cực kỳ đông đảo, và trên hết là trung thành. Còn Epic Games thì sao, không có diễn đàn, không có vote đánh giá và mọi góp ý sẽ được gửi về cho các nhà phát triển một cách kín đáo. Biện pháp quá tốt để bảo toàn thương hiệu của những người làm game - nhưng như thế liệu có là công bằng với người chơi?
Và đó chính là điều cốt lõi khiến cho Steam, dù có thế nào vẫn luôn là nền tảng sở hữu lượng người chơi trung thành nhất. Bỏ qua những tựa game như CS:GO hay DOTA 2, PUBG - một tựa game cách đây 3-4 năm còn là siêu phẩm được chơi trên đâu? Chính xác là Steam. Thêm một điều quan trọng nữa, nếu như không có Steam, có lẽ bây giờ làng game PC đã chẳng còn sống sót, chứ chưa nói tới việc phát triển và sở hữu cộng đồng game thủ đông đảo như ở thời điểm hiện tại.