7 công ty Việt Nam trong Top 200 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất châu Á - Thái Bình Dương của Forbes

1. Tập đoàn Vingroup

Top 200 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất châu Á - Thái Bình Dương có nhiều đại diện Việt Nam quen thuộc như Vingroup, Vietjet, Vinamilk...

Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách 200 công ty đại chúng có doanh thu trên 1 tỷ USD, hoạt động tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong số này có 7 đại diện đến từ Việt Nam.

Điều đáng chú ý trong danh sách này là sự liên kết giữa các công ty và các tỷ phú trong danh sách người giàu nhất châu Á - Thái Bình Dương của Forbes. Theo thống kê, gần 2/3 công ty trong danh sách 200 doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ USD hoạt động tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương được quản lý hoặc có liên kết với những cá nhân hoặc gia đình đã xuất hiện trong danh sách người giàu khu vực châu Á của Forbes.

Sau khi tung ra những chiếc ô tô đầu tiên từ nhà máy sản xuất VinFast, Vingroup đã tiếp tục "lấn sân" sang lĩnh vực hàng không để khai thác tiềm năng của thị trường du lịch đang bùng nổ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh đã khiến thu nhập của tập đoàn chững lại.

Ảnh 1: Top 200 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả - We25.vn

Lợi nhuận ròng của Vingroup đã giảm 15% xuống 3.800 tỷ đồng (tương đương 164 triệu USD) trong năm 2018 do tăng cường đầu tư vào hoạt động kinh doanh ô tô. Trong khi đó, doanh thu của tập đoàn tăng 36% lên 122.000 tỷ đồng (khoảng 5,3 tỷ USD). Ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam thành lập Vingroup khi về nước năm 2001 và bắt đầu phát triển bất động sản.

2. Công ty CP Hàng không Vietjet

Xuất phát điểm là hãng hàng không vận hành theo mô hình chi phí tiết kiệm, sau 8 năm Vietjet đã trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2018, hãng đã vận chuyển 23 triệu hành khách, chiếm thị phần lên tới 46% trong lĩnh vực du lịch hàng không đang bùng nổ ở Việt Nam.

Lợi nhuận ròng của Vietjet đã tăng 5,3% lên 5.300 tỷ đồng (tương đương 232 triệu USD) trong năm 2018, trong khi doanh thu tăng 27% lên 54.000 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD). Mục tiêu của Vietjet là phát triển nhanh hơn nữa trong năm nay và hãng dự kiến sẽ vận chuyển 30 triệu hành khách sau khi mở thêm nhiều chặng bay quốc tế.

Ảnh 2: Top 200 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả - We25.vn

3. Tập đoàn Masan

Masan có vốn hóa thị trường: 3,8 tỷ USD, doanh thu đạt 1,6 tỷ USD. Đây là một trong những công ty lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Các ngành kinh doanh chính của tập đoàn bao gồm thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính và khai khoáng.

4. Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động

Thế giới Di động có vốn hóa thị trường: 2,2 tỷ USD, doanh thu đạt 3,7 tỷ USD. Đây là một tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chính là bản lẻ điện thoại di động, thiết bị số, điện tử tiêu dùng, bách hóa và thực phẩm thông qua các chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh.

5. Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn

Tổng công ty này có vốn hóa thị trường 7,7 tỷ USD, doanh thu đạt 1,5 tỷ USD. Đây là đơn vị sản xuất và phân phối các loại đồ uống có cồn như bia, rượu mạnh, soda và nhiều sản phẩm khác tại thị trường Việt Nam.

6. Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk

Vinamilk có vốn hóa thị trường 9,1 tỷ USD, doanh thu đạt 2,2 tỷ USD. Vinamilk là công ty chuyên sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa đặc, sữa bột, sữa chua, kem và phô mai. Ngoài ra, hãng còn sản xuất bánh quy, cà phê, trà và nước đóng chai.

Ảnh 3: Top 200 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả - We25.vn

7. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank

Techcombank có vốn hóa thị trường 3 tỷ USD, doanh thu đạt 1,3 tỷ USD. Techcombank là ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính như gửi tiết kiệm, cho vay, quản lý tiền tệ, thanh toán quốc tế và dịch vụ ngoại hối...

Danh sách năm nay của Forbes được lựa chọn từ nhóm 3.200 công ty đại chúng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên trong năm tài chính gần nhất. Những công ty không có lợi nhuận và có doanh thu giảm trong 5 năm vừa qua sẽ bị loại bỏ. Tiếp đến, các công ty có nợ dài hạn bằng hoặc lớn hơn một nửa giá trị vốn hóa thị trường và những công ty có vấn đề về quản trị hoặc pháp lý cũng bị loại bỏ.

Các công ty còn lại sẽ được đánh giá dựa trên một số tiêu chí như doanh thu trung bình 5 năm, tăng trưởng thu nhập hoạt động và tăng trưởng dự kiến trong năm tới... Các công ty có điểm tổng hợp cao nhất sẽ có mặt trong danh sách 200 công ty đại chúng có doanh thu trên 1 tỷ USD hoạt động tốt nhất khu vực của Forbes.

Theo Cafebiz.vn