Cô giáo phạt học sinh quỳ trong lớp: Quỳ đau chân lắm, nhưng cũng chẳng phải cực hình đâu!

Sau bao nhiêu tranh luận không có hồi kết, cuối cùng thì ai đúng, ai sai trong vụ cô giáo phạt học sinh quỳ trong lớp ở trường THCS Tô Hiệu (Hà Nội)?

Mới đây, mạng xã hội và báo chí dậy sóng về vụ việc cô giáo trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ trong lớp. Vụ việc bắt đầu từ một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy một học sinh đang quỳ trong lớp khi cô giáo vẫn vô tư giảng bài.

Ảnh 1: Cô giáo phạt học sinh quỳ - We25.vn

Hình ảnh vụ việc và đơn đề nghị kỷ luật cô giáo ở trường THCS Tô Hiệu.

Qua tìm hiểu của báo chí, người đưa ra hình phạt là cô Lê Thị Quy, chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu. Cô Quy sau đó thừa nhận với cơ quan chức năng việc đã bắt một nam sinh quỳ 1 tiết học hôm 9/5, trước gần 30 học sinh trong lớp. Cô Quy giải thích hình phạt này do một số phụ huynh đề nghị do thực trạng nhiều học sinh không tuân thủ nội quy nhà trường.

Cô Quy bị đình chỉ dạy, cộng đồng thì dậy sóng tranh luận gay gắt. Chưa tính đến các quy định của ngành giáo dục, nhiều người thì cho rằng hình thức phạt quỳ là gây tổn hại cho học sinh cả về thể chất lẫn tinh thần. Có người thì lại cho đó là điều cần thiết vì nó giúp học sinh có một bài học cần thiết.

Nếu nói đúng sai thì trước hết ta hãy thử ngẫm lại xem phạt quỳ có phải là hình thức xử phạt nặng nền hay không. Đầu tiên, xét trên khía cạnh thể chất thì quỳ trong 45 phút (1 tiết học) khá đau chân nhưng cũng không phải là công việc nặng nhọc.

Học trò ngày nay vẫn còn nhiều bạn chơi trò đánh bài phạt quỳ, có những bạn đen đủi tới mức quỳ hàng tiếng đồng hồ tới thâm tím cả đầu gối. Vậy nên có lẽ việc quỳ trong 45 phút còn là công việc nhẹ nhàng. Ấy là chưa kể hình phạt này còn nhẹ hơn rất nhiều so với những hình phạt như quất roi ở một số quốc gia trên thế giới hay là dùng thước quật như trường học ở ta ngày xưa.

Tác dụng của hình phạt này là giúp học sinh nào chưa từng quỳ được... quỳ để biết đau chân là thế nào. Nghe có vẻ khôi hài nhưng nhiều bạn bây giờ không phải làm công việc nào nặng nhọc do được bố mẹ nuông chiều. Không ít bạn đi bộ vài cây số đã kêu oai oái rằng mỏi chân hay bê đồ nặng giúp mẹ cũng kêu ca...

Còn về khía cạnh tinh thần thì quỳ 45 phút trước 30 bạn học chứng kiến đối với một số học trò yếu đuối về tinh thần thì cũng cảm thấy khá là khó khăn. Từ khi sinh ra chưa phải quỳ trước mặt ai bao giờ (khác hoàn toàn trò đánh bài phạt quỳ) nên khi làm điều này cũng cảm thấy nhục nhã lắm! Nhưng có nhiều học sinh cũng có "tinh thần thép", có thể chịu được và thậm chí có khi chẳng hề hấn gì.

Ảnh 2: Cô giáo phạt học sinh quỳ - We25.vn

Học sinh quỳ thì cô giáo cũng quỳ xin lỗi phụ huynh. Thiếu gì lúc ta phải quỳ gối!

Cứ cho là học sinh cảm thấy nhục đi... Đó mới lại là bài học cần thiết bởi không học nó trên lớp thì có khi vừa bước ra cuộc đời đầy sóng gió ngoài kia, bạn sẽ phải học nó với giá đắt hơn. Có người nói rằng, không biết chịu nhục thì làm sao kiếm được đồng tiền mồ hôi, nước mắt. Quả đúng vậy, những con người non nớt luôn cần bài học trưởng thành, một trong số đó chính là biết chịu nhục.

Bạn học sinh ấy nếu biết nhục rồi thì hãy đến gặp cô giáo để xin lỗi cô và nói với cô rằng: "Từ nay cô không cần phải phạt em quỳ nữa vì em đã hiểu ra rồi. Nếu em còn tái phạm thì em sẽ tự lên trước lớp quỳ"./.

 Ý kiến trái chiều về hình ảnh học sinh Sài Gòn quỳ gối trước cha mẹ: Quỳ xong về cãi lại cha mẹ?