Sáng nay 15/3, hơn 400 học sinh của trường Mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đã được đưa về Hà Nội xét nghiệm sán lợn... sau khi có thông tin bếp ăn trường không đảm bảo vệ sinh.
Việc kiểm tra xét nghiệm tập trung này diễn ra sau khi 3 bé ăn thịt lợn tại trường mầm non này bị nghi nhiễm sán và đã có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn. Lo lắng cho con nên bố mẹ các cháu bé theo học tại trường đã đưa con đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) để xét nghiệm.
Hàng trăm trẻ xét nghiệm tập thể.
Kết quả của một em học sinh.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, một số phụ huynh đã đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo (hay lợn gạo) trong bữa ăn tại trường mầm non Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh đã lên làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường phản ánh nhưng chỉ nhận được câu trả lời "vòng vo, không thỏa đáng".
Nguồn cung thịt lợn cho nhà trường là đơn vị cung cấp thực phẩm cho tất cả trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đơn vị này cho rằng, thịt lợn "không có gì bất thường". Không đồng ý với nhận định này, phụ huynh đã đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối nhưng nhà trường vẫn không có động thái cụ thể và tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Đến trưa hôm 5/3, phụ huynh bất ngờ ập vào kiểm tra bếp ăn của trường và phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống của nhà trường và đơn vị cung cấp. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các học sinh mầm non cũng bốc mùi hôi thối.
Tất cả đều đã được chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an sau khi được trình báo đã đến đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Thịt lợn gạo được phụ huynh chụp lại tại bếp ăn.
Theo bác sĩ Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương, ấu trùng sán lợn khi xâm nhập vào cơ thể có thể đi qua hệ thống tuần hoàn và một số bộ phận cơ thể mà nghiêm trọng nhất lên não, tạo ra dạng u trên não. Bệnh nhân khi mắc bệnh này sẽ bị đau đầu, co giật, giảm trí nhớ, thậm chí biểu hiện tâm thần.
Người dân nếu thấy u cục nhỏ nổi dưới da như hạt đỗ, hạt đậu cùng cơn đau đầu, đi ngoài ra những đốt sán trắng như xơ mít thì đến ngay các cơ sở chuyên khoa về ký sinh trùng để khám. Khi phát hiện tổn thương ở não thì phải đến ngay cơ sở điều trị sớm để tránh co giật.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, để phòng bệnh ấu trùng sán lợn, người dân nên ăn chín uống sôi, không ăn nem thính, nem trạo, ăn thịt sống... Người dân cũng cần rửa tay đều đặn trước khi ăn và sau khi đi ngoài để tránh nguồn bệnh lây nhiễm.
Theo VTV.vn