Hôm 16/3, một con cá voi mũi khoằm xấu số đã trôi dạt vào bờ biển TP Davao, Philippines. Các nhà hải dương học từ Bảo tàng D’Bone đã có mặt để tìm hiểu nguyên nhân chú từ giã cõi đời.
Chú cá voi con này dài tới 4,7 m.
Ngay khi phát hiện họ đã định giúp nó trở về biển nhưng đã quá muộn.
Dù đã nhanh chóng chẩn đoán được con cá voi gặp vấn đề tiêu hóa nhưng họ vẫn vô cùng bất ngờ khi chứng kiến trong bụng của chú chứa tới 40 kg rác thải nhựa gồm 16 bao tải đựng gạo, 4 bao tải thường dùng trong các trang trại chuối và nhiều túi ni-lông thường thấy ở các cửa hàng tạp hóa. Chính những dị vật không thể tiêu hóa này đã hại chú cá voi xấu số.
Các nhà khoa học tham gia khám nghiệm chia sẻ rằng, đây là lượng rác lớn chưa từng thấy họ phát hiện được trong một con cá voi. Riêng nhà hải dương học Darrell Blatchley - đồng sở hữu bảo tàng D'Bone - cho biết, trong 10 năm qua ông đã trực tiếp gặp 57 ca tương tự. Đó là các cá thể cá voi và cá heo tích lũy trong dạ dày quá nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Lượng rác cân được lên tới 40 kg.
"Điều đó thật tồi tệ. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn đối với những ai xem đại dương là bãi tập kết rác.", một chuyên gia nhấn mạnh.
Những năm qua, sự xuất hiện tràn lan của túi ni-lông dùng một lần trở thành vấn nạn chung của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có đường bờ biển dài. Theo báo cáo của tổ chức Bảo tồn Đại Dương vào năm 2017, chỉ tính trong 5 nước Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thì cư dân đã thải ra biển lượng rác lớn hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại.
Vào tháng 6/2018, khu vực Đông Nam Á được xác định là tâm điểm chú ý của các tổ chức bảo vệ biển khi một chú cá heo xấu số ở miền nam Thái Lan ăn phải 80 bao nhựa, tích lũy thành khối rác nặng đến 8 kg trong bụng và ra đi trong đau đớn. Ước tính mỗi năm ở Thái Lan có khoảng 300 động vật biển, bao gồm cá voi hoa tiêu, rùa biển, cá heo đã ăn phải lượng lớn rác thải nhựa và chung số phận với chú cá voi con nói trên.
Theo Helino.vn