Nhân dịp Noel và năm mới, thời điểm mà các game thủ Forever Alone vừa muốn có cái se lạnh của dịp cuối năm lại vừa cần tìm hơi ấm của “người iu”, Mọt tui quyết định thực hiện bài viết này để “một công đôi việc”: giới thiệu đến các bạn những tựa game có bầu không khí lạnh run người, đồng thời khiến cỗ PC tỏa ra hơi ấm mà bạn mong muốn!
Frostpunk
Không tựa game nào thích hợp cho việc mở đầu bài viết này hơn Frostpunk. Là một tựa game kết hợp giữa xây thành phố với sinh tồn có lối chơi “hardcore”, Frostpunk đặt bạn vào vị trí lãnh đạo một nhóm nhỏ con người bị bao phủ trong cái buốt giá của mùa đông hạt nhân. Tất cả họ chỉ có thể tụm lại quanh một đốm lửa nhỏ giữa băng tuyết mênh mông và làm mọi cách để sinh tồn, và việc của bạn là đảm bảo rằng những đốm lửa đó không bao giờ tắt.
Đây là một vị trí hết sức nặng nề, bởi Frostpunk đòi hỏi game thủ không ngừng đưa ra những quyết định gian nan, phải lựa chọn giữa tương lai lâu dài hay sống còn trước mắt, và vứt bỏ đạo đức hay giữ vững nhân tính của mình. Bất kỳ quyết định nào bạn đưa ra đều sẽ làm thất vọng một số người, nên độ khó của game nằm ở chỗ bạn phải cân bằng giữa mức độ bất mãn (Discontent) của cư dân với niềm hi vọng về tương lai của họ. Hi sinh những gì để phục vụ cho việc sống còn, hi sinh bao nhiêu, và những ai sẽ phải hi sinh – tất cả đều phụ thuộc vào quyết định của bạn.
Ngoài cái lạnh, Frostpunk còn khiến bạn cảm thấy áp lực nặng nề đến từ những quyết định mình phải đưa ra và hậu quả của chúng. Có thể Frostpunk không phải là một tựa game thích hợp với bầu không khí vui tươi của dịp Noel, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn cảm thấy sự lạnh giá cần thiết!
Anno 1800: The Passage
Đây là bản DLC mới nhất của Anno 1800 và nó sẽ đưa bạn từ vùng đại dương trong xanh đến miền cực băng giá để xây những thành phố mới. Về mặt gameplay, The Passage giữ nguyên gần như mọi yếu tố của phiên bản Anno 1800 gốc nhưng bổ sung thêm một vài thay đổi khá thú vị. Đầu tiên, do biển cả đóng băng, game thủ cần dùng các quả khí cầu khổng lồ để kết nối các thuộc địa trên biển của mình. Điều này không thực sự ảnh hưởng đến gameplay, nhưng Mọt cho rằng nhìn thấy các quả khí cầu khổng lồ qua lại như thoi đưa giữa các thành phố thuộc địa trông thi vị hơn hẳn.
Thay đổi thứ hai của Anno 1800 trong The Passage là yếu tố nhiệt độ và sưởi ấm. Thật ra đây không phải là điều xa lạ bởi Mọt từng bắt gặp tính năng này khi xây dựng các thành phố ở vùng cực trong Anno 2205, nhưng sự trở lại của nó trong The Passage vẫn là một điều đáng hoan nghênh. Yếu tố nhiệt độ này đem lại một thử thách mới cho những game thủ nghĩ rằng mình đã “rành sáu câu” về cách bố trí các công trình trong game,
Đặc biệt, bạn không cần phải khai phá vùng cực bắc của Trái Đất một mình. Một bản cập nhật vừa được ra mắt cho The Passage bổ sung thêm một chế độ co-op hỗ trợ tối đa 16 game thủ (có thể chia làm 4 đội) cho phép game thủ hợp tác hoặc đối kháng nhau trong quá trình chinh phục miền đất không hề hứa hẹn này.
Project Winter
Có mặt trên một loạt hệ máy từ PC, PS4, Xbox One đến Switch, Project Winter là một tựa game sinh tồn multiplayer. Game không chỉ khiến bạn cảm thấy lạnh bằng một nền đồ họa có tông màu trắng làm chủ đạo, mà còn khiến bạn lạnh vì lòng người: 8 người cùng nhau tìm cách sống sót giữa một vùng đất băng giá, hoàn thành các nhiệm vụ được giao và chờ máy bay đến cứu đi – càng nhiều người sống, phần thưởng nhận được càng hậu hĩnh.
Nghe giới thiệu thì đơn giản, đúng không nào? Vấn đề ở đây là trong số 8 người sống sót, lại có hai người trong số này được game chọn ngẫu nhiên để làm kẻ gian – hệt như trò Ma Sói nhưng với những người hoàn toàn xa lạ, và bạn chẳng thể tin tưởng bất kỳ ai. Game chơi trò “gián điệp hai mang” khi giúp đỡ cả hai bên: những kẻ phản bội có những vật phẩm đặc biệt nằm riêng trong các thùng đồ dành cho họ, nhưng những cái rương này sẽ báo động cho những người sống sót khi được mở ra.
Để có thể lật mặt những kẻ gian này và không bị đổ oan là kẻ xấu (hoặc để hoàn thành các trò phá bĩnh của mình), bạn sẽ cần khả năng suy đoán và giao tiếp đỉnh cao hoặc vận may khó đỡ, nhưng đó chính là điểm hấp dẫn nhất của game. Kênh Tin Game đã đánh giá trò chơi này tại đây.
The Long Dark
Khác với Project Winter sinh tồn multiplayer, The Long Dark là một tựa game hoàn toàn cô độc. Bạn là nạn nhân của một vụ rơi máy bay ở đâu đó thuộc miền bắc Canada, và phải tìm cách sống sót lâu hết mức có thể.
Sức hấp dẫn của The Long Dark nằm ở chỗ trò chơi thực sự xây dựng được một bầu không khí cô độc và khiến bạn cảm nhận được sự lạnh lẽo của mùa đông, nơi chỉ có bạn và thiên nhiên lạnh lùng, khắc nghiệt chứ không cần đến những thứ xa lạ với cuộc sống hàng ngày như zombie hay vũ khí hạt nhân. Khó mà mô tả được cách The Long Dark khiến game thủ cảm thấy lạnh bằng ngôn từ, nhưng chỉ cần bước vào game và lang thang trong thế giới của nó, Mọt tin rằng bạn sẽ cảm thấy cái lạnh cần thiết cho đêm Noel.
Game cho phép bạn gia giảm độ khó tùy ý thích, “hòa bình” khiến các loài động vật bỏ chạy khi nhìn thấy bạn, hoặc đẩy độ khó lên cao nhất nơi mọi con vật đều xem bạn như kẻ địch, hoặc như một bữa ăn. Nhưng điều này chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bởi game có rất nhiều hiểm họa mà bạn phải đề phòng, từ đói, khát, lạnh, các chấn thương… Một cú nhảy bình thường trong một tựa game bắn súng có thể khiến bạn bị thương nhẹ trong The Long Dark, và vết thương này hoàn toàn có thể sẽ dẫn đến cái chết sau đó không lâu.
Tóm lại, nếu đến với trò chơi, bạn cần phải chuẩn bị tinh thần để… chết, chết thật nhiều trước khi trở thành một chuyên gia sinh tồn thực thụ. The Long Dark là tựa game bạn cần nếu muốn luyện tập cho tình huống chết cóng đâu đó ở Canada.
Cliff Empire
Lại là một tựa game xây thành phố nữa, nhưng biết làm sao, đây là một trong những thể loại game yêu thích của Mọt. Cliff Empire là một tựa game mà Mọt tui trải nghiệm gần đây, và nó thực sự đầy thử thách, có nét riêng khác biệt với Anno hay Frostpunk.
Dù trò chơi cũng lấy bối cảnh mùa đông vĩnh cữu sau ngày tận thế, thiết lập của Cliff Empire rất độc đáo và khác biệt: bởi mùa đông hạt nhân và một lớp mây mù phóng xạ dày hàng trăm mét bao phủ mặt đất, con người không bao giờ còn có thể sinh sống trên bề mặt hành tinh xanh trắng mà phải sống trên những khối bê tông khổng lồ tách biệt nhau.
Về mặt lối chơi, gameplay của Cliff Empire khá giống Anno khi phải xây nhiều thành phố cùng một lúc (3 thành phố trên mỗi bản đồ) và chăm lo cho mọi nhu cầu của cư dân, từ thức ăn nước uống đến đời sống tinh thần của họ. Bạn cũng phải chọn giữa phát triển xanh – sạch hay ô nhiễm, giao dịch các loại hàng hóa qua lại giữa các thành phố của mình, cân bằng thu chi và nợ nần, với mục tiêu cuối cùng là phát triển một đế chế bền vững cho nhân loại.
Giống Anno là vậy, nhưng Cliff Empire có hai điểm nổi bật riêng: độ khó và hình ảnh. Dù mức giá chỉ 140.000 đồng của nó trên Steam có thể khiến bạn nghĩ đây là một game indie đồ họa đơn giản, Cliff Empire lại có đồ họa hoàn toàn 3D rất đẹp mắt, cùng một hệ thống công trình theo nhiều phong cách khác nhau từ cổ đại đến viễn tưởng. Game cũng có độ khó khá cao, nơi một vài quyết định sai lầm có thể khiến bạn reset lại trò chơi bởi cả đế chế rơi vào ngõ cụt nợ nần, đói khát và không cách nào thoát ra được.