Nhắc đến Atari, người ta thường nghĩ tới chiếc console VCS (Atari 2600) từng đặt nền móng cho sự đổ bộ của console lên hệ thống giải trí gia đình – do những sai lầm trong kinh doanh cũng như biến cố sụp đổ thị trường video game năm 1983 tại Bắc Mỹ, gã khổng lồ này đã biến mất khỏi ngành công nghiệp console và chỉ còn hoạt động hạn chế trong ngành phần mềm game mà thôi. Nhưng ít ai biết rằng, Atari từng có một cơ hội hồi sinh cực lớn vào năm 1983, khi Nintendo tiếp cận và đề nghị công ty này phát hành máy Famicom, thế hệ console 8-bit mới sắp ra mắt của Nintendo
Thực tế thì vào những năm 70-80, Nintendo chưa có mấy tiếng tăm trên thị trường quốc tế – nỗ lực thâm nhập thị trường Bắc Mỹ ở mảng Arcade của công ty này chỉ đạt kết quả tàm tạm, một số game được chào đón còn một số thì bị chê bai dù rất thành công ở Nhật. Hiểu rằng một mình mình thì không thể thành công trên đấu trường quốc tế, Nintendo quyết định tìm kiếm đối tác phát hành thế hệ console tiếp theo của mình là Famicom – điều kiện là thương hiệu đó phải nổi tiếng, được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới. Lúc đầu, CollecoVision được xem xét vì đã từng là đối tác phát hành một số game của Nintendo, nhưng rồi lãnh đạo Hiroshi Yamauchi của Nintendo có ý tưởng khác, đó là Atari. Thời điểm này thì thị trường video game chưa hoàn toàn sụp đổ và Atari vẫn có ngôi vị nhất định, hơn nữa với vai trò người tiên phong trong lĩnh vực console gia đình, Yamauchi tin rằng Atari đủ khả năng quảng bá chiếc Famicom mới của họ. Thế là, đại diện của Nintendo ở Bắc Mỹ liên lạc với Ray Kassar (lãnh đạo của Atari) thương thảo một giao kèo hợp tác giữa hai bên.
Về cơ bản thì điều khoản hợp đồng khá lợi cho Atari khi họ được quyền phân phối Famicom trên mọi thị trường thế giới ngoại trừ Nhật – tuy nhiên, Nintendo cũng không vừa khi áp đặt nhiều “nghĩa vụ” cho Atari như phải nhập tới 2 triệu máy trong lô hàng đầu tiên, tối thiểu 100.000 băng game đặt hàng cho mỗi trò, trả trước 5 triệu USD khi kí hợp đồng cộng thêm 5 triệu nữa khi phát hành Famicom phiên bản PAL và SECAM cho thị trường châu Âu. Chưa kể, để thỏa mãn luật FCC thì Nintendo chỉ được phép bán phần cứng Famicom cho Atari và công ty này sẽ phải tự đầu tư kinh phí dựng vỏ bên ngoài mới khác với chiếc Famicom ban đầu. Sau khi đại diện Atari được tận mắt chứng kiến sức mạnh của Famicom, họ đã thống nhất sẽ tới Chicago cùng Hiroshi Yamauchi và Howard Licon để kí kết hợp đồng vào buổi hội chợ Consumer Electronics Show tháng 6 năm đó.
Không may thay tại CES, một sự cố không ai lường tới đã làm rạn nứt quan hệ giữa Nintendo và Atari trước khi hợp đồng được kí kết – Atari phát hiện đối thủ CollecoVision trình diễn game Donkey Kong trên máy tính Atom mới của họ. Rắc rối là ở chỗ, trong thỏa thuận bản quyền về Donkey Kong giữa 3 công ty này thì Atari độc quyền phân phối DK trên máy tính cá nhân còn CollecoVision nắm quyền phân phối DK trên Arcade và Console. Cho rằng bị Nintendo chơi xấu sau lưng, đại diện Atari phản ứng và dọa Nintendo rằng không chỉ hủy giao kèo mà sẽ khởi kiện công ty này vì xâm phạm bản quyền trái phép. Nintendo đã phải vội vàng xử lý ngay sự cố và yêu cầu CollecoVision ngừng ngay việc phát hành Donkey Kong trên máy tính Atom, mặc dù công ty này cho rằng Atom bản chất chỉ là một máy console có tính năng hỗ trợ cá nhân mà thôi. Tuy nhiên vào lúc 3 công ty này giải quyết xong khúc mắc thì nội bộ Atari lại lục đục khi lãnh đạo Ray Kassar bị sa thải do tuồn thông tin nội bộ ra ngoài. Thời điểm tháng 9 năm 1983 cũng là lúc thị trường video game Bắc Mỹ sụp đổ khiến tình hình tài chính Atari trở nên khốn đốn, không còn đủ khả năng kí kết hợp đồng với Nintendo nữa.
Về sau, Atari đã chuyển sang đầu tư vào thế hệ console kế tiếp của mình là chiếc 7800 để cạnh tranh với Famicom, nhưng do khó khăn về tài chính, hãng đã phải dời ngày phát hành 7800 sang tận năm 1986, trong khi Nintendo đã phát hành máy NES của mình 1 năm trước đó. Đây là sai lầm chí mạng của Atari vì lúc 7800 xuất hiện thì nó đã trở nên lỗi thời, cộng thêm tính tương thích ngược với Atari 2600 nên chiếc máy này hoàn toàn thất bại trước NES mạnh mẽ và thân thiện hơn. Có thể nói rằng Atari đã chọn sai cửa “đặt cược” số mệnh công ty mình, vì rõ ràng nếu thành công trong thương vụ với Nintendo thì Atari hoàn toàn có thể vực dậy sau thảm họa video game năm 1983 để tiếp tục phát triển trong ngành công nghiệp game rồi.