Chơi game ở mức độ dễ nhất: Liệu có đáng bị mỉa mai? - PC/Console

Có những game thủ luôn lựa chọn mức độ dễ nhất khi chơi game để có được trải nghiệm tốt nhất, phù hợp nhất với bản thân mình. Vậy họ có đáng bị mỉa mai hay không?

Trong cộng đồng, không phải game thủ nào cũng sở hữu kỹ năng chơi game thượng thừa. Có những người kể cả khi đã luyện tập, trải qua một thời gian dài chơi game nhưng trình độ, phản xạ hay kỹ năng vẫn còn hạn chế. Chúng ta không thể gọi những người đó là kém được, bởi khả năng của mỗi người không giống nhau. Trừ khi game thủ tham gia các giải đấu công khai, còn lại thì chẳng ai có thể chế giễu người khác vì kỹ năng chơi game kém cả.

Chơi game ở mức độ dễ nhất: Liệu có đáng bị mỉa mai?

Vì lẽ đó, các nhà phát triển đã thêm vào các mức độ thách thức từ dễ không cần não cho tới khó không thể tưởng tượng. Dù được biểu thị dưới nhiều cái tên khác nhau, nhưng mục đích của việc này là muốn phổ biến trò chơi điện tử tới nhiều người nhất có thể. Tùy từng game thủ có thể muốn và cảm nhận bản thân chỉ chơi được ở level nào thì lựa chọn level đó. Có những người khi chơi game luôn lựa chọn level easy, ngay cả khi kỹ năng của họ thừa sức vượt qua mức độ khó cao nhất.

Tuy nhiên, tôi thấy khá buồn cười khi những người chơi Easy Mode lại bị nhiều người cười chê, nặng nề hơn là bị “thượng đẳng tộc” mỉa mai, chỉ trích hay thậm chí là miệt thị. Tại sao lại vậy? Những người chơi Easy Mode cũng bỏ tiền ra mua game, họ có quyền được chơi theo cách mình muốn chứ.

Chơi Easy Mode vì muốn có trải nghiệm cốt truyện được trọn vẹn nhất

Khi lựa chọn độ khó cao, người chơi sẽ buộc phải vận dụng hết toàn bộ khả năng của tay, mắt, não để có được những phản xạ tình huống tốt nhất, nếu không bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua nổi một màn chứ đừng nói là toàn bộ game. Do đó, nó cũng là mức độ đem tới nhiều ức chế cho game thủ nhất (trừ những người thích khổ d.â.m). Với những người bản tính nóng nảy, kỹ năng phản xạ chưa được tốt, họ sẽ luôn bị đặt trong trạng thái bực tức bởi chơi mãi không qua nổi một màn. Lúc này, hoặc họ sẽ bỏ game chơi trò khác, hoặc họ sẽ đập phá chửi bới điên loạn vì chết liên tục.

Chơi game ở mức độ dễ nhất: Liệu có đáng bị mỉa mai?

Chính những cảm xúc tiêu cực như vậy sẽ khiến người chơi không có được một trải nghiệm game trọn vẹn, đặc biệt là về cốt truyện. Việc lựa chọn Easy Mode sẽ đem lại sự thư giãn hơn. Nó không đòi hỏi bạn phải vận dụng quá nhiều sức lực để phản xạ kịp thời. Bên cạnh đó, các tình tiết trong game sẽ đem lại một trải nghiệm liên tục và gắn kết. Trải nghiệm cốt truyện của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc “chơi đi chơi lại một màn duy nhất”.

Khi chơi Easy Mode, bạn sẽ vẫn có đủ sự tập trung vào hành động cũng như biểu cảm của các nhân vật. Thậm chí ngay cả từng câu nói của các nhân vật khi đang bắn nhau cũng có thể chứa ẩn ý gì đó ảnh hưởng tới toàn bộ câu chuyện của trò chơi.

“Tôi không phải game thủ chuyên nghiệp, vậy nên đừng bắt tôi phải chơi Hard Mode”

Bạn có biết có bao nhiêu phần trăm game thủ trên thế giới này chơi game vì mục đích kiếm tiền? Và bao nhiêu phần trăm trong số đó kiếm được cả tiền lẫn danh vọng ở các giải chuyên nghiệp? Tôi không có thống kê chính xác nhưng tôi biết số phần trăm đó rất ít ỏi. Chỉ khi bạn nghiêm túc với trò chơi điện tử, muốn nó trở thành một sự nghiệp thi đấu lẫy lừng thì kỹ năng và luyện tập mới đóng vai trò quan trọng.

Chơi game ở mức độ dễ nhất: Liệu có đáng bị mỉa mai?

Đa số các game thủ hiện giờ, trong đó có tôi, đều chỉ là những game thủ bình thường, tìm tới game như một niềm đam mê trong cuộc sống, vậy nên việc căng não hay ép mình tập luyện nó không cần thiết lắm. Tất nhiên là cũng có những trò chơi Multiplayer yêu cầu các game thủ phải có một kỹ năng hay phản xạ nhất định, nhưng bạn có quyền lựa chọn chơi hoặc bỏ qua chúng nếu thấy không phù hợp.

Ngay từ ban đầu, trò chơi điện tử được tạo ra như một loại hình giải trí cho con người. Theo thời gian, ngành công nghiệp game mới phát triển vượt bậc và loại hình giải trí này mới trở thành một trong những bộ môn thể thao điện tử được toàn thế giới yêu thích. Vậy đó, mục đích ban đầu là giải trí và thư giãn.

Còn nhớ hồi bé, khoảng thời gian mới tiếp xúc với trò chơi điện tử, tôi đã cùng với các chiến hữu trong xóm có những buổi chơi game thực sự vui vẻ. Hồi bé chúng ta làm gì đã có kỹ năng chơi game hay có nhận thức phải rèn luyện kỹ năng ở những thách thức khó nhất. Đó chỉ đơn giản là những buổi tụ tập bạn bè tràn ngập tiếng cười sảng khoái mà thôi.

Chơi game ở mức độ dễ nhất: Liệu có đáng bị mỉa mai?

Trước đây, bây giờ và cả sau này, nếu bạn chỉ coi game là một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, không phải là một sự nghiệp hay thi đấu chuyên nghiệp gì, bạn có quyền lựa chọn mức độ dễ – khó phù hợp với mình. Như vậy, bạn mới có thể tận hưởng được trò chơi điện tử, nó sẽ đem lại cho game thủ những giờ phút thư giãn thực sự thay vì cứ phải đặt mình vào căng thẳng khi chơi game.

Các nhà phát triển game đưa vào những độ khó khác nhau là để trò chơi của mình phù hợp với nhiều game thủ hơn. Khi một trò chơi có các chế độ từ dễ tới khó, bạn chẳng việc gì phải nghe theo lời xàm tấu của các “thượng đẳng tộc”, mà hãy chọn một chế độ chơi phù hợp nhất, giải trí nhất. Còn nếu như trò chơi đó quá khó hay không thể có lựa chọn mức dễ hơn do ý đồ của nhà làm game (như FromSoftware chẳn hạn), bạn có thể quyết định chuyển qua chơi trò khác hoặc xem người khác chơi trên Youtube.

Tôi chẳng phải game thủ chuyên nghiệp, vậy nên đừng bắt tôi phải chơi Hard Mode hay bất cứ chế độ nào khó nhất. Tôi có quyền lựa chọn game và mức độ dễ phù hợp với mình.

Tạm kết

Bạn bỏ tiền ra mua game nên bạn có quyền lựa chọn cách chơi mà mình muốn nếu việc đó không ảnh hưởng tới những game thủ khác. Trình độ, kỹ năng của mỗi người đều không giống nhau. Do đó chẳng ai có thể bắt bạn chơi game ở mức độ khó vượt quá tầm của mình cả. Hãy nhớ một điều rằng mục đích bạn chơi game là gì? Coi nó là sự nghiệp hay đơn thuần chỉ là một loại hình giải trí trong cuộc sống?

Chơi game ở mức độ dễ nhất: Liệu có đáng bị mỉa mai?

Có lẽ hầu hết chúng ta đều chỉ chơi game lúc rảnh rỗi, sau một ngày làm việc và học tập căng thẳng, coi nó là một cách làm thư giãn đầu óc. Nếu như bạn chọn cách chơi quá khó so với mình, sự bực tức sẽ chỉ khiến bạn thêm căng thẳng, ức chế hơn mà thôi. Khi ức chế lên tới đỉnh điểm, việc bạn “giận cá chém thớt” rất dễ xảy ra. Và cảm xúc tiêu cực lúc này của bạn sẽ ảnh hưởng xấu tới mọi người xung quanh nữa.

Dĩ nhiên tôi chẳng thể nào cấm được bạn chơi game ở level khó, suy cho cùng ai chả muốn chơi thật giỏi cái game mà mình yêu thích? Nếu muốn tự thử thách bản thân hay muốn chơi game theo một cách thú vị hơn, bạn có thể tăng dần độ khó của game lên. Cảm xúc khi vượt qua được một thử thách đầy khó khăn nó sẽ giúp trải nghiệm game thêm phần đáng nhớ. Tuy nhiên, nó sẽ chỉ có tác dụng nếu các game thủ đủ sự kiên trì, nhẫn nại và bình tĩnh.

Chơi game mà, miễn sao bạn thấy vui vẻ, tích cực thì chẳng có ai nói gì được bạn hết. Cả ngày chúng ta đã phải vật lộn với trò chơi khó nhất mang tên Cuộc Đời rồi, vậy tại sao lại phải tự hành hạ mình với một trò chơi, một chế độ khiến bản thân thấy bực tức hơn?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e