Cốt truyện Call of Duty 5 – P1: Thái Bình Dương rực lửa - PC/Console

Khác với những phiên bản tiền nhiệm lột tả người lính Mỹ qua chiến dịch Normandy, Call of Duty 5 đưa game thủ đến Thái Bình Dương và tử chiến cùng quân Nhật

Khác với những dòng Call of Duty từng ra mắt trước đây, bối cảnh của Call of Duty 5: World at War được xây dựng dựa theo hồi ký và những trải nghiệm chân thật của những người lính Mỹ từng tham chiến ở mặt trận Thái Bình Dương. Cụ thể thì cốt truyện của Call of Duty 5 được xây dựng dựa theo hồi ký With the Old Breed: At Peleliu and Okinawa của Eugene Sledge và Helmet for My Pillow của Robert Leckie, cả hai đều từng phục vụ trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tham chiến ở mặt trận Thái Bình Dương. Do đó game thủ sẽ tìm thấy nhiều nét tương đồng giữa cốt truyện game và những siêu phẩm điện ảnh như “The letter of Iwo Jima” hay bộ phim truyền hình “The Pacific” của HBO.

Để hiểu rõ hơn về cốt truyện Call of Duty 5, cần biết rằng trong giai đoạn đệ nhị thế chiến Nhật chính là một trong những siêu cường có tốc độ phát triển thần tốc nhất khi thâu tóm toàn bộ Mãn Châu lập nên chính phủ bù nhìn Mãn Châu Quốc đưa Phổ Nghi lên nắm quyền và gây ra cuộc thảm sát Nam Kinh cũng như lập nên khối liên bang Đông Dương nhằm mục đích thâu tóm toàn bộ Châu Á. Tuy nhiên kế hoạch của Nhật đang trên đà thắng lợi lại bất ngờ gặp một trở ngại lớn khi Đức, một trong những đồng minh thân cận của Nhật mở chiến dịch Barbarossa vào ngày 22-6-1941 với mục đích đánh chiếm Liên Xô mà không thông báo trước với Nhật. Trong thời gian này Nhật đang có một hiệp ước ngừng chiến với Liên Xô và đang bận mở rộng thế lực ở Châu Á nên cuối cùng Nhật không đưa quân đánh Liên Xô ở phía Đông mà chỉ ngồi yên chờ Đức chiến thắng và kéo quân từ Mãn Châu lên phía Bắc.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Miller suýt chút đã có kết cục như anh bạn Kyle nếu không nhờ sự xuất hiện kịp thời của Roebuck

Nhận thấy tham vọng lớn của Nhật, chính phủ Mỹ quyết định phong tỏa toàn bộ tài sản Nhật đồng thời cấm vận các sản phẩm như dầu mỏ, cao su để làm chậm bước tiến của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Không tìm ra tiếng nói chung để gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ, ngày 26-11-1941 Nhật đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo khi điều hạm đội liên hợp của đô đốc Yamamoto Isoroku tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng ở Hawaii gây thiệt hại lớn cho Mỹ. Sau khi thành công gửi lời tuyên chiến đến phía Mỹ, đô đốc huyền thoại Yamamoto đã thở dài than rằng: “Tôi lo sợ rằng những gì chúng ta đã làm sẽ đánh thức một gã khổng lồ đang ngủ”. Và thực tế tinh thần nước Mỹ đã thực sự lên tiếng trong Call of Duty 5 bắt đầu từ những trận đánh trên đảo Malkin đến trận hải chiến Midway lừng lẫy và game thủ sẽ quan chiến dưới góc nhìn của binh nhì C.Miller.

Chiến dịch đầu tiên trong Call of Duty 5 mang tên “Semper Fi” diễn ra vào ngày 17-8-1941 ở quần đảo Makin nằm trên Thái Bình Dương, Miller là binh nhì thuộc tiểu đoàn Carlson Raiders, sư đoàn 2 lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ. Sau một trận đánh thất bại Miller và tiểu đoàn của anh bị người Nhật bắt, anh và binh nhì Kyle bị tra tấn dã man, bất mãn và không chịu nhục Kyle phun máu vào mặt viên sỹ quan Nhật và anh chàng ngay lập tức bị người Nhật cắt cổ. Những tưởng Miller cũng sẽ có kết cục như Kyle thì bất ngờ trung sỹ Roebuck và hạ sỹ Sullivan cùng đội của ông đột kích cứu thoát anh trong đường tơ kẻ tóc. Sau khi vũ trang lại, Miller nhanh chóng gia nhập cùng Roebuck đột kích doanh trại quân Nhật bên bờ biển đồng thời tiến đến điểm hội quân và rút lui bằng ca nô. Kế hoạch hoàn hảo là thế nhưng khi để đến được điểm hẹn cả đội phải băng rừng và bị quân Nhật phục kích liên tục, sau khi vượt rừng thành công Roebuck quyết định phá hủy doanh trại quân Nhật trước khi rút lui, thế là Miller lại phải cùng đội tấn công vào lô cốt quân Nhật để đặt thuốc nổ trước khi rút lui về phía bờ biển.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Trong quá trình rút chạy, Miller bị một tên lính Nhật dùng katana chém bị thương nhưng may mắn thay Roebuck đã nhanh chóng xử lý tên này bằng một viên đạn vào đầu trước khi kéo anh lên ca nô và rút lui khi thuốc nổ nhấn chìm toàn bộ doanh trại quân Nhật. Sau một thời gian dài dưỡng thương đằng sau chiến tuyến, binh nhì Miller chính thức trở lại chiến trường sau trận hải chiến Midway bằng chiến dịch tấn công đảo Peleiu vào ngày 15-9-1944. Ngay từ lúc ở trên tàu đổ bộ Miller dễ dàng nhận ra không khí khốc liệt của trận đánh với những khẩu hiệu “Stay Alert, stay alive” và những cảnh báo từ trung sỹ Roebuck, Sullivan nhưng chỉ đến khi tàu đổ bộ rời khỏi chiến hạm khung cảnh tàn khốc của chiến trường mới dần hiện ra. Tàu đổ bộ của Miller ngay lập tức bị pháo 200mm của quân Nhật đánh chìm nhưng Miller đã nhanh chóng nhảy ra khỏi tàu từ sớm và được Sullivan kéo lên bờ. Để dọn đường cho quân Mỹ thuận lợi tiến công, Miller phải liên lạc và chỉ rõ tọa độ quân địch để thiết giáp hạm của Mỹ dễ dàng pháo kích đồng thời dọn đường cho xe tăng Mỹ đổ bộ và chọc thủng hàng rào phòng thủ của quân Nhật trên bờ biển.

Sau khi chiếm được cứ điểm phòng thủ của quân Nhật trên bãi biển Peleiu, Miller nhanh chóng đánh dấu tọa độ để tàu chiến Mỹ pháo kích phá hủy hoàn toàn xe tăng Nhật, những tưởng chiến dịch đã thành công tốt đẹp khi Miller hội quân với Roebuck và Sullivan thì bất ngờ một tên lính cảm tử phá cửa xông vào dùng kiếm Nhật đâm chết Sullivan. Đưa xác của Sullivan lên tàu để an táng nơi quê nhà, trung sỹ Roebuck trở thành chỉ huy và nhanh chóng điều quân băng rừng để chi viện cho sư đoàn 5 và 7 đánh chiếm sân bay Nhật trên đảo Peleiu. Quãng đường đến sân bay trên đảo của Miller và cả đội không hề dễ dàng khi quân Nhật đặt vô số cạm bẫy ở đây, từ xác máy bay đến xác đồng đội, tất cả đều có thể là cạm bẫy với lựu đạn hoặc mìn nhằm cản chân lính thủy Hoa Kỳ. Vượt qua khu vực đầm lầy ẩm ướt, Miller và cả đội tiếp cận hệ thống lô cốt bên ngoài sân bay và phải phối hợp cùng sư đoàn 5 sử dụng súng phun lửa thổi bay hệ thống phòng thủ của Nhật. Tuy nhiên sau khi dọn dẹp được lô cốt đầu thì người lính sử dụng súng lửa bất ngờ bị bắn hạ và Miller ngay lập tức thay thế để mở đường cho đồng đội tiến sâu vào khu vực sân bay của Nhật.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Miller và toàn đội gặp phải sự kháng cự quyết liệt ở tòa nhà công sự trên đảo, chính lúc này Roebuck đã nhắc Miller sử dụng M1 Garand có gắn lựu đạn để phá hủy nhanh chóng cứ điểm và dọn đường cho sư đoàn 5, 7 tiến vào sân bay. Vượt qua tòa nhà chính thì cuộc chiến ở sân bay mới thực sự trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết khi lữ đoàn tăng Sherman của Mỹ đang chạm trán nảy lửa với xe tăng Nhật. Miller và cả đội phải men theo xác xe tăng và hỗ trợ xe tăng Mỹ phá hủy xe tăng và hệ thống phòng thủ của Nhật đồng thời đánh đuổi quân Nhật ra khỏi sân bay. Những tưởng nhiệm vụ của cả đội đã thành công tốt đẹp bằng việc chiếm được sân bay trên đảo thì bất ngờ quân Nhật điều một lượng lớn bộ binh và xe cơ giới đánh chiếm lại sân bay, toàn đội phải vất vả chống trả trước đợt phản công của quân Nhật. Nhưng may mắn thay nhờ việc giữ lại hệ thống pháo 3 nòng 25mm (triple 25) của quân Nhật, Miller dễ dàng sử dụng pháo phòng không và bắn hạ toàn bộ lực lượng quân Nhật tiếp cận cho đến khi không quân Mỹ đến và rải bom đánh lui hoàn toàn quân Nhật.

Sau khi chiếm được sân bay của Nhật trên đảo Peleiu, người Mỹ vẫn chưa thể an tâm khi lực lượng bộ binh Nhật vẫn trú ẩn rải rác trên đảo và có thể đánh úp bất cứ lúc nào. Thậm chí trước trận đánh ở đảo Peleiu người Mỹ đã hiểu quá rõ quân Nhật và tinh thần kiên cường của họ, nhất là khi trong quân Mỹ luôn lan truyền tin đồn “Cậu không thể sống thiếu lương thực trong 5 ngày nhưng với một tên lính Nhật chỉ cần một nắm cơm mốc là hắn có thể tồn tại 2 tuần để săn lùng chúng ta”. Biết rõ tình thế phải tốc chiến tốc thắng Roebuck quyết định dẫn toàn bộ sư đoàn 1 mở cuộc hành quân lớn đẩy lùi toàn bộ quân Nhật dọn đường giải phóng Peleiu trong ngày 15-9-1944, lần này Miller được phân công sử dụng súng phun lửa để thiêu cháy toàn bộ hệ thống lô cốt và quân Nhật phục kích trên đảo. Vượt qua hệ thống lô cốt cùng hàng loạt lính cảm tử Nhật liều chết giữ lô cốt, cuối cùng Miller và toàn đội cũng chiếm được toàn bộ cứ điểm phòng thủ và hệ thống phóng cối (Mortal) của quân Nhật giúp lữ đoàn tăng Sherman dễ dàng tiếp cận và càn quét quân Nhật ra khỏi nơi trú ẩn của chúng, đến đây Miller và đồng đội mới được tạm nghỉ để chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Ngày 16-9-1944, sau cuộc tấn công chớp nhoáng của sư đoàn 1 quân Nhật bị đẩy lùi hoàn toàn và phải co cụm phòng thủ ở cứ điểm cuối cùng trên núi với hệ thống hang động và pháo phòng thủ từ trên cao. Roebuck quyết định mở chiến dịch cuối cùng trên đảo Peleiu mang tên Relentless (Không ngừng nghỉ) quyết tâm đánh đuổi hoàn toàn quân phòng thủ Nhật ra khỏi đảo. Nhờ việc dọn dẹp toàn bộ cứ điểm phòng thủ của Nhật từ hôm trước nên sư đoàn 1 nhanh chóng hành quân cùng xe tăng phun lửa M4A3E8 Fury băng rừng tiến đến đỉnh núi tuy nhiên cả đội nhanh chóng được tiếp đón bởi quân du kích và hàng loạt đạn pháo của quân phòng thủ. Khác với những trận đánh trước lần này bước tiến của người Mỹ bị chựng lại bởi vô số bẫy treo và quân cảm tử mặc đồ ngụy trang của Nhật(một số nằm rạp đất, một số trốn trên cây), thậm chí sư đoàn 1 còn bị thiệt hại khá nhiều quân lực và khí tài quân sự trước khi tiếp cận được hệ thống hang động của quân Nhật. Vượt qua được vòng ngoài nhưng cơn ác mộng của quân Mỹ vẫn chưa kết thúc khi lính Nhật tiếp đón họ trong hang động như quỷ mị khi liên tục xuất hiện và chiến đấu trong bóng tối, có những lúc sư đoàn 1 phải phán đoán và bắn dựa theo tia lửa từ súng quân Nhật cũng có lúc những tia sáng hiếm hoi chiếu vào hang phù hộ cho Miller và đồng đội.

Cuối cùng sau khi chiếm được tháp pháo trong hang, Roebuck yêu cầu Polonsky đốt pháo sáng và đánh điện về tàu chỉ huy báo với thiếu tá Gordon rằng đã chiếm được cứ điểm phòng thủ cuối cùng và không quên báo lại số lượng quân Mỹ tử thương trong chiến dịch chiếm đảo này là rất nhiều. Sau khi thuận lợi chiếm được đảo Peleiu, quân Nhật vẫn bám trụ và đánh du kích với quân Mỹ suốt 2 tháng từ sau chiến dịch chiếm đảo của sư đoàn 1 phải đến tháng 11 năm 1944 người Mỹ mới chính thức giành quyền kiểm soát đảo Peleiu và tiến quân đi xa hơn đến vùng biển Okinawa của Nhật Bản. Tuy nhiên đây cũng là lúc lực lượng tàu chiến thiết giáp hạm của quân Mỹ và Nhật chạm trán nảy lửa nhất và đây cũng là lúc chiến dịch tiếp theo diễn ra vào ngày 3-4-1945, game thủ nhập vai sỹ quan không quân Locke trên máy bay Black Cat để thực hiện nhiệm vụ cứu viện và phá hủy máy bay Mitsubishi A6M5 Zero cũng như thiết giáp hạm của Nhật.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Nhờ việc trang bị vũ khí hiện đại và có cơ động chuyển đổi vũ khí giữa M2 Browning và đạn pháo 20mm, Locke dễ dàng bắn hạ tàu chiến Nhật nhưng bất ngờ phi đội Thần Phong của Nhật gia nhập vòng chiến và chiến Black Cat của Harrington đi bên cạnh máy bay của Locke bị bắn rơi. Locke và cả đội quyết định quay lại cứu những thành viên còn sống sót đồng thời chạm trán nảy lửa với tàu chiến và tiêm kích Nhật trên biển. Mặc dù trúng đạn ở phần đuôi và vô số góc trên thân máy bay nhưng chiến dịch vẫn thành công và tạm thời kết thúc sau khi Locke hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn. Mặc dù đẩy lui được hải quân Nhật và mở đường đổ bộ tiến đánh Iwo Jima (một đảo thuộc Okinawa) nhưng quân đội Mỹ vẫn chịu thiệt hại nặng sau trận hải chiến Okinawa này, không dừng lại ở đó thời tiết ở khu vực Thái Bình Dương cũng tỏ ra không ủng hộ cho người Mỹ khi mưa dông kéo dài toàn đảo bị nhấn chìm trong bùn lầy khiến xe tăng không thể tiến lên được.

Ngày 14-5-1944 sư đoàn 1 mở cuộc hành quân lớn đánh vào các lô cốt và ụ pháo địch trên sườn núi Wana, Miller tiếp tục nhận nhiệm vụ đi đầu sử dụng súng phun lửa đốt cháy cánh đồng cỏ lớn để dọn đường và phát hiện quân Nhật phục kích. Băng qua cánh đồng cỏ tiếp đón họ là hệ thống lô cốt dày đặc súng máy của quân Nhật, đến đây Miller lại tiếp tục xông xáo băng qua làn khói dùng thuốc nổ đánh phá công sự để giảm thiểu thiệt hại cho đồng đội. Kết thúc trận đánh này một nửa sư đoàn 1 đã tử thương, Roebuck và Miller đưa những người bị thương nặng và xác liệt sỹ lên xe về tàu và tập hợp những người còn có thể chiến đấu để tiếp tục trận đánh quan trọng tiếp theo vào lâu đài Shuri trên đảo Okinawa. Sau 2 tuần đánh nhau với quân Nhật, người Mỹ đã mất đi tổng cộng 12 nghìn quân sau những cuộc chiến liều mạng của quân cảm tử ở Okinawa. Chỉ đến khi quân tiếp viện đến Roebuck mới quyết định mở chiến dịch lớn đánh thẳng vào lâu đài Shuri ngày 29-5-1945 tuy nhiên cuộc tiến công của sư đoàn 1 lại không hề thuận lợi khi lâu đài Shuri là một cứ điểm phòng thủ kiên cố và quân Nhật đã bố trí hệ thống pháo phòng thủ từ trên cao.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Để giảm thiểu thiệt hại, Roebuck ra lệnh cho sư đoàn 1 dùng hệ thống hầm ngầm của quân Nhật để tiếp cận lâu đài nhưng sau đó tiếp đón họ trên đường vào lâu đài là hàng loạt lính cảm tử với súng Arisaka gắn lưỡi lê sẵn sàng liều chết đổi mạng với quân Mỹ. Bước vào sân ngoài lâu đài nhờ chiếm được hệ thống pháo Mortal của quân Nhật, Miller nhanh trí kích nổ đạn cối bằng tay và ném vào quân thù dọn đường cho quân Mỹ tiến sâu vào bên trong. Vượt qua những tên lính cảm tử cuối cùng, trung sỹ Roebuck và binh nhì Polonsky bất ngờ bị lính Nhật khống chế và đến đây game thủ phải đưa ra lựa chọn khó khăn. Cứu Roebuck thì Polonsky sẽ chết tan xác bởi lựu đạn và ngược lại cứu Polonsky thì kết cục của Roebuck cũng y như vậy.

Sau sự ra đi của đồng đội Miller và tất cả binh sỹ còn sống của sư đoàn 1 phải phòng thủ quyết liệt trước cuộc vây công của quân Nhật đồng thời đánh dấu tọa độ để máy bay Mỹ ném bom thẳng vào đầu não quân Nhật. Sau khi chứng kiến tòa nhà chỉ huy Nhật sụp đổ, Roebuck (hoặc Polonsky) đi tới xác người đồng đội đã mất lấy đi dog tag (thẻ tên) và nhờ Miller chuyển hộ về gia đình anh. Sau khi chiếm đóng hoàn toàn lâu đài Shuri và kiểm soát quần đảo Okinawa chiến dịch cuối cùng của người Mỹ trong Call of Duty 5 kết thúc tại đây, Miller và những binh sỹ sống sót lên đường trở về nhà. Bởi lẽ quân Đồng Minh đã chiến thắng Phát Xít Đức hoàn toàn ở Châu Âu và giấc mộng Châu Á của Đại Nhật Bản kết thúc bằng 2 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki mang tên “Fat Man” và “Little Boy”. 15-8-1945 Thiên Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới thứ hai chính thức kết thúc.

Cốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửaCốt truyện Call of Duty 5 - P1: Thái Bình Dương rực lửa

Lời kết

Chiến tranh Thái Bình Dương là một trong những cuộc chiến dai dẳng và đem đến nhiều thiệt hại quân sự nhất cho người Mỹ, mặc dù chiến tranh đã đi qua và trở thành một phần của lịch sử nhưng chính Call of Duty 5 đã gợi nhớ lại kẻ thù nhỏ bé năm xưa của người Mỹ đã kiên cường quả cảm ra sao. Tuy nhiên tinh thần samurai và sự quả cảm của người Nhật dường như chỉ là sự ngu trung giống như những lời mà đô đốc huyền thoại Yamamoto của Nhật từng nói, thậm chí ông đã nhìn ra thất bại từ sớm nhưng vì lòng trung với Thiên Hoàng với đế quốc Đại Nhật Bản nên ông chỉ có thể làm theo lệnh và đành chôn sâu tiếng lòng của mình khi hy sinh ở trận hải chiến Midway năm 1943. Thế mới thấy cả người Mỹ và Nhật đều đi theo “Tiếng gọi của sứ mệnh” (Call of Duty), có khác chăng là sứ mệnh và chính nghĩa thật sự chỉ nằm trong tay người tỉnh táo và có quyết định chính xác nhất mà thôi.

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Cốt truyện Call of Duty 5
  1. Cốt truyện Call of Duty 5 – P1: Thái Bình Dương rực lửa