Đánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoáng - Đánh Giá

Mọt đánh giá Crysis Remastered là một bản nâng cấp trung thành với tựa game gốc, nhưng tiến bộ của nó không bắt kịp với tiêu chuẩn chung của FPS ngày nay.

Mọt đánh giá Crysis Remastered là một bản nâng cấp trung thành với tựa game gốc, nhưng tiến bộ của nó không bắt kịp với tiêu chuẩn chung của FPS ngày nay.

Crysis Remastered là một tựa game FPS lấy mốc thời gian năm 2020, khi khoa học tiến bộ vượt qua thực tế và các chiến binh đặc nhiệm Mỹ mặc những bộ nanosuit giúp cường hóa sức mạnh và tốc độ, đem lại khả năng tàng hình cho phép họ có thể biến mất ngay trước mắt kẻ thù. Một nhóm 5 chiến binh như vậy bao gồm Prophet, Nomad, Psycho, Aztec và Jester được gửi đến đảo Ling Shan nằm đâu đó trên Thái Bình Dương để giải cứu một nhóm khảo cổ sau khi họ gửi lời kêu cứu về nước một tuần trước đó, và hòn đảo rộng lớn này sẽ trở thành sân chơi cho game thủ (trong vai Nomad) cùng các năng lực đặc biệt trên bộ nanosuit của mình.

Một nền tảng đồ họa đẹp mắt

Nhắc tới Crytek, Crysis là nhắc tới những tựa game “bá đạo” về đồ họa, nên Mọt sẽ đưa phần đánh giá hình ảnh của trò chơi lên đầu thay vì để nó ở cuối bài. Phiên bản Crysis ra mắt năm 2007 đã khiến không ít PC phải khóc thét trong khi chủ nhân của chúng trầm trồ về chất lượng hình ảnh của trò chơi, và Crysis Remastered vẫn thế. Nếu máy tính của bạn có đủ sức mạnh để đẩy đồ họa lên đến mức tối đa (được gọi là Can it run Crysis thay vì Enthusiast cũ), bạn sẽ nhận được những khung hình hết sức tuyệt vời, vượt xa so với phiên bản gốc nhờ được tích hợp những công nghệ mới. Bạn có thể tự so sánh chất lượng đồ họa giữa bản gốc với bản remastered qua trailer mà Crytek công bố dưới đây:

" alt=""

Các hiệu ứng nổ là một ưu điểm khác của Crysis, bởi game thủ có thể sử dụng khá nhiều loại chất nổ bao gồm mìn, lựu đạn, rocket trong game. Các vụ nổ mà chúng tạo ra trông rất mãn nhãn, phù hợp với sức công phá được thể hiện khi kẻ địch bị thổi bay, xe tăng bung nắp còn tàu bè bùng cháy khi gặp gỡ các loại vũ khí này. Chỉ có hiệu ứng lửa là hơi cùi bắp bởi sau khi tình cờ kích nổ một trạm xăng, ngọn lửa phát ra từ các trụ bơm trông khá chán và thiếu chi tiết.

Đẹp mắt là vậy nhưng nền đồ họa của Crysis vẫn có một nhược điểm không thể bỏ qua: biểu cảm và chuyển động trên khuôn mặt của các nhân vật. Ngoài các đồng đội gan góc Prophet và Psycho, những nhân vật khác mà game thủ gặp được trong game đều có một khuôn mặt đầy góc cạnh và hết sức kém chân thực, và bạn sẽ chấn động vì độ… xấu của cô nàng gián điệp mình giải cứu ở một trong các màn chơi đầu tiên. Các nhân vật khác thật ra cũng không khá hơn là bao, nhưng hai nhân vật nữ duy nhất trong game là những người bị biến dạng nặng nề nhất.

Đánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoángĐánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoáng

Ray-tracing, hiệu ứng đồ họa mới mà Crytek bổ sung vào trò chơi không phải là một nâng cấp thực sự đáng giá. Do sở hữu một card RTX 2070, Mọt tui đã thử bật tính năng này và chỉ thấy tốc độ khung hình giảm đi đáng kể trong khi hình ảnh không có quá nhiều khác biệt trong các màn chơi ban ngày, và chỉ thấy sự khác biệt rõ ràng khi đến các màn chơi ban đêm chẳng hạn trên con tàu sân bay. Mọt tin rằng với một tựa game nặng như Crysis, game thủ sẽ lựa chọn việc tắt tất cả những tính năng “đầu thừa đuôi thẹo” như thế này để ưu tiên cho số khung hình, nhưng tình trạng này có thể sẽ được cải thiện trên những dàn PC có CPU mạnh mẽ hơn.

Mẹo Among Us: Làm sao để trở thành thuyền viên gương mẫu và kẻ thế vai hoàn hảo?Mẹo Among Us: Làm sao để trở thành thuyền viên gương mẫu và kẻ thế vai hoàn hảo?
Among Us: Cách để trở thành thuyền viên gương mẫu và kẻ thế vai hoàn hảo?
Sau một thời gian liên tục bị tống ra ngoài không gian trong Among Us, Mọt tui tìm ra được một vài mẹo để giúp bạn làm quen và làm chủ trò chơi nhanh hơn.

Một sân chơi thú vị

Với cốt truyện đơn giản và không có gì lắt léo, các tình tiết trong Crysis chỉ đóng vai trò dẫn dắt cho game thủ thực hiện những pha đọ súng máu lửa và thỏa mãn trí tưởng tượng của mình về một người hùng hành động sở hữu những năng lực siêu nhiên. Kết hợp cùng phong cảnh thiên đường nhiệt đới của đảo Ling Shan, lối chơi này đủ thú vị để lôi kéo game thủ đi hết trò chơi và không ngừng khám phá ra những phương thức tiêu diệt đối thủ mới trong khi tưởng tượng mình là chiến binh Predator trong bộ phim cùng tên của Arnold.

Ngoài những phương thức cổ điển như bắn hạ kẻ địch bằng các loại vũ khí khá đa dạng hay tông vào chúng bằng xe cộ, game thủ cũng có thể lợi dụng các vật thể trong môi trường để tiêu diệt kẻ thù bởi gần như mọi thứ trong game đều được áp các hiệu ứng vật lý: các căn nhà lụp xụp có thể bị tháo rời, bếp ga có thể bị ném đi, cây cối có thể bị bắn gãy,… Chúng tạo điều kiện cho game thủ có thể thực hiện những pha hành động giống như trong các trailer, dù thực ra Mọt tui chỉ toàn bắn, bắn và bắn bởi đây là phương thức hạ gục kẻ thù đơn giản và trực quan nhất.

Đánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoángĐánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoáng

Trong khi đồ họa và sức mạnh của engine vật lý của game có thể được cảm nhận dễ dàng, AI của kẻ địch lại khó mà đánh giá được. Có những lúc toán lính địch tỏ ra khá thông minh khi biết di chuyển theo nhiều hướng khác nhau để bao quanh nhân vật chính, biết cách ném lựu đạn về phía Nomad đang ẩn nấp, nổ súng cầu may khi anh biến mất bằng khả năng tàng hình của bộ Nanosuit, chạy trốn khi lựu đạn bay tới gần, liên tục di chuyển để tìm kiếm chỗ ẩn nấp,… Nhưng cũng có những tên địch lại kẹt trong góc khuất và chẳng hề hó hé gì cho đến khi Mọt tui đã dọn sạch đám đồng đội của hắn và đang nhặt nhạnh những khẩu súng rơi vãi trên chiến trường.

Tuy nhiên nhược điểm của AI không đánh bại được nền tảng khá thú vị trong gameplay của Crysis, khi trò chơi cho phép game thủ thử nghiệm những cách tiêu diệt địch khác nhau, tưởng thưởng game thủ với những pha hành động khá đã mắt. Game cũng cung cấp một bộ sưu tập súng khá hoành tráng để game thủ thỏa mãn trí tưởng tượng của mình, bất kể là họ muốn làm người hùng hai tay hai súng, người hùng hành động với vũ khí hạng nặng hay sát thủ âm thầm từ khoảng cách xa.

Một tựa game đã có tuổi

Khi trở lại với Crysis lần này, Mọt tui không thể không chú ý đến dấu hiệu “lão hóa” của Crysis. Vào thời điểm mà trò chơi ra mắt (2007), Crysis là một tựa game có đồ họa đột phá và lối chơi ổn, và chính đồ họa là thứ “gánh” trò chơi, đưa nó vào lòng game thủ với những meme kiểu Can it run Crysis mà Crytek đã đưa vào bản nâng cấp hiện tại. Tuy nhiên sau 13 năm với những tựa game bắn súng ngày một hấp dẫn hơn, nhược điểm về lối chơi đã kéo lùi Crysis Remastered, khiến những game thủ đã quen với FPS hiện đại cảm thấy nhiều điều khó chịu trong game.

Đầu tiên, đó là cảm giác bắn của game. Sau khi đã quen thuộc với những tựa FPS có cảm giác bắn cực tốt và nhạy bén như các bản Call of Duty của Infinity Ward hay Doom Eternal ra mắt gần đây, Mọt tui luôn có cảm giác phải đấu vật với tâm ngắm của Crysis Remastered bởi nó có cảm giác khá ù lì, cục mịch – điều không thể khắc phục được ngay cả khi đã tăng độ nhạy chuột lên mức tối đa trong phần cài đặt. Thật ra, F.E.A.R. – một tựa game phát hành năm 2006 vẫn có cảm giác bắn tốt hơn hẳn so với Crysis (và Crysis Remastered). Đây là nhược điểm cũ của Crysis, nhưng khi trở lại vào năm 2020 thì nó bị phóng đại lên rất nhiều vì sự tồn tại của những tựa game FPS ngày nay.

Đánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoángĐánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoáng

Thứ hai, đó là những tính năng mà các tựa FPS ngày nay có nhưng Crysis Remastered lại không có. Việc nhắc đến những điều này có thể là hơi bất công với Crysis Remastered bởi nó chỉ là bản làm lại của một trò chơi 13 năm tuổi, nhưng game thủ chẳng quan tâm đến chuyện game mới cũ thế nào – họ chỉ chú trọng đến lối chơi có hấp dẫn hay không. Crysis tỏ ra hụt hơi khi bị so sánh với FPS hiện đại bởi nhiều lý do, từ phương thức sắp đặt phím điều khiển khá lúng túng cho phù hợp với console, không thể ném lựu đạn nhanh bằng nút G mà phải trải qua thao tác rút lựu đạn,… Crytek đã có một thay đổi đáng khen là bổ sung khả năng chuyển đổi giữa 4 (không phải 5 như trước) chế độ của bộ Nanosuit bằng phím tắt và tự động bật chế độ giáp khi nhân vật bóp cò trong trạng thái tàng hình, nhưng như thế là chưa đủ để nâng tầm trò chơi.

Và thứ ba là nền tảng công nghệ của trò chơi. Vào thời điểm game ra mắt năm 2007, Crytek dự đoán rằng các CPU tương lai sẽ có xung nhịp ngày càng cao nên game chỉ sử dụng đúng 1 nhân CPU, và giờ đây bản Crysis Remastered vẫn sử dụng đúng một nhân dù xu thế hiện đại là nhiều nhân, nhiều luồng. Vì lẽ này, tốc độ khung hình của Crysis Remastered bị kéo rất thấp – trên máy của Mọt tui (vượt mức Recommended với Ryzen 5 3600, 16 GB RAM, RTX 2070), game chạy ở… 25 fps khi bật đồ họa Very High, khiến Mọt phải giảm đồ họa xuống mức High để có tốc độ khung hình chấp nhận được là 35-40 tùy địa điểm và tình huống. Việc viết lại trò chơi để nó tận dụng được sức mạnh đa nhân của CPU ngày nay hẳn là một điều rất tốn kém và không đáng làm với một bản remaster, nhưng nhược điểm vẫn là nhược điểm.

Một vài vấn đề khác

Theo những gì Mọt được biết, Crysis Remastered được Crytek phát triển dựa trên nền tảng của bản Crysis dành cho PS3 và Xbox 360 ra mắt vào năm 2011 chứ không phải bản gốc trên PC ra mắt năm 2007. Đây không phải là điều xấu bởi về cơ bản, đây là phiên bản mới nhất và được bổ sung những tính năng cần thiết cho PC trong khi các tính năng bị “hạ giá” cho phù hợp với console đều bị gỡ bỏ. Game thủ có thể nhận ra điều này khi so sánh mức độ dày đặc của cây cối, chất lượng của vân bề mặt (đặc biệt là bộ giáp Nanosuit) và vẻ ngoài của các ngọn núi giữa các bản Crysis Remastered với nhau. Tính năng Classic Nanosuit cũng là một thứ chỉ có trên PC chứ không có trên console.

Đánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoángĐánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoáng

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Crytek không có đủ thời gian để thực hiện những nâng cấp cần thiết. Sau khi bị chỉ trích vì bản PC không có chất lượng hình ảnh cao như được trông đợi, Crytek đã dành nhiều công sức vào việc “nhồi nhét” những khác biệt nêu trên vào trò chơi và lại khiến nó mất đi một số tính năng cũ. Những biện pháp tối ưu hóa khiến game có thể chạy được trên PS4, Xbox One ở mức 30fps và ray-tracing đều bị vứt bỏ, đổi lại nhiều cây hơn, vân bề mặt đẹp hơn, cỏ rậm rạp hơn,… Chúng thỏa mãn yêu cầu về hình ảnh của game thủ PC, nhưng lại khiến trò chơi trở lại thành một sát thủ phần cứng mà khó có cỗ PC nào đỡ được.

Bên cạnh đó, một số bước lùi cũng xảy ra khi Crytek và Saber Interactive thực hiện những nâng cấp này, chẳng hạn khả năng nghiêng người bằng hai nút Q, E. Hai nút bấm này giờ đây phục vụ cho việc thay đổi giữa các năng lực của bộ giáp, và đây là một vấn đề mà không ít game thủ Crysis gạo cội nhận ra và chê bai. Crytek nói rằng họ đã biết về các yêu cầu của game thủ và nhờ Saber Interactive (studio phát triển Crysis Remastered) khắc phục vấn đề, nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi.

Bản PC của Crysis Remastered hiện tại chỉ được phát hành trên Epic Games Store, một điều có thể khiến không ít game thủ chỉ trích trò chơi nhưng lại là một quyết định dễ hiểu của Crytek. Nhà phát triển này đã gặp rắc rối tài chính trong nhiều năm qua, và đã phải bán vài studio con cũng như một số tựa game của mình cho các hãng khác (chẳng hạn Homefront), nên một hợp đồng độc quyền với Epic Games Store sẽ đem lại cho họ sự bảo đảm cần thiết về tài chính. Mức giá hiện tại của game trên Epic cũng chỉ là 12 USD, khá mềm với một tựa game từng mang danh bom tấn và hợp túi tiền của game thủ Việt.

Đánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoángĐánh giá Crysis Remastered: Nhiều vấn đề dưới vỏ ngoài hào nhoáng

Các phiên bản console của Crysis Remastered cũng bị chê bai khá nhiều dù nó đem lại hiệu ứng ray-tracing cho game thủ. Theo những gì Mọt được biết, ngay cả trên Xbox One X và PS5 Pro, game vẫn chỉ chạy với tốc độ 30 fps nếu game thủ chọn ưu tiên đồ họa và bật ray-tracing, còn nếu chọn hiệu năng thì game sẽ chạy ở mức 1080p và đạt được khoảng 40-45 fps. Có khá nhiều bug được nhắc đến trong các phiên bản này chẳng hạn cây cối hóa thành 2D, hiệu ứng âm thanh lặp lại,…

Lời kết

Nhìn chung, Crysis Remastered là một bản nâng cấp trung thành với tựa game gốc trong khi bổ sung những nâng cấp hình ảnh đáng giá, nhưng những tiến bộ mà nó có được không bắt kịp với tiêu chuẩn chung của FPS ngày nay. Trò chơi phù hợp với những game thủ hoài cổ hoặc có một dàn PC khủng bố đủ sức thưởng thức trò chơi ở mức đồ họa tối đa, bởi đồ họa là điều duy nhất khiến nó nổi bật khi so sánh với các đối thủ khác. Nếu chỉ có một cỗ PC trung bình khá hay không quan tâm đồ họa mà chỉ chú trọng vào gameplay, đừng mất thời gian với Crysis Remastered vào thời điểm này.

Nên mua hay không? Như Mọt vừa nói bên trên, dù game có mức giá khá mềm (12 USD) trên Epic Games Store, trò chơi chỉ phù hợp với những game thủ yêu thích việc ngắm cảnh và sẵn sàng chấp nhận gameplay thường thường bậc trung (khi so sánh với FPS hiện đại). Game thủ PC nên chờ đợi đến khi game được giảm giá mạnh tay, còn game thủ console hãy chờ đến khi next-gen ra mắt để tránh những vấn đề khó chịu về số khung hình và bug còn tồn đọng.

Ưu điểm:

  • Đồ họa tuyệt đẹp.
  • Các tính năng nanosuit thú vị.
  • Bắn súng tạm ổn.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi cấu hình khủng khiếp.
  • Không chạy mượt trên console.
  • Gameplay khá lỗi thời khi so sánh với FPS hiện đại.

Link Tải Game

Chờ gì mà không vào ngay nào:

Chim lợn cùng gia đình nhà Mọt:

Xem nhiều clip hơn nữa: