Mô phỏng một đội tuyển eSports chuyên nghiệp đang muốn trở thành số một thế giới, eSports Life Tycoon như cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai yêu eSports
Giờ thì nhà nhà eSports, người người eSports không phải là chuyện hiếm. Thể thao Điện tử đang ngày càng bành trướng và càng lúc càng trở nên một phần không thể thiếu trong cộng đồng game thủ. Đây cũng là một ngành kinh doanh triệu đô non trẻ mà rất nhiều người đang thử sức mình tại đây. Vậy thì quản lý và sinh lời cho một đội tuyển eSports liệu có dễ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua eSports Life Tycoon, tựa game mô phỏng công việc của một quản lý eSports.
Quay cuồng trong công việc
Nếu ai đó nghĩ rằng việc quản lý một đội tuyển là nhàn hạ, thì nên suy nghĩ lại với việc này. Đầu game, bạn được giao thành lập một đội tuyển eSports do chính mình thiết kế. Sau buổi họp báo ra mắt đầy hoành tráng, bạn được giao một căn hộ và 5 thằng tuyển thủ để bắt đầu sự nghiệp eSports của mình. Mục tiêu cao nhất mà cả đội hướng đến đương nhiên là chiến thắng và đạt được nhiều tài trợ mới. Thế nhưng, mọi việc vốn không hề dễ dàng. Việc chơi game cho vui và chơi game vì áp lực thành tích là một cái gì đó rất khác. Có rất nhiều việc để vận hành một đội tuyển trơn tru: đầu tiên là nghiên cứu đối thủ trước, nghiên cứu xong bạn mới có đủ dữ liệu để tập luyện nâng cao kỹ năng. Sau đó, cả team phải cùng nhau họp bàn chiến thuật để nâng cao sĩ khí toàn đội, rồi cuối cùng là tham gia các hoạt động quảng bá hình ảnh để thu hút thêm lượng người hâm mộ cho mình. Tất cả đều mô phỏng như các đội tuyển lớn trong thế giới thể thao điện tử hiện nay. Ngoài ra, đến khi thi đấu game thủ sẽ còn phải chủ động hỗ trợ tuyển thủ trong khi thi đấu như điều tiết quá trình thi đấu của đội. Thực ra cái khoản này bạn có thể để cho máy tính tự động làm hết, nhưng nó cũng là một phần vô cùng thú vị của eSports Life Tycoon nên tốt nhất hãy thử trải nghiệm cảm giác được thi đấu và hòa mình vào các trận đấu hấp dẫn của tựa game này. Khác với tựa game lấy đề tài eSports trước mà Kênh Tin Game từng giới thiệu qua, trong eSports Life Tycoon sẽ không yêu cầu bạn phải hiểu luôn các vị tướng có trong game, mà chỉ cần đưa ra những quyết định tấn công hay phòng thủ mà thôi và chiến thắng sẽ dành cho ai có một chiến thuật xuất sắc. Còn nếu quá lười, cứ bấm qua nhanh và để máy móc quyết định kết quả cũng được.
Đương nhiên, kẻ thù lớn nhất của bạn trong game này không phải là đối thủ, mà là kinh phí. Việc duy trì một đội hình thi đấu xuyên suốt là rất khó, đặc biệt là khi bạn không có nhà tài trợ nào. Tuy nhiên, mỗi nhà tài trợ lại có một mục đích khác nhau và yêu cầu khác nhau. Có người thì muốn bạn vô địch, có người lại muốn duy trì một vị trí tốt tại bảng xếp hạng hay đơn giản hơn là có mặt truyền thông tốt. Game thủ phải có một cái nhìn khách quan và chính xác nhất về team của mình, để từ đó có thể lựa chọn một hợp đồng hợp lý và có lợi ích nhất. Nên nhớ, ngoài tiền được gửi đi hàng tuần, đội hình còn được thưởng tùy theo số trận thắng và số người theo dõi có được. Có tiền rồi bạn mới có thể nâng cấp mọi thứ để cung cấp cho các tuyển thủ của mình một cuộc sống tốt hơn, cũng như thu hút thêm nhiều đấu thủ tốt hơn để chuẩn bị cho mỗi mùa giải.
Là một người quản lý, công việc của bạn không chỉ gói gọn trong việc vận hành team, mà còn phải làm đến những việc bên ngoài. Dĩ nhiên những công việc đặc thù chuyên môn như HLV hay bộ phận kinh doanh thì bạn phải thuê thêm người, nhưng những vấn đề khác vẫn cần đến bạn. Từ gỡ rối uất ức trong lòng game thủ, tới trả lời thư từ fan hay nhà tài trợ và phải tìm cách đối đáp sao cho phù hợp, người quản lý còn phải gặp gỡ và duy trì các mối quan hệ với các đội tuyển khác để đạt thêm các lợi ích. Trong đó, lợi ích tốt nhất chính là việc buôn bán, trao đổi các tuyển thủ để thu về lợi nhuận. Đó chỉ là một số ít trong công việc mà một quản lý phải làm hàng ngày, nhưng bạn vẫn phải đảm bảo được team thi đấu tốt. Khả năng điều phối một cách trơn tru và hoản hảo chính là điều kiện tiên quyết để bạn “phá đảo” cái game này.
Khi chơi eSports Life Tycoon, người chơi sẽ chân chân chính chính thấu hiểu được việc “kinh doanh” eSports là như thế nào. Không ngoa khi nói rằng, tiền không quyết định tất cả, nhưng quyết định một phần cực kỳ lớn trong thế giới mang đầy tính cạnh tranh này. Đó vừa là gánh nặng cũng vừa là lẽ tất nhiên khi ai chơi game chuyên nghiệp rồi đều hiểu rằng kinh phí chính là kẻ thù lớn nhất của mình. Gì cũng là tiền, ăn cũng tiền, ngủ cũng tiền. Cái gì cũng quy đổi thành tiền. Bạn có thể duy trì gaming house, trả lương cho nhân viên và vận động viên, chi trả các chi phí để xây dựng hình ảnh và mối quan hệ tuần này qua tuần khác để rồi nhận được tiền giải còn không đủ để trả tiền ăn cho cả đội trong mùa giải. Vì thế, việc có được hợp đồng tốt và vẫn duy trì khả năng thi đấu đỉnh cao luôn là một vấn đề nan giải.
Hơn thế nữa, thời gian cũng không ủng hộ bạn khi lúc đầu mọi thứ đều vô cùng chậm chạp. Game thủ cũng hồi phục rất chậm và tốn rất nhiều sức cho công việc hàng ngày như tập luyện, nghiên cứu, họp hành, trong khi lịch thi đấu thì kín như bưng. Trong số đó, quảng bá và tập luyện là hai vấn đề nan giải nhất vì nếu tập trung tập luyện quá thì bạn sẽ được nhận rất ít tiền vì quảng bá kém. Nhưng nếu quảng bá không thôi thì dù có bao nhiêu fan đi nữa, bạn mà thua thì chả có đồng nào. Đó gần như là một cuộc hành xác vô cùng khổ sở về khả năng “liệu cơm gắp mắm” của mình. Một mẹo nhỏ là Mọt tui thường hay bỏ qua phần luyện tập khi đối đầu gần hết các đối thủ khác, tập trung cho việc quảng bá và họp team để xóc tinh thần cả đội. Phong độ có thể ảnh hưởng rất nhiều kết quả của trận đấu đầu game, nên tranh thủ lúc đó để thu hút thêm người hâm mộ để có thêm tiền. Sau khi dư dả rồi, game thủ có thể thay đổi từ từ để đạt được thành tích tốt hơn và nhận được tài trợ thêm.
Chỉ là hơi mau chán
eSports Life Tycoon thì hay thật đấy, nhưng mà nó mau chán quá. Vì là một game mô phỏng, nên bạn phải lặp đi lặp lại những hoạt động đó mỗi ngày mà không có điểm nhấn gì cả. Game cũng biết điều đó nên lâu lâu sẽ có một thằng dở hơi nào đó đáp xuống nhà bạn như siêu anh hùng, xong đưa ra mấy cái đòi hỏi dở hơi nào đó mà chúng nó nghĩ ra. Nếu bạn trả lời không vừa lòng chúng nó, chúng nó sẽ quăng vào mặt bạn 1 cái buff xấu để làm khốn khổ bạn và ngược lại. Nhưng đó là tất cả những gì mà game làm được.
Âm nhạc và âm thanh cũng là một điểm trừ to tướng. Không có tí gì là eSports nếu bạn nghe hết đống âm nhạc trong này, kể cả khi đang thi đấu các trận đấu. Một giai điệu đều đều dễ ngủ, điểm xuyết một vài âm thanh be bé xinh xinh là không đủ để cứu vớt cái sự thất vọng trần trề mà game đem lại. Mà thôi, cái đó chúng ta cũng không nên đòi hỏi nhiều.
Túm cái quần lại, eSports Life Tycoon là một con game thú vị để bạn có thể hiểu hơn về ngành nghề eSports. Có thể ví game này như một cuốn sách dạy căn bản cho ai muốn học hỏi vận hành một đội tuyển eSports chuyên nghiệp là như thế nào. Nếu bạn theo đuổi ước mơ chuyên nghiệp ngoài đời không được, theo đuổi thành công trong thế giới ảo cũng không phải là một quyết định tồi đâu.
Bạn có thể mua game tại đây.
Cấu hình tối thiểu để chơi:
- Hệ điều hành: Windows 7
- CPU: Intel core i3
- Bộ nhớ: 2 GB RAM
- VGA: 1GB VRAM
- DirectX: Version 9.0
- HDD: 4 GB