Đánh giá PixARK: Lời giải bất ngờ cho bài toán khi Minecraft cộng ARK sẽ thành cái của nợ gì - PC/Console

PixARK hội đủ mọi điều kiện thuận lợi để được chú ý ngay từ khi chưa ra mắt. Không cần những lời hoa ngôn xảo ngữ khiến người ta cảm thấy vô cùng dị ứng, Snail Games chỉ cần một động tác võ thuật nho nhỏ, đại khái như khi Minecraft gặp ARK: Survival Evolve sẽ cọ sát ra phản ứng hóa học gì. Tự khác người ta sẽ tò mò sau đó quan tâm xem PixArk thật ra là cái đồ chơi gì?

PixARK hội đủ mọi điều kiện thuận lợi để được chú ý ngay từ khi chưa ra mắt. Không cần những lời hoa ngôn xảo ngữ khiến người ta cảm thấy vô cùng dị ứng, Snail Games chỉ cần một động tác võ thuật nho nhỏ, đại khái như khi Minecraft gặp ARK: Survival Evolve sẽ cọ sát ra phản ứng hóa học gì. Tự khác người ta sẽ tò mò sau đó quan tâm xem PixArk thật ra là cái đồ chơi gì?

Về cơ bản PixARK sẽ khiến người ta hài lòng bởi bản thân trò chơi hoàn thành được những gì mà nó hứa hẹn trước khi ra mắt. Thực tế lời hứa hẹn này cũng không có gì phức tạp, đầu tiên chính là phong cách đồ họa đậm chất Minecraft với những khối vuông ở mọi nơi cùng một thế giới mở “tương đối” rộng lớn. Vì sao không phải rộng lớn mà là “tương đối” rộng lớn? Cái này nói đơn giản thì đơn giản, phức tạp thì phức tạp theo thiển ý của Mọt tui, các bạn hãy trải nghiệm để có câu trả lời hợp lý nhất cho bản thân. Kế đến chính là nội dung cốt truyện không có gì phức tạp khi giống y xì như các bản ARK trước đây khi kết hợp với các yếu tố sinh tồn khắc nghiệt của thời tiền sử. Kết quả cuối cùng là Snail Games hoàn thành lời hứa của họ còn game thủ có một món ăn chơi tương đối tròn vị khi trải nghiệm quá trình tay trắng tạo dựng nghiệp từ lúc học cách tạo ra lửa cho đến khi đứng trên đỉnh cao nhất của chuỗi thức ăn thời viễn cổ để tiếu ngạo giang hồ.

Cứ spin-off đều là đồ dỏm?

Trong giai đoạn Early Access, PixARK từng bị chê lên chê xuống vì nhiều lý do. Một vài lý do bất khả kháng như “cọp dê” nguyên xi nội dung của Ark sau đó mông má tí ti rồi bán với giá một game hoàn toàn mới. Cái này thì không tránh được bởi bản spin-off thì kiểu gì cũng bị chê là thiếu sáng tạo hay tệ hơn là như đã nói ở trên. Tình huống này càng tệ hại hơn khi NSX của trò chơi là Snail Games, một hãng làm game chưa bao giờ được đánh giá cao với những phần ngoại truyện ăn theo của mình. Lại nói về khoản hút máu người dùng, lịch sử đầy máu và nước mắt của ngành công nghiệp game đã chứng minh đôi khi phần spin-off còn được đánh giá cao hơn bản chánh thức. Chúng ta có thể điểm qua những tựa game như World of Warcraft, Persona, Rune Factory, Super Mario Bros., Final Fantasy Tactic hay The Sims. Toàn những game vốn dĩ chỉ là những bản mở rộng với chủ định hút thêm tí tiền từ danh tiếng của người đi trước. Bất ngờ thay nó lại nổi tiếng, có sức sống riêng và thậm chí còn khiến người ta quên luôn đây chỉ là hàng diễn sinh từ tác phẩm gốc.

Đánh giá PixARK: Lời giải cho bài toán khi Minecraft cộng ARK sẽ thành cái giống gì

Lý thuyết là như vậy nhưng ngoại trừ vài trường hợp nổi tiếng ở trên, đại đa số các phần ngoại truyện đều không có được sức ảnh hưởng mạnh mẽ hay tệ hơn là bị chỉ trích nếu nó không khác biệt mấy so với bản gốc. Có những NSX lừng lẫy như Ubisoft, EA, Activison… cũng từng dính các phốt như vậy và bị cộng đồng chửi cho tối tăm mặt mũi thế nên Snail Games có ngại gì vết bẩn khi con hàng này tại thị trường đại lục vốn đã có tiếng xấu đầy rẫy về các phi vụ xào nấu sản phẩm cũ để kiếm thêm thu nhập. Thực tế Snail Games là một ông lớn với những bom tấn như Age of Wushu (Cửu Âm Chân Kinh), Taichi Panda (Hùng Miêu Thái Cực), Dark & Light, Cửu Dương Thần Công… nhưng thằng cha này cũng không ngại sự chỉ trích để cho ra lò một loạt game sida nhưng có sức hút tiền cực kỳ kinh người, khiến thiên hạ cảm thán không thôi.

Trở lại với vai chính của ngày hôm nay, PixARK do đội ngũ Snail Games USA sản xuất và phát hành nhưng có nguồn tin cho rằng chi nhánh tại Huê Kỳ lẫn công ty tại mẫu quốc đã thống nhất với nhau về rất nhiều quan điểm. Trong đó chắc chắn bao gồm tư tưởng thực hiện phần ngoại truyện với xu hướng sao chép y xì bản gốc rồi thêm thắt chút đỉnh gọi là, sau đó tung ra thị trường. Chẳng vì thế mà có rất nhiều điểm bất cập trong giai đoạn Early Access, không biết bây giờ đã được chỉnh sửa lại hay chưa nếu đã thay đổi thì tốt cho cả NSX lẫn người mua, còn không thì cũng đành chịu vậy. Chưa kể đến vụ rớt khung hình thường xuyên, điều đầu tiên phải than phiền chính là giao diện người dùng (UI/User Interface) quá sức thiếu thân thiện và rối rắm. Không rõ các NSX có thử trải nghiệm game của họ hay không và nếu có hẳn là băng nhóm này bị bức hại vọng tưởng chứng rất nặng nề khi thiết kế menu chồng menu khiến việc truy xuất các tính năng quả thật là một cơn ác mộng.

Đánh giá Phantoms: Tang Dynasty, làm bạn cùng yêu quái giữa Đại Đường thịnh thế
Đánh giá Phantoms: Tang Dynasty, làm bạn cùng yêu quái giữa Đại Đường thịnh thế
Phantoms: Tang Dynasty hay Thần Đô Dạ Hành Lục là tựa game nhập vai hành động hấp dẫn được phát triển và phát hành bởi NetEase.

Là tựa game sinh tồn kết hợp xây dựng, hiển nhiên các thao tác hành động phức tạp lẫn số lượng vật liệu khổng lồ là chuyện game thủ phải tiếp cận hàng ngày. Thế nên không có gì vui khi bạn phải nhấn nút tới 50 lần mới mở được kho vật liệu xây dựng và mất cũng chừng đó lần thao tác để xây cái đống vật liệu trên thành những thứ bản thân mong muốn. Thiệt tình, biết điều này có nghĩa gì không hỡi các huynh đệ thiện lành? Tức là người ta phải mất gần 1/3 thời gian trong game cho mỗi lần chơi chỉ để loay hoay với các nút bấm khi muốn thu thập nguyên liệu, chế tạo trang bị, quản lý kho hàng, thăng cấp nhân vật và mọi tính năng khác trong PixARK. Đó thật sự không phải là trải nghiệm vui vẻ gì kể từ khi được trải nghiệm sớm Factorio vào năm 2016. Những tưởng cái vụ menu rối rắm đã trở thành bài học kinh điển cần phải tránh cho các game sinh tồn nhưng kỳ lạ thay thỉnh thoảng vẫn có đứa sụp hố.

Người mới sẽ không ưa

Yếu tố gì được người ta mong chờ khi nghe đến cái tên thể loại game sinh tồn? Môi trường kém thân thiện, kẻ thù đông đảo và mạnh mẽ, vật tư ít ỏi cùng cuộc sống quá khắc nghiệt cho mọi người. Có nhiều yếu tố khác nhau nhưng chung quy đều sẽ xoay quanh việc tìm thức ăn và nước uống để duy trì sức khỏe cũng như thu thập những thứ hữu dụng xung quanh để giúp cho chỉ số cơ thể không rơi vào tình trạng báo động. Nhìn chung PixARK làm tốt vụ này nhưng thứ khiến người ta không hài lòng chính là sự lười biếng của NSX khi họ rất ít khi giải thích về những gì PHẢi làm để không CHẾT. Người chơi bị íem vào một thế giới lạ hoắc mà không có BẤT KỲ lời cảnh báo hay giải thích nào. Ừ thì cũng có vài cái notification để nhắc nhở điều khiển hành động này cần nhấn nút nào nhưng tổng thể không có gì thật sự hữu ích ngay cả một thanh HUD cũng không có. Cũng chính vì sự kiệm lời này, người ta sẽ hoang mang khi bất ngờ nhận thông báo bản thân bị đói trong khi một giây trước đó, không có dấu hiệu gì cảnh báo về việc này cả.

Đánh giá PixARK: Lời giải cho bài toán khi Minecraft cộng ARK sẽ thành cái giống gì

Hoặc bất chợt người ta sẽ nhận được thông báo nhiệt độ cơ thể đang quá nóng hoặc lạnh nhưng lại vô cùng hoài nghi nhân sinh khi chẳng có gợi ý gì về cách để tăng hay giảm nhiệt độ cơ thể xuống. Với những cựu chiến binh game sinh tồn, mấy chuyện đó chỉ là muỗi khi cứ chạy lanh quanh và kiếm thứ gì đó đốt lên sưởi ấm hay tìm nước uống giải nhiệt. Nhưng xin nhớ cho, thương hiệu ARK chưa bao giờ là một game sinh tồn kén người chơi, kiểu như pro chặt chém là phải chơi Souls-like trong khi đại đa số có thể hài lòng với Devil May Cry. ARK là game sinh tồn thế giới mở với độ khó thân thiện với mọi cấp độ game thủ. Dân chuyên cày có thể xây dựng cả một đế quốc sau chuỗi ngày cày cuốc nhưng bình dân bá tánh vẫn có thể đi lòng vòng ngắm cảnh chỉ để thỏa mãn thú vui điền viên. Vả bây giờ PixARK một bản game thậm chí có mặt trên nền tảng di động lại chơi khó người mới kiểu này thì quả thật là kỳ lạ.

Một kiểu chơi khó kinh điển trong game sinh tồn nữa chính là việc hiển thị nguyên vật liệu cần thiết nhưng méo giải thích là cái đồ quỷ yêu đó có thể tìm thấy ở đâu, tìm thấy bằng cách nào hay khu vực phân bố. Ví dụ đơn giản nhất của vụ này chính là cỏ. Nếu Minecraft cho phép cỏ mọc lại theo một cách khá đơn giản để người ta thu thập thì dù có cái vỏ trông cũng hơi giống sản phẩm của Mojang nhưng cỏ của PixARK lại khó thu thập hơn rất nhiều. Thậm chí trong giai đoạn Early Access có rất nhiều những bài viết được tạo ra chỉ để hỏi xem làm cách nào để thu thập cỏ vì chúng không bao giờ mọc trở lại. Cách thu thập cỏ của cái game này cũng là một chuyện khiến người ta muốn đem NSX đi trầm lồng heo. Tại sao không đơn giản là cầm liềm lên và gặt cỏ cho nó nhanh, tại sao khi thu hoạch cỏ bắt buộc phải dùng tay không, tại sao chuyện đó không được ghi lại trong phần hướng dẫn tân thủ, tại sao cứ thích làm khó lẫn nhau. Khi trò chơi có quá nhiều câu hỏi tại sao cần giải đáp, với tỉ lệ hiếm hoi đó có thể là bom tấn AAA nhưng phần lớn kết quả chỉ khiến người ta thất vọng vì đã hy vọng quá nhiều.

Nhưng kẻ cũ lại yêu thích

Tuy kém thân thiện với người mới nhưng nếu xét ở một góc độ khác, đặc biệt khi bản thân game thủ chính là một dân chuyên nghiệp từng kinh qua nhiều game sinh tồn hoặc thế giới mở, PixARK lại cho thấy một sự quyến rũ nhất định trong lối chơi được cân đối vừa phải cho những tay già đời. ARK là một tân thủ thôn an toàn khi nó ném người ta vào một khu vực bình yên, có đủ thời gian để làm quen cùng những “người bạn” mới, cường hóa bản thân sau đó khiêu chiến những cực hạn cao hơn. PixARk thì không tốt như vậy, bản đồ được tạo ngẫu nhiên và có tỉ lệ rất lớn nó sẽ ném người ta vào ngay giữa hắc điếm một nơi tràn đầy các sinh vật cấp cao, hung dữ và dĩ nhiên sau vài chục lần thử cầu sinh trong khe hẹp, bạn chẳng còn cách nào khác là nuốt nước mắt cho lòng nhẹ nỗi đau và xóa save chơi lại map mới cho nó lành. Tất nhiên không tới nỗi vừa vào đã rớt ngay hang của boss nhưng cũng chẳng kém cạnh bao nhiêu đâu nếu hôm đó người ta lỡ đi vệ sinh chưa rửa tay mà ngồi vào chơi game ngay hoặc nhân phẩm quá kém hay vận khí không đủ sung túc chẳng hạn.

Đánh giá PixARK: Lời giải cho bài toán khi Minecraft cộng ARK sẽ thành cái giống gì

Bất chấp cái vụ mỗi lần tạo game cứ như một lần khui Vietlott, với các cựu chiến binh đây vẫn là một game để họ mê mẩn, kiểu như khi những chất được sử dụng như những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài khiến chúng bị hấp dẫn hay nói tiếng người chính là sự quyến rũ đầy thú tính của game đồ họa dạng khối (blocky graphic). Hay đó là kiểu hấp dẫn có liên quan đến âm nhạc cùng những thành tựu đạt được trong quá trình tiến hóa. Cũng như khi chơi Civilization vậy, từ thời kỳ mông muội ăn dơ ở bẩn, đến đồ đá khá hơn chút nhưng vẫn dơ bẩn đến đồ đồng, đồ sắt, đồ ve chai, nhìn chung vẫn là bẩn. Cái cảm giác tang thương từng trải khi nhìn từng thời đại, từng kỷ nguyên trôi qua trong khi từng quyết định bản thân dù đã suy tính thiệt hơn rất nhiều nhưng đôi khi chẳng khác gì đánh cuộc với lịch sử nó vô cùng khó tả. PixARK không phải Civilization nhưng theo cách nào đó, cả hai đều mang đến cho người chơi góc nhìn của thượng đế và cảm giác từng trải đầy thú vị.

Tất nhiên PixARK không phải là bom tấn hay nói chính xác hơn nó còn chẳng phải là một game tốt để giải trí bởi có cảm giác các NSX làm ra game nhưng chưa từng cân nhắc đến khả năng thích ửng của các đối tượng game thủ khi trải nghiệm. Một số yếu tố rất tuyệt trong khi nhiều thứ khác chỉ tổ khiến người ta gỡ cài đặt trong lần đầu tiên trải nghiệm nhưng nếu là một tay chinh chiến lành nghề trong Minecraft hay cực độ ưa thích game sinh tồn, đây chắc chắn là món ăn hợp gu không thể bỏ qua.

Phát hành: Snail Games USA

Phát triển: Snail Games USA

Ra mắt: 27 tháng 3 năm 2018

Đánh giá trên: PS4

Nền tảng khác: Xbox One, Nintendo Switch, PC, Android

Đánh giá PixARK: Lời giải bất ngờ cho bài toán khi Minecraft cộng ARK sẽ thành cái của nợ gì

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e