Có phong cách chơi khá giống như Outlast, nhưng cốt truyện của The Beast Inside lại vô cùng phức tạp khi nó để bạn phải chiến đấu với chính bản thân mình.
Thể loại kinh dị tâm linh chắc chắn không phải là thứ gì đó xa lạ với phần đông game thủ, nhưng nếu chỉ xoay quanh các con ma và những thế lực bí ẩn mãi thì nó cũng sẽ nhàm, do đó The Beast Inside đã thay đổi một chút khi kết hợp nhiều phong cách lại với nhau. Tựa game này có một lối tương tác đặc biệt khi nó cho phép vào vai 2 nhân vật cùng lúc, với các nút thắt cực kỳ hack não và đặc biệt nhất là chúng ta sẽ vừa là nhân vật chính vừa là kẻ thủ ác cùng một lúc.
Cốt truyện xoắn não xuyên thời gian
The Beast Inside là câu chuyện kể về nhân vật chính Adam Stevenson – một chuyên viên giải mã của CIA đang có một chuyến đi nghỉ dưỡng cùng cô vợ đang mang thai Emma, bọn họ rời bỏ ngôi nhà ở thành phố Boston để quay trở về miền quê, nơi có một căn nhà nhỏ do bố mẹ của Adam để lại làm của hồi môn mừng sự ra chào đời của đứa cháu nội sắp ra đời. Căn nhà này trông bề ngoài hoàn toàn bình thường, cho tới khi Adam nhận ra nó có rất nhiều đồ vật, thư tịch cũng như các mật mã cổ được lưu lại từ hàng chục năm trước… máu nghề nghiệp của một chuyên viên CIA nổi lên khiến Adam tò mò tìm hiểu những thứ này, mà không nhận ra mình đang tự mở lối cho quỷ dữ tiến vào.
Nhưng Beast Inside không chỉ có mỗi một mình Adam là nhân vật chính, người chơi sẽ điều khiển song song một người nữa là Nicolas Hyde – chủ cũ của mảnh đất cũng như căn nhà gỗ. Tuy vậy Adam đang sống vào năm 1979 trong khi đó Nicolas thì lại là người của thế kỉ 19, cách biệt hơn 100 năm và sắp xếp này tạo ra một chiều không gian quái dị, khi người chơi sẽ liên tục đổi góc nhìn giữa hai nhân vật chính.
Ngay ở đoạn khởi đầu, The Beast Inside đã tạo ra tình huống rất kì lạ, khi Emma bị trói chặt trên ghế còn góc nhìn của người chơi lại là của một tên sát nhân dính đầy máu. Điều kì lạ nhất là có vẻ như Emma đang cố gắng gọi tên của Adam, nhưng đến cuối cùng tất cả những gì đáp lại chỉ là một cú chặt tàn khốc. The Beast Inside có thể coi như một game giải đố và phá án, vì ngay sau khi chuyển sang Nicolas Hyde, người chơi sẽ nhận ra nhân vật này từng bị bạo hành và đánh đập khi còn nhỏ, cũng như chỉ vừa mới trở về từ viện tâm thần.
Do góc nhìn của cả hai nhân vật chính thường xuyên bị biến đổi, nên sẽ có rất nhiều khoảng lặng mà chúng ta không thể biết được chuyện gì đã xảy ra. Một điều khó hiểu nữa là mặc dù chỉ sống một mình, nhưng cả Adam lẫn Nicolas đều thường xuyên gặp các hiện tượng khó hiểu, với vô số vết máu dẫn xuống nhiều khu vực trong ngôi nhà.
Trong quá trình chơi bạn sẽ có cảm giác là hình như còn một kẻ sát nhân khác đang lẩn khuất đâu đây, chính hắn mới là thủ phạm gây ra các tội ác ghê rợn này, nhưng càng đào sâu kí ức của Nicolas chúng ta mới thấy điều ngược lại. Có vẻ như “nhân vật chính” trong The Beast Inside không đơn giản chỉ là những kẻ bị hại, mà ngược lại chính họ mới là nguồn cơn của mọi chuyện.
Lối chơi ôm đồm quá nhiều thứ
The Beast Inside không giống như các game kinh dị sinh tồn thông thường, mà nó giống như một kiểu kết hợp giữa chạy trốn và giải đố. Về cơ bản thì cả 2 nhân vật chính Adam và Nicolas gần như không có khả năng chiến đấu, khi gặp các tình huống nguy hiểm thì việc làm thường xuyên của bọn họ là chạy trốn hoặc sử dụng các dụng cụ xung quanh nhằm thoát hiểm. Ngôi nhà gỗ này giống như một món đồ chơi khổng lồ, khi nó chứa rất nhiều đồ vật bí ẩn, các cánh cửa đóng kín cũng như hàng đống câu đố chưa có lời giải.
Do bạn phải chuyển đổi góc nhìn giữa hai nhân vật, nên các câu đố cũng theo đó mà liên quan lẫn nhau. Giả dụ như Adam không biết tại sao trên bức tượng trong phòng có một vệt máu đã cũ, thì khi chuyển sang Nicolas chúng ta sẽ biết đó là hậu quả trong một lần nóng giận bố cậu đã ném một món đồ vào con mình, ban đầu nó có một cặp dính liền nhau nhưng sau sự kiện đó đã bị gãy đôi ra, phần còn lại thì tùy vào đầu óc phán đoán của người chơi.
The Beast Inside sử dụng rất nhiều câu đố liên quan tới bộ chữ La-tinh cổ, nó yêu cầu bạn phải đối chiếu thứ tự và chuyển sang phiên âm ABC hiện đại, điều này khiến cho việc giải đố trở thành một trò phối hợp song song. Ngược lại trên cương vị là một chuyên viên CIA, bản thân Adam cũng sẽ gặp các đoạn mật khẩu đặc biệt, thí dụ như dùng mã morse để định vị và mở cánh cửa dưới tầm hầm thông qua một cái máy đánh chữ. Độ khó của việc giải đố trong The Beast Inside là vô cùng lớn, vì bạn phải nắm rõ thông tin 2 chiều từ cả 2 nhân vật mới có thể làm được.
Như đã nói sự hiện diện của “con ma” trong The Beast Inside là rất mơ hồ, nó giống như các ảo giác do Adam và Nicolas tưởng tượng ra. Cách thức hù dọa trong The Beast Inside thiên hoàn toàn vào việc tạo ra các ảo ảnh cho người chơi, nhưng nó có vẻ quá lạm dụng chuyện này thí dụ như tiếng đập cửa do quạ kêu, tiếng đổ vỡ loảng xoảng từ trên lầu hoặc những âm thanh loạt soạt như da thịt bị kéo lê trên sàn… Hơn nữa những pha giật mình trong game chủ yếu đến từ các đoạn Jumpscare, thường thấy nhất là các bóng trắng đột nhiên xuất hiện, các đồ vật di chuyển bất ngờ hay tiếng động phát ra đột ngột.
Chính vì điều này mà ở nửa sau của game, khi mà người chơi đã bắt đầu ngờ ngợ ra xuất xứ của con ma trong The Beast Inside thì độ hù dọa của nó bị giảm đi đáng kể. Một điều nữa là mặc dù được quảng cáo là game hành động, nhưng phần này lại chiếm quá ít và mảng “hành động” thực ra cũng chỉ là cầm một khẩu súng lục 6 viên lên bắn vài phát mà thôi. Nếu như khó tính hơn nữa thì bạn sẽ cảm thấy hình như các nhà phát triển đang lẫn lộn giữa game giải đố và game kinh dị, khi mà phần giải đố thì được chăm chút quá nhiều so với mảng hù dọa.
Lồng tiếng và âm nhạc cực tốt
Có một điểm phải khen The Beast Inside là phần âm nhạc và lồng tiếng của nó thực sự rất đỉnh, giọng nói của Adam luôn toát ra vẻ trào phúng và tò mò, đậm chất một đứa trẻ to xác đang muốn tìm đồ chơi (gợi mở về nghề nghiệp của anh ta là chuyên viên giải mật mã), trong khi đó thì Nicolas lại là lo lắng, bất an và nghi ngờ – tương ứng với quá khứ bị bạo hành của mình. Mặc dù hầu hết thời gian chúng ta sẽ chỉ nghe hai nhân vật chính tự độc thoại, nhưng nhịp game sẽ không bao giờ chậm đi mà còn có cảm giác rất hồi hộp, giống như trong đêm tối nghe chuyện ma vậy.
Phần âm nhạc trong The Beast Inside cũng làm tốt nhiệm vụ của nó, các bản nhạc giao hưởng sẽ đột ngột nổi lên ở những lúc bạn không ngờ tới, với âm điệu rất cao và càng lúc càng dồn dập, tạo ra cảm giác rằng ở nốt cuối sẽ có thứ gì đó nhảy thẳng tới trước mặt chúng ta. Kết hợp các bản nhạc này vào một cánh cửa tối om, thì đôi khi trống ngực của bạn sẽ đập với tốc độ còn hơn là đang chạy 100 m nữa.
Nhìn chung thì The Beast Inside là một game có tiềm năng và cách phát triển lối chơi rất sáng tạo, nhưng với việc là một dự án kêu gọi vốn từ Kickstarter thì nó vẫn bị dính phải các lỗi phổ biến đó là quá ôm đồm, cũng như nhồi nhét nhiều nội dung vào nhau một cách không cần thiết. Dù sao thì nếu bạn là một người yêu thích thể loại kinh dị giải đố, cũng như muốn trải nghiệm một cốt truyện hack não hết mức có thể thì The Beast Inside vẫn là lựa chọn rất tốt đó.
- Hệ điều hành: Windows 64-bit Windows 7 / 64-bit Windows 8 / 64-bit Windows 10
- CPU: Intel Core i3-4160 hoặc AMD Phenom II X4 955
- RAM: 8 GB
- VGA: 2GB / Radeon R9 200 Series hoặc Nvidia GeForce GTX660
- DirectX: Version 11
- HDD: 40 GB còn trống
–
Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e