Mỗi năm, gã khổng lồ EA lại tung ra hàng chục tựa game mới thuộc đủ mọi thương hiệu khác nhau, rất nhiều trong số đó là những con gà đẻ trứng vàng như các tựa game thể thao hay các tựa FPS được xây dựng xoay quanh tính năng microtransaction. Nhưng số lượng game mà họ có thể phát hành sẽ còn nhiều hơn nếu như EA không hạ gục hàng loạt thương hiệu game từng hết sức nổi danh trong quá khứ. Trong bài viết này, Mọt sẽ điểm lại tất cả những “chiến tích” của EA trong quá trình hoạt động của mình, như một cách để tưởng nhớ những dòng game và những studio vang bóng một thời đó.
Westwood
Được thành lập vào năm 1985 dưới tên gọi Westwood Associates, nhà phát triển nhỏ này đổi tên thành Westwood Studios vào năm 1992. Trong khoảng thời gian 13 năm hoạt động từ 1985 đến 1998, họ tạo ra một vài tựa game khá thành công và vì thế rơi vào “mắt xanh” của EA: nhà phát hành này nhảy vào mua lại Westwood vào năm 1998.
Tuy nhiên như các bạn đã biết, khi rơi vào tay EA, Westood chỉ tồn tại thêm được nửa thập kỷ. Sau khi tựa game FPS Command & Conquer: Renegade ra mắt vào năm 2002 thất bại, EA đóng cửa luôn studio này.
NuFx
Một cái tên lạ hoắc với đại đa số game thủ Việt, nhưng sẽ khá quen với game thủ Mỹ nơi bộ môn bóng rổ rất được yêu thích. Đây là studio có trụ sở tại Chicago từng làm ra nhiều tựa game bóng rổ như NBA Street, NBA Live… Tổng cộng 15 tựa game do NuFx phát triển đều được phát hành bởi EA và chúng đều có những thành công không lớn thì nhỏ.
Dù có thành tích tốt vậy nhưng đến năm 2004, studio này bị EA sáp nhập vào EA Chicago. Chỉ một năm sau đó, EA lại giải tán luôn EA Chicago và từ đó đến nay, các game bóng rổ NBA được phát triển bởi nhiều studio khác trong nội bộ EA dưới thương hiệu chung EA Sports.
Bullfrog Production
Vào thời Mọt mới biết chơi game, “ếch bò” là một cái tên rất được yêu thích bởi những tựa game hấp dẫn thuộc hai series Populous và Dungeon Keeper. Trong đó, Populous được xem là tựa game đầu tiên cho game thủ vào vai thần thánh (God game), còn Dungeon Keepers hấp dẫn game thủ khi nó cho họ làm kẻ xấu.
Sau 8 năm tồn tại độc lập (1987-1995) trong vai trò đối tác với EA, Bullfrog bị EA mua lại và tiếp tục phát triển game được vài năm trước khi bị sáp nhập với EA UK vào năm 2001. Kể từ đó đến nay họ “tắt đài” hẳn, chúng ta hoàn toàn không còn được nghe về Bullfrog hay những Populous, Dungeon Keepers nữa.
Playfish
Lại là một cái tên lạ hoắc nữa đúng không? Playfish là một studio nhỏ được thành lập vào năm 2007 và chỉ tồn tại để làm game free to play trên mạng xã hội. Các tựa game của họ từng rất thành công, thu hút được khoảng 55 triệu người dùng mỗi tháng trong thời kỳ đỉnh cao, và bị EA mua lại vào cuối năm 2009. Sau bốn năm chung nhà với EA, bốn nhà sáng lập Playfish rời khỏi studio của mình vào tháng 2/2013, và chỉ bốn tháng sau đó EA đóng cửa luôn studio này. Những tựa game của họ cũng bị EA cho ngừng hoạt động vào tháng 7 và tháng 9/2013.
Origin Systems
Đây là studio đứng đằng sau những tựa game Ultima, trong đó có Ultima Online (1997) – kẻ đặt nền móng cho thể loại MMORPG hiện đại. Studio này được hai anh em Richard và Robert Garriott thành lập vào năm 1983 và bị EA mua lại vào năm 1992 chính vì thành công của các tựa game Ultima “offline”.
Sau khi Origin Systems được EA mua lại, studio này mới làm ra Ultima Online thành công rực rỡ. Tuy nhiên cũng chính vì thành công này mà EA quyết định buộc Origin Systems chỉ được làm game online sau khi Ultima 9 được hoàn thành vào năm 1999. Tuy nhiên chỉ trong vòng một năm sau quyết định đó, họ hủy hết các dự án mà Origin Systems đang phát triển bao gồm Ultima Online 2, Privateer Online, Harry Potter Online, khiến nhà sáng lập Richard Garriot rời studio để lập công ty mới. Kể từ thời điểm này, Origin chỉ tồn tại để phát triển Ultima Online trước khi bị EA đóng cửa vào năm 2004.
Phenomic Game Development
Studio này được thành lập vào năm 1997 và được biết đến với hai series The Settlers và SpellForce, trước khi bị EA mua lại vào năm 2006. Sau khi bị mua lại, studio đổi tên thành EA Phenomic và bắt tay vào việc phát triển một vài tựa game RTS cho EA như BattleForge, Command & Conquer: Tiberium Alliance và Lord of Ultima trước khi bị đóng cửa vào năm 2013 do EA muốn tái cấu trúc các studio của mình.
Black Box Games
Black Box Games được thành lập bởi các cựu binh của Radical Entertainment vào năm 1998 và là tác giả của nhiều tựa Need For Speed hấp dẫn như Undergrounds 1 – 2, Most Wanted, Carbon… Đa số các tựa game này được phát triển sau khi EA mua lại họ vào năm 2002. Đến năm 2008, Black Box Games được chuyển trụ sở đến ở chung với EA Canada, rồi đổi tên thành Quicklime Games vào năm 2012 trước khi đóng cửa một năm sau đó.
Victory Games
Studio này là kẻ “yểu mệnh” nhất trong lịch sử của EA, nên có thể bạn chưa từng nghe về họ. Victory Games được EA thành lập vào năm 2011 để phát triển Command & Conquer: Generals 2, sau đó dự án này bị tạm ngừng, bị chuyển thành game online free to play trước khi bị hủy bỏ. Bởi Generals 2 không còn tồn tại, EA cũng không cần Victory Games và đóng cửa studio này vào tháng 10/2013.
Mythic Entertainment
Studio này khác với tất cả các studio trước bởi họ được tạo ra khi hai studio Adventures Unlimited Software Inc. và Interesting System Inc. sáp nhập vào năm 1995. Họ là tác giả của tựa MMORPG The Dark Age of Camelot (2001), một cái tên nổi tiếng trong cộng đồng MMORPG. EA nghĩ rằng Mythic có thể tạo ra một cái tên đủ sức cạnh tranh với World of Warcraft nên nhảy vào mua lại studio này vào năm 2006 và đổi tên studio thành EA Mythic.
Với cái tên mới, Mythic tung ra Warhammer Online rất thành công vào năm 2008 trước khi bị EA sáp nhập với BioWare để một lần nữa đổi tên thành BioWare Mythic. Đến tháng 11/2009, Mythic bị đưa vào diện cắt giảm nhân sự rồi tiếp tục hoạt động thêm vài năm trước khi bị đóng cửa vào năm 2014.
Dreamworks Interactive
Studio này được Microsoft và DreamWorks SKG thành lập vào năm 1995, nổi tiếng với Medal of Honor (1999). Sự thành công của MOH khiến EA chú ý và lời đề nghị mua lại studio của họ được Microsoft và DreamWorks SKG chấp thuận.
Trong tay EA, Dreamworks Interactive có một quãng thời gian hoạt động khá dài và hai lần đổi tên thành EA Los Angeles rồi Danger Close, nhưng vẫn tiếp tục phát triển Medal of Honor. Tuy nhiên sau khi Medal of Honor: Warfighter thất bại vào năm 2012, EA tuyên bố họ tạm dừng phát triển series này và đóng cửa Danger Close vào năm 2013.
EA Salt Lake
Có tên gốc là Headgate Studios khi được thành lập vào năm 1992, studio này có một lịch sử khá lận đận khi ban đầu chỉ làm phần mềm, sau đó chuyển sang làm game khi được Sierra On-Line mua lại vào năm 1996. Studio này “chuyên trị” thể loại đánh golf trên PC với một loạt game mang thương hiệu Tigerwood trước khi bị EA mua lại vào năm 2006 và đổi tên thành EA Salt Lake để phát triển game cho Wii.
Trong tay EA, studio này trải qua hai lần chuyển nhà và ba lần chuyển định hướng phát triển game (Wii, casual, mobile) trước khi bị đóng cửa vào tháng 4/2017.
Maxis Software
Maxis được Will Wright thành lập vào năm 1987 và nhanh chóng nổi tiếng nhờ series game xây thành phố Maxis, trong đó có bản SimCity 2000 (ra mắt năm 1993) mà Mọt tui từng rất thích trên SNES. Tuy nhiên đến năm 1997, họ phải bán mình cho EA sau một vài tựa game không được thành công như The Crystal Skull, SimCopter, Crucible, Full Tilt!, Pinball.
Sau khi đến với mái nhà mới, Maxis tập trung vào việc phát triển The Sims, một canh bạc lớn của công ty bởi nó hoàn toàn không giống với bất kỳ tựa game nào khác trên thị trường. The Sims thành công lớn khi ra mắt vào năm 2000 và cứu Maxis khỏi việc bị sáp nhập, nhưng đến năm 2004, họ vẫn được chuyển đến trụ sở EA tại Redwood City.
Sau The Sims, Maxis tập trung vào Spore và như bạn đã biết, đây là một thất bại của Maxis, khiến Will Wright phải rời studio một năm sau đó. Maxis tiếp tục phát triển các dòng game cũ như The Sims và SimCity, nhưng đến năm 2015 studio chính của Maxis bị đóng cửa, một vài nhân sự còn lại được chuyển qua làm cho EA Mobile.
Visceral Games
Đây là một trong những vụ đóng cửa gần đây nhất và để lại cho game thủ nhiều tiếc nuối nhất. Visceral được biết đến với thương hiệu Dead Space, và cũng là một trong những nhà phát triển đầu tiên đưa các tính năng microtransaction vào một tựa game AAA 60 USD (Dead Space 3) dưới sức ép của nhà phát hành EA.
Sau khi Dead Space 3 thất bại, Visceral vẫn còn tồn tại thêm một thời gian để phát triển dự án Star Wars có tên mã “Project Ragtag,” nhưng rồi EA cũng hủy dự án này và đóng cửa studio vào năm 2017. Giờ đây chúng ta đã có Star Wars Jedi: Fallen Order thay thế Project Ragtag trong vai trò là game Star Wars chơi đơn, nhưng game thủ vẫn đầy tiếc nuối vì không còn được thấy một tựa Dead Space mới từ Visceral.
Pandemic Studios
Trước khi những tựa Star Wars: Battlefront mà chúng ta đang chơi hiện nay ra đời, có một (thật ra là hai) Star Wars: Battlefront khác. Cả hai tựa game này đều được phát triển bởi Pandemic Studios và là những tựa game rất được cộng đồng game thủ yêu thích.
Pandemic được thành lập vào năm 1998 với sự đầu tư của Activision, và ngoài Star Wars: Battlefront, họ còn là tác giả của tựa game chiến thuật Army Men: RTS (người lính nhựa) trên PC. Một số tựa game khác của họ bao gồm Destroy All Humans!, Full Spectrum Warrior, Star Wars: Clone Wars…
Đến năm 2007, ông chủ của Pandemic là VG Holding Corp bị EA mua lại, nên Pandemic cũng rơi vào tay EA. Họ kịp hoàn thành thêm ba tựa game nữa là Mercenaries 2: World in Flames, LOTR: Conquest và The Saboteur trước khi bị EA đóng cửa vào năm 2009 trong đợt tái cấu trúc ảnh hưởng đến khoảng 1.500 người.