Game phát hành Early Access là “kế hoãn binh” của các Studio hiện đại

Đây dường như là cách để các nhà phát triển game trì hoãn việc hoàn thiện nội dung của trò chơi nhưng vẫn bán nó ra sớm được.

Vào năm 2013, Steam đã cho phép các nhà phát hành đưa những sản phẩm game của mình trong giai đoạn sản xuất lên Steam Store để người chơi có thể mua và trải nghiệm trước, từ đó thuật ngữ Early Access đã ra đời. Trong quá trình trải nghiệm người chơi có thể thoải mái đóng góp ý kiến để cho nhà phát triển có thể chỉnh sửa cũng như là thay đổi giúp cho mọi thứ hoàn thiện hơn so với phiên bản đầu tiên, ví dụ năm 2017 chúng ta đã chứng kiến được sự hình thành và phát triển của Playerunknown's Battlegrounds. Phải đến gần 1 năm thì trò chơi này mới chính thức dừng Early Access và có phiên bản 1.0

Nhưng ngày nay, Early Access dường như đang bị các nhà phát hành lạm dụng vì có những game kéo dài giai đoạn phát triển đến những 1,2 năm có khi đến 7 năm vẫn không hề có phiên bản chính thức. Điều này khiến cho game thủ không mấy tin tưởng về trò chơi mà họ đã mua, nếu có rủi ro thì người chịu thiệt vẫn là phía các game thủ chứ không phải là nhà phát hành. Những ví dụ về game có thời gian Early Access lâu năm như: DayZ(5 năm), Overgrowth(8 năm), Prison Architect(4 năm)…

Các nhà phát hành đã lợi dụng Early Access để phát hành game sớm hơn và không ngại khoản “lag, bug” vì họ sẽ có những bản cập nhật để chỉnh sửa sau đó. Chính vì mác Early Access mà họ không sợ bị than phiền hay chê bai vì đơn giản game của họ vẫn đang “trong giai đoạn phát triển”. Suy cho cùng thì việc để một tựa game Early Access quá lâu là điều khó chấp nhận được, người chơi sẽ nghĩ đây là “cú lừa” từ nhà phát hành và không biết đến lúc nào mình mới có thể chơi được phiên bản chính thức.