Legend of Zelda và những điều thấy hơi ”lạ” khi đã trưởng thành – P.2 - PC/Console

Thế giới mở của Breath of the Wild gây liên tưởng mạnh đến Fallout hay The Legend of Zelda chưa chắc là một tựa game dành cho mọi lứa tuổi.

Breath of the Wild là Fallout thời cổ đại với đôi tai nhọn

Cuộc phiêu lưu của Link trong The Legend of Zelda vẫn luôn đem lại cho Nintendo bạc tỷ từ suốt nhiều năm gần đây. Cứ mỗi hệ máy của Nintendo được ra mắt thì nó lại gắn liền với The Legend of Zelda như một thứ gì đó không thể tách rời. Breath of the Wild cũng không ngoại lệ khi sự thành công của tựa game thế giới mở này đã khiến cho hệ máy Nintendo Switch có sự khởi đầu vô cùng tốt đẹp. Như một cơn mưa rào giữa những ngày hè oi bức, trò chơi không chỉ ra mắt đúng lúc để lấy lại niềm tin cho fan hâm mộ sau bản Wii U khá nghèo nàn mà còn mang đến cho cộng đồng game thủ một kiệt tác xuất sắc mà nhiều năm sau thiên hạ vẫn không thể ngừng nhắc đến. Vì sao thế giới mở của Breath of the Wild lại thu hút đến vậy? Thực tế có nhiều lý do giải thích cho vụ này nhưng một trong số đó chắc chắn là cảm giác không thể quen thuộc hơn với những game thủ trưởng thành.

Hay nói một cách đơn giản và dễ hiểu nhất thì theo ý nghĩa nào đó, có thể xem Breath of the Wild là một phiên bản cổ trang của Fallout và thay vì nhân loại bị nhiễm xạ thì chúng ta có những đôi tai nhọn hoắc hay thế cho Nuka-Nuke Launcher chúng ta có Master Sword vậy. Không nghĩ đến thì thôi, khi đã bập vào đề tài này tự nhiên thiên hạ sẽ không thể tự chủ được mà liên tưởng đến nhiều thứ có thể đặt cạnh nhau để xem xét. Thiết lập bối cảnh của cả hai đều xảy ra vài chục năm sau một thảm họa hủy diệt khiến thế giới tan hoang, cùng với đó là những công nghệ tiên tiến được hình thành từ sự chắp vá mà chỉ một số ít người có thể hiểu được. Hai nhân vật chính trong Breath of the Wild và Fallout 4 đều tỉnh lại sau giấc ngủ dài và một yếu tố rất khiên cưỡng, chủ yếu đưa vào đây cho vui là vũ khí sẽ bị hao mòn rồi hư hỏng hoàn toàn thì giống Fallout 3 cùng New Vegas.

Legend of Zelda và những điều thấy hơi ”lạ” khi đã trưởng thành – P.1
Legend of Zelda và những điều thấy hơi ”lạ” khi đã trưởng thành – P.1
The Legend of Zelda thương hiệu mang tính biểu tượng nhưng trong game có những yếu tố khi lớn lên các dân chơi mới cảm thấy không đúng cho lắm.

Nếu phần vũ khí chỉ là sự đùa giỡn thì cơ chế nhiệm vụ của hai thương hiệu có gì đó hơi trùng hợp bởi Sheikah Slate mang nhiều nét tương đồng với PIP-Boy hay bọn Hinox khổng lồ cũng ám ảnh Link như cái cách Behemoths ám ảnh nhân vật chính của dòng Fallout vậy. Nói hai con hàng cùng cha khác ông nội này có nhiều chi tiết giống nhau không phải để hạ thấp kẻ còn lại, chủ yếu là những gì Fallout có thì Breath of the Wild cũng có. Thậm chí sản phẩm của Nintendo còn nâng tầm nhiều tính năng thú vị của dòng game thế giới mở, khiến chúng trở thành vĩnh hằng kinh điển mà sau này có quá nhiều trò chơi khác phải học tập theo. Thế mới nói cùng là game thế giới mở nên có gì đó hơi quen quen hay cảm giác giống nhau là chuyện không thể bình thường hơn nhưng nếu phát huy cái sự có chút giống nhau ấy lên tầm thượng thừa thì ta gọi đó là đỉnh cao vậy!

Các tiên nữ trong game không “tiên” như người ta nghĩ

Mấy bà tiên Great Fairies trong Zelda luôn có gì đó khiến người ta cảm thấy không thoải mái. Đơn cử như Ocarina of Time khi Link thổi kèn theo giai điệu để triệu hồi một bà tại suối nguồn, thay vì một bà lão với vẻ ngoài phúc hậu hay một vị cô nương sắc nước hương trời như em gái nhà đối diện người ta sẽ được chiêm ngưỡng “ cô tiên” với lối trang điểm và phong cách thời trang chả khác gì các nữ vũ công ở sexy show hết. Thế nhưng các NSX tại Nintendo lại cho rằng như vậy còn lâu mới đủ ép phê thế nên trong Breath of the Wild họ đã mang tới một trải nghiệm cực sốc. Hồi nhỏ khi chơi Zelda chắc không ai chú ý tới chuyện này cả, chỉ khi trưởng thành và có trải nghiệm xã hội nhất định rồi thì chúng ta mới cảm thấy mấy vị tiên cô này thật sự có vấn đề. Không phải kiểu vấn đề khiến người ta có chút khó chịu mà vấn đề thật sự nghiêm trọng nếu bạn chịu khó suy nghĩ cẩn thận.

Rõ ràng mấy con yêu phụ đó không thể cứ trú ngụ ở một dòng suối bất tử hay bông hoa khổng lồ và chỉ đơn giản là cung cấp dịch vụ nâng cấp các thể loại cho thím Link. Theo logic suy luận của một nam nhân trưởng thành thì rõ ràng ai cũng biết mấy nữ quái trang điểm lòe loẹt và ăn bận mát mẻ như vậy đóng đô ở chỗ này để làm cái gì rồi. Không chỉ được tạo hình khiến thiên hạ xốn mắt, các đoạn lồng tiếng của những tiên nữ này còn khiến người ta phải nổi da gà vì tiếng cười khúc khích kiểu mấy em gái trà xanh hay làm bộ mặt bên ngoài ngây thơ nhưng trong lòng quỷ quyệt đầy mưu hèn kế bẩn. Có thể khi trưởng thành, đầu óc chúng ta sẽ đen tối hơn bọn nhỏ để nhìn thấy xung quanh các Great Fairies toàn là những vấn đề về giới tính, tình dục hay sự đổi chác thân xác để có được thứ mình muốn. Dù mang vẻ mặt đạo đức như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận những cô tiên khổng lồ này đã bỏ mặc Link kiệt sức tại đó ngay sau khi cuộc giao dịch hoàn tất. Có vẻ rất quen thuộc đúng không?

Mọt tui không phán xét công việc của ai hay ám chỉ kỳ thị phụ nữ nhưng với cái cách gợi tả tình dục đầy lộ liễu qua những phiên bản Zelda khác nhau, thật khó để nghĩ khác khi mà mọi thứ nó cứ ngồn ngộn trước mặt. Khi chúng ta còn nhỏ chúng ta sẽ không hiểu chuyện này mang ý nghĩa gì hay bất quá chỉ cảm thấy có chút kỳ quặc nhưng giờ mỗi khi trải nghiệm Zelda có lẽ phải suy nghĩ thật kỹ từng chi tiết với góc nhìn hắc ám hơn.

Còn tiếp…

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về The Legend of Zelda dưới góc nhìn người lớn
  1. Legend of Zelda và những điều thấy hơi ”lạ” khi đã trưởng thành – P.1
  2. Legend of Zelda và những điều thấy hơi ”lạ” khi đã trưởng thành – P.2