Những ngày qua, câu chuyện về Steam đang trở nên nóng hơn bao giờ hết với game thủ Việt Nam. Với việc các cơ quan chức năng đang nỗ lực thắt chặt quản lý thị trường game Việt, viễn cảnh nền tảng phát hành game lớn nhất thế giới – Steam bị cấm tại Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Như chúng ta đã biết, Steam hiện là cổng phát hành game xuyên biên giới lớn nhất toàn cầu. Hàng năm, doanh thu của Steam có thể lên đến hàng tỷ đô và cộng đồng game thủ Việt Nam cũng đóng góp một phần vào con số này. Theo thống kê chính thức, lượng truy câp từ Việt Nam chiếm khoảng 0,3% tổng băng thông của Steam. So với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines hay Indonesia, lượng truy cập của người Việt vào Steam chỉ thua kém chút ít.
Về thuế, Steam luôn có chính sách cho các vùng lãnh thổ khác nhau. Như thống kê mà các bạn đang xem, Steam đang phải đóng thuế rất cao tại các thị trường như Úc (20%), Bỉ (21%), Cộng hòa Séc (21%) hay Đan Mạch (25%). Tuy nhiên, bảng danh sách này lại không hề có Việt Nam. Bất chấp việc Steam đã tiến hành trợ giá cho người dùng Việt từ năm 2017 (để cạnh tranh với các nền tảng khác) tuy nhiên họ không hề hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Hay nói cách khác, Valve (chủ sở hữu Steam) đang cố tình trốn thuế tại Việt Nam.
"Về chính sách thuế áp dụng cho các nền tảng như Steam, các chuyên gia cho biết, căn cứ để tính thuế là theo Thông tư số 103/2014/TT-BTC. Theo đó, chủ sở hữu của Steam hay Netflix được xem là các tổ chức nước ngoài kinh doanh nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Do đó đây là các đối tượng chịu thuế nhà thầu, gồm các loại thuế cụ thể là thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN)..." (theo Vietnamnet).
Về ý kiến cho rằng các sản phẩm trên Steam là phần mềm máy tính và dịch vụ phần mềm nằm trong danh mục không chịu thuế VAT, đây là điều hoàn toàn không chính xác. "Theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin, cụ thể các điều 8, 9, 10, 11 của Mục 1, Chương 2 ở Nghị định này, game nói chung được xem là sản phẩm nội dung thông tin số. Do đó, game trên Steam phải chịu thuế VAT 10% theo các quy định của pháp luật hiện hành." (theo Vietnamnet).
Như vậy, áp dụng theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Steam buộc phải hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nếu cố tình hoặc không thể đáp ứng các quy định theo pháp luật sở tại, họ có thể bị yêu cầu dừng hoạt động tại Việt Nam.