Ngược đãi động vật trong trò chơi và ảnh hưởng tới game thủ

Việc ngược đãi động vật trong game không còn là điều gì mới mẻ nhưng liệu những hành vi tàn bạo trong game có thực sự ảnh hưởng tới game thủ hay không?

Những tựa game bạo lực cho phép người chơi hành hạ tra tấn dã man thậm chí là g.i.ế.t người luôn là vấn đề nóng của xã hội. Chúng ta chắc hẳn đã từng đọc được một bài báo hay xem một chương trình truyền hình nói về tác hại của những tựa game bạo lực dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu những hành động trong game có thực sự ảnh hưởng tới thế giới thật hay không. Trong khi đó chẳng mấy ai quan tâm tới hành động ngược đãi động vật trong thế giới ảo cả.

Những hành vi ngược đãi động vật trong game đã không còn là điều gì mới mẻ nữa khi nó đã xuất hiện nhan nhản trong hàng loạt tựa game phổ biến khác nhau như Half-life: Counter Strike, Minecraft, Grand Theft Auto V… Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều trò chơi điện tử cho phép game thủ đối xử với động vật theo cách tự do nhất cùng với đồ hoạ ngày một chân thật hơn, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ kĩ lưỡng về vấn đề này.

Kiểu gì thì cũng chín người thì mười ý

Cộng đồng game thủ rõ ràng có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc làm hại động vật ở trong game. Một số người chơi biểu lộ sự thương xót và tâm tư tình cảm cho những sinh vật ảo này. “Tui cảm thấy việc giết hại động vật ở trong game cứ sai sai thế nào ấy. Tui thường sẽ cố gắng bắn mấy tên cưỡi ngựa mà không để lũ ngựa dính một viên đạn nào.” Mọt Bố Già tràn đầy cảm xúc cho biết.

Tất nhiên cũng có những trường hợp trái ngược như Mọt Trùm Cuối vốn xem nhẹ hoặc cho rằng chỉ là dăm ba cái dòng lệnh hiển thị được lập trình sẵn thì việc gì phải làm quá lên và bày tỏ chẳng hề quan tâm tới vấn đề này: “Ta đã ‘thịt’ hàng tá người trong game, hủy diệt cả thế giới và thậm chí còn thống trị đa vũ trụ thế thì tại sao ta lại phải quan tâm tới cảm nhận của mấy con vật ảo cơ chứ?”

Phần lớn game thủ có suy nghĩ như vậy. Họ cho rằng chẳng có vấn đề gì với việc g.i.ế.t hại động vật (hay thậm chí là con người) trong game cả, bởi vì trò chơi điện tử vốn chỉ là thế giới ảo mà thôi bớt nghiêm trọng hóa vấn đề đi mấy bạn.

Tuy nhiên, PETA (Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật) cho rằng trò chơi điện tử “cổ vũ việc làm tổn thương và giết hại động vật”. Ví dụ như việc đi săn cá voi trong Assassin’s Creed hay câu cá và bắt bọ trong Animal Crossing: New Horizons (?!).

Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật
Góc hư cấu: Animal Crossing và câu chuyện hòn đảo Pinocchio của động vật
Hãy tưởng tượng về một cái “trại súc vật” phiên bản Harvest Moon với trẻ em bị bắt làm nô lệ , đó chính xác là thứ đang diễn ra trong Animal Crossing.

Mọt không rõ lý do tại sao chúng ta lại có nhiều ý kiến khác nhau về việc làm hại động vật trong game như vậy. Có lẽ là vì sự khác biệt về quan điểm cá nhân, nền văn hoá hoặc cũng có thể là vì số lượng tựa game bạo lực mà chúng ta đã chơi. 

Vai trò của động vật ở trong game

Dù game thủ có thể g.i.ế.t hại cả người lẫn động vật trong game với nhiều lý do khác nhau nhưng động vật trong thế giới ảo thường gặp một số phận đen đủi hơn rất nhiều. Mục đích mà chúng “tồn tại” chỉ là để người chơi giết lấy nguyên liệu, hoàn thành nhiệm, lấy danh hiệu hay cho vui mà thôi.

Ví dụ mà game thủ Việt Nam quen thuộc nhất có lẽ là việc phải giết chết 2 chú gà ở bản đồ Italy huyền thoại của tựa game Half-life: Counter Strike. Một ví dụ khác ở trong Genshin Impact, cộng đồng game thủ đang thi xem ai là người có thể giết hết những chú chim bồ câu của cậu bé Timmie một cách nhanh gọn lẹ nhất. 

Ngay cả trong những tựa game yêu cầu người chơi chịu hậu quả cho những quyết định trái đạo đức của mình thì động vật vẫn không được bảo vệ. Ví dụ như trong Dragon Age: Inquisition, các NPC sẽ có những phản ứng (đồng tình hoặc phản đối) đối với rất nhiều hành động của game thủ, tuy nhiên các NPC này lại nhắm mắt làm ngơ việc người chơi giết hại những loài động vật hoang dã hiền lành một cách bừa bãi.

Ngoài đời thật có khác gì đâu?

Hiện nay, ngày càng có nhiều người quan tâm tới quyền của động vật nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Ngay lúc này, vẫn có nhiều nơi chăn nuôi gia súc gia cầm một cách man rợ, tiêu biểu là việc Pháp chăn nuôi ngỗng và vịt cho món gan béo (foie gras). Theo đó những con vật tội nghiệp này sẽ bị cố định tại một không gian chật hẹp, bị nhồi ăn nhiều lần trong ngày cho tới khi chúng béo phì và gan bị nhiễm mỡ để thu hoạch. Ngoài ra còn nhiều món ăn “truyền thống” đầy tàn bạo khác như óc khỉ chẳng hạn.

Nhiều người trong chúng ta đã biết về vấn để này nhưng vẫn quyết định làm ngơ. Bởi vì sau hàng triệu năm tiến hoá và phát triển, chúng ta đã biết rằng con người mới là nhân vật chính của Trái Đất, những loài động vật khác chỉ làm nền cho sự sinh tồn và phát triển của chúng ta mà thôi.

Nếu nói như vậy thì bạo lực với động vật ở trong game có thể sẽ củng cố thêm ý nghĩ này trong đầu game thủ, khiến cho họ càng thêm coi thường những tính mạng của những loài động vật thấp kém hơn.

Phương hướng để giải quyết vấn đề

Đầu tiên Mọt muốn nói rằng mình không phải là một nhà động vật quyền hay là người ăn chay, Mọt còn rất yêu thịt nữa là đằng khác. “Cá lớn nuốt cá bé” là quy luật của tự nhiên, việc ăn gì là quyết định của mỗi người, miễn sao là bạn no bụng là được. Tuy nhiên Mọt không ủng hộ việc hành hạ hay giết hại động vật một cách tàn nhẫn chỉ nhằm mục đích giải trí.

Vì vậy, nếu như game thực sự có thể ảnh hưởng tới suy nghĩ của game thủ, làm tăng xu hướng ngược đãi động vật thì Mọt nghĩ rằng các studio game phải chịu trách nhiệm tìm cách giải quyết vấn đề này. 

Các hãng game có thể đưa ra những chi tiết khuyến khích game thủ đối xử tốt với những loài động vật ở trong game. Ví dụ như ở trong Read Dead Redemption, việc giết ngựa sẽ khiến bạn mất lượng điểm danh dự tương đương với việc bạn giết một con người vô tội. Những chi tiết như vậy sẽ khiến người chơi phải suy ngẫm thêm về hành động của mình và quan trọng hơn hết bản thân chúng ta phải nhận thức được rằng game cuối cùng chỉ là phương tiện giải trí mà thôi.

Bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa?!