Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ – P.Cuối - PC/Console

Mỗi khi muốn nói về sự dối trá của giấc mơ Mỹ có lẽ không một bộ phim tài liệu nào hợp lý hơn tác phẩm của Jennifer Newsom, The Great American Lie.

Có thể bạn thừa biết nhưng ở đây vẫn sẽ nhắc lại, The Great American Lie là bộ phim tài liệu thú vị phơi bày những điều thường bị đánh bóng một cách quá đà bởi những người có niềm tin lệch lạc về thiên đường ở nước Mỹ. trong bộ phim tài liệu này, nước Mỹ cũng là một quốc gia thông thường như bao quốc gia khác trên thế giới, tức là nó vẫn ẩn chứa những yếu tố tiêu cực như sự phân biệt chủng tộc nặng nề ở những bang phía Nam hay sự bất bình đẳng về giới khi phụ nữ luôn nhận được đãi ngộ về giáo dục lẫn sự nghiệp kém hơn nam giới. Tất nhiên như mọi bộ phim tự trào phúng khác The Great American Lie kiểu gì cũng không quên nhắc đến thái độ tôn sùng chủ nghĩa cá nhân cùng ý thức hệ phát xít mới cũng như những lời dối trá vĩ đại về một giấc mơ kiểu Mỹ.

Tất nhiên đây không phải là một thiên phóng sự nhiều tập thế nên chủ đề chính mà The Great American Lie muốn tập trung vẫn xoay quanh hai vấn đề nhức nhối của nước Mỹ hiện đại bao gồm: sự bất bình đẳng trong xã hội lẫn trì trệ về kinh tế. Theo đức tin của những con nhang thờ phụng văn hóa Mỹ, hẳn nơi đây là một quốc độ thiên đường khi ai cũng cũng tôn trọng kẻ khác và bạn chỉ cần làm việc chăm chỉ sẽ nhận lại những thành quả xứng đáng. Thực tế thì sao? Bất bình đẳng trong thu nhập, địa vị xã hội lẫn các ưu đãi trong chính sách phúc lợi cơ bản tại Mỹ đã gia tăng đáng kể trong hơn ba thập kỷ qua chỉ tính riêng các thành phố lớn. Thu nhập trung bình cùng mức lương tối thiểu vẫn trì trệ thậm chí có khuynh hướng sút giảm nếu so sánh với tốc độ lạm phát trong khi đó khoản tiền mà những người giàu có kiếm được lại gia tăng đáng kể đến 135% kể từ năm 1979.

Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ - P.Cuối

Theo những chi tiết được miêu tả trong bộ phim tài liệu (và có vẻ rất đáng tin) hiện nay 90% tài sản của Hoa Kỳ gần như bị chi phối bởi 1% những người giàu nhất. Tất nhiên chúng ta không phải là người Mỹ nên đây hẳn là một bộ phim tài liệu mang tính giải trí rất cao thế nhưng với những dân Mẽo chính gốc, có lẽ bộ phim đã phần nào nêu được nguyên nhân vì sao ngày càng có nhiều phi vụ cảm tử xảy ra trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ cũng như giải pháp để hàn gắn sự chia rẽ từ chính cộng đồng cư dân sinh sống tại nước Mỹ.

Trước khi The Great American Lie (2019) ra mắt từng có những trò chơi điện tử đề cập đến mặt trái của giấc mơ Mỹ và nó ấn tượng đến mức sau ngần ấy năm vẫn còn được mang ra thảo luận. Làm sao chúng ta có thể quên được một Grand Theft Auto IV, một sản phẩm made in USA 100% nhưng lại phơi bày sự thật trần trụi đằng sau giấc mơ Mỹ lẫn thái độ thù địch của một bộ phận người Mỹ với những sắc dân không có làn da màu trắng sau bi kịch 11/9. Và tận sau này, GTA V cũng được giới phê bình đánh giá là một tác phẩm nữa vạch trần những cơn sóng ngầm phía sau giấc mơ Mỹ qua bộ 3 nhân vật với 3 hoàn cảnh khác nhau. Hay một Red Dead Redemption dù khéo léo mượn câu chuyện của một gã cao bồi miễn viễn Tây ngày xưa nhưng người ta vẫn thấy đâu đó hình bóng thời hiện đại của mình trong hành trình báo thù cho cha của Jack Marston hay đơn giản là cuộc đối mặt với những thử thách bởi định kiến xã hội của John Marston.

John Marston là nhân vật chính trong Red Dead Redemption nhưng không giống với Niko, gã chẳng phải người nhập cư mà là một công dân Mỹ chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Tuy nhiên cái mác dân bản địa không giúp John sống tốt hơn bao nhiêu bởi gã đã trót tham gia một băng tội phạm, tầng lớp chắc chắn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật bất kể vào thế kỷ 19 hay thời điểm hiện tại. Cuộc sống của John đáng lẽ cứ chìm trong vòng xoáy của sự ăn chơi sa đọa, giết người cướp của nếu không có phi vụ cướp xe lửa định mệnh nơi hắn trúng đạn và bị bỏ mặc cho tự sinh tự diệt bởi những người từng xưng huynh gọi đệ trong băng Van de Linde. John may mắn sống sót sau cuộc truy đuổi của cảnh sát và từ lúc đó hắn muốn được làm lại từ đầu, bỏ lại cuộc đời tội ác của mình để kết hôn, sinh con, ổn định cuộc sống nơi trang trại và hạnh phúc mãi mãi.

Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá vĩ đại về nước Mỹ - P.1
Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ - P.1
Trong danh sách các nhà sản xuất nổi tiếng của Mỹ quốc hẳn không cái nên nào vượt qua được Rockstar Games, cả về danh tiếng lẫn tai tiếng.

Dĩ nhiên với phong cách của Rockstar thì mọi chuyện làm sao đơn giản như thế. Dù không có dây mơ rễ má nào với Niko Bellic nhưng cuộc đời của John – ít nhất là quãng thời gian trước khi hợp tác cùng bọn cớm, có nhiều điểm tương đồng với gã mafia người Serbia. Quá khứ đen tối của John Martson đến gõ cửa dưới hình hài của của… Edgar Ross. Edgar Ross là cựu thành viên của Văn phòng Thám tử Quốc gia Pinkerton đồng thời từng đảm nhiệm vai trò giám đốc của cơ quan thực thi pháp luật liên bang Bureau of Investigation, Cục Điều tra BOI – nơi sau này sẽ được đổi tên thành Cục Điều tra Liên Bang, FBI.

Là đại diện cho luật pháp và chính phủ nhưng những gì mà Edgar thực hiện lại vô cùng phi pháp khi dùng tính mạng vợ và con của Marston để ép bức hắn phải săn lùng các thành viên còn sót lại băng đảng cũ. Đám nhân viên chính phủ hứa rằng nếu John đồng ý làm thay công việc của chính phủ – đi diệt bọn tội phạm du thủ du thực – và hoàn thành chúng xuất sắc, Ross và các cộng sự của hắn sẽ để Marston trở về sống bình yên với gia đình. Với vai trò là nhân vật chính của RDR tất nhiên John Marston sẽ làm tốt công việc đó, dù thoạt nhìn nó khó như lên trời vậy. Nhưng thứ quan trọng mà Mọt tui muốn nhắc đến không phải là quá trình làm cao bồi của John mà chính là cuộc lữ hành dọc theo những khu vực có khi sầm uất có khi lại hoang vắng đến rợn người của miền viễn Tây ngày xưa, nơi chứng kiến sự giao thoa, áp đảo và tàn phá của nền “văn minh” đối với các yếu tố văn hóa bản địa lẫn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp.

Trong suốt chuyến lữ hành đó John lẫn người chơi sẽ có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng những vật, dù đã chịu đủ chèn ép trên chặng đường mưu sinh nhưng vẫn một lòng truy cầu cuộc sống tốt đẹp hơn như người bán dầu rắn West Nigel Dickens. Nhưng có lẽ cuộc gặp mặt với Nastas, một người Mỹ da đỏ bản địa sẽ làm chúng ta hơi khó chịu bởi anh ta đã chứng kiến những mất mát đau thương của bộ tộc trước sự tàn ác của kẻ xâm lược. Chính phủ cũng không giúp được gì thậm chí còn gây tai vạ bởi chính sách thiên vị người da trắng khiến Nastas thường xuyên bị xúc phạm nhân phẩm, phân biệt chủng tộc bởi tên da trắng thượng đẳng Harold MacDougal.

Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ - P.Cuối

Cuối cùng, cũng giống như Niko Bellic sau những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng, John Marston đã ngộ ra rằng miền viễn Tây hay nước Mỹ vốn không phải là quốc độ thiên đường. Nơi đây không có giấc mơ Mỹ, chỉ có những lời dối trá vĩ đại cùng những con người khốn khổ với nhân tính bị tha hóa bởi sự đối xử tàn ác của những gã da trắng thượng đẳng, hoặc bị chính phủ phó mặc sống chết nhằm bảo vệ lợi ích nhóm của họ. Tương tự Niko cuối cùng vận mệnh của John Marston cũng chẳng tốt đẹp gì dẫu cho Edgar Ross đã trả lại vợ con cho gã. Thậm chí có lúc tất cả chúng ta đều nghĩ rằng John nên có một cái kết viên mãn sau tất cả những gì đã trải qua nhưng cuối cùng Edgar vẫn xuất hiện cùng lực lượng của chính phủ liên bang để kết thúc mạng sống của gã. Có thể nói Marston không bao giờ thực sự có cơ hội để chạm tới giấc mơ Mỹ mà cả hắn ta luôn theo đuổi.

Ngay cả khi John Marston chấp nhận đi săn giết những đồng đội cũ để thõa mãn yêu cầu của cảnh sát, anh ta chỉ là một con cờ không hơn không kém trong tay Edgar Ross và luôn luôn có thể bị đem thí. Khoảnh khắc gã cao bồi tỏ ra không còn hữu dụng như một công cụ đắc lực dưới tay Edgar Ross – đại diện cho những người nắm quyền lực mới tại miền viễn Tây, anh ta sẽ phải chịu số phận đáng lý phải diễn ra từ trước đó rất lâu. Đó là một kết thúc nghiệt ngã nhưng hoàn toàn hợp lý nếu xét về cội nguồn của chủ nghĩa thực dụng. Với những kẻ nắm quyền lực, cuộc sống vẫn vận hành theo luật rừng. Kẻ yếu sẽ bị ăn thịt và kẻ mạnh luôn săn lùng bọn yếu đuối để sống sót, mỗi cá nhân chẳng khác gì một con số thống kê vô tri và mọi giấc mơ hoang đường nào đó đều không chân thật bằng một báo cáo tổng kết xinh đẹp hay nói một cách huỵch toẹt và sỗ sàng chính là lợi ích bằng tiền tươi thóc thật luôn có giá trị cao hơn bất cứ giấc mơ nào, cho dù đó là giấc mơ Mỹ.

Suy cho cùng thì ở bất cứ đâu cũng vậy, chỉ có những người thực sự xuất sắc mới có thể sống sót và có cơ may tận hưởng cảm giác thiên đường. Những giấc mơ hão huyền về một nơi sung sướng, chỉ có hưởng thụ không có lao động luôn chỉ là khởi đầu cho những kịch bản… lừa đảo.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về GTA IV và giấc mơ Mỹ
  1. Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ – P.1
  2. Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ – P.Cuối