Trong thời gian qua, Microsoft liên tục khiến cộng đồng game thủ đứng ngồi không yên khi có những nước đi cực kỳ táo bạo. Đặc biệt là thương vụ mua lại Bethesda với giá lên tới 7,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, từ sau thất bại của Xbox One, Microsoft cũng đã rục rịch sở hữu rất nhiều hãng phát triển game lớn nhỏ khác nữa. Tính đến nay, hãng đã sở hữu tổng cộng 23 studio trong Xbox Games Studio – trở thành hãng sở hữu nhiều studio nhất, vượt qua cả Sony và Nintendo.
Nếu nhìn nhận kỹ thì điều này vẫn chưa thực sự đem lại “trái ngọt” cho Xbox thế hệ tiếp theo. Bởi các studio cần phải mất một vài năm để chuẩn bị và thực hiện những đường lối mà Microsoft đưa ra. Còn ở hiện tại, khi Xbox Series X ra mắt, trò chơi bên thứ nhất sẽ chỉ là Halo: Infinite. Tuy nhiên, chúng ta hãy tạm gác lại chuyện đó sang một bên, tôi muốn nhìn toàn cảnh của việc Microsoft sở hữu 23 studio mới để có thể hướng tới những phán đoán thú vị hơn.
Với 23 studio, rõ ràng Microsoft có mạng lưới nhà phát triển lớn nhất hiện nay. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn ở đây chính là giá trị thị trường to lớn. Lúc này, tôi tin Microsoft có thể sẽ có nhiều trò chơi độc quyền bên thứ nhất hấp dẫn hơn Sony, đó chính là kết quả của việc mua lại nhiều hãng phát triển đầy tiềm năng. Sony có Uncharted, Spider-Man, God of War hay The Last of Us, và đó là những trò chơi mang lại giá trị to lớn trên thị trường ngành game, cả về doanh thu lẫn vị thế của Sony. Chính vì thế, việc sở hữu nhiều studio cũng thể hiện được kế hoạch lấy lại vị thế của mình trên thị trường ngành game của Microsoft, nhưng sẽ được thông qua nhiều thể loại game hơn Sony.
Trước hết, The Elder Scrolls và Fallout là những thương hiệu game lớn hơn bất cứ thương hiệu nào mà Sony sở hữu. Có thể sang tới thế hệ console tiếp theo, Spider-Man sẽ sánh ngang được với Fallout nhưng chắc chắn không có trò chơi nào sánh được với The Elder Scrolls. Đây là series game hiếm có trên thị trường, dù có trải qua bao nhiêu năm vẫn thu hút được một lượng lớn người chơi. Và không chỉ trong giới hạn cộng đồng game thủ, Fallout 3 hay Skyrim đã trở thành những hiện tượng văn hóa đại chúng được vô vàn người không phải là game thủ biết tới, là nguồn cảm hứng bất tận cho các meme trên internet.
Sony không có bất cứ thương hiệu game nào có thể đạt được thành tựu như vậy. Vì vậy, việc sở hữu Bethesda đã cho thấy Microsoft hoàn toàn có khả năng dẫn trước Sony. Xét về giá trị thương hiệu, The Elder Scrolls đi trước hầu hết mọi thứ mà Sony đang sở hữu (ngoại trừ Spider-Man, thương hiệu có thể thu lại lợi nhuận từ rất nhiều mảng khác ngoài game).
Có một điều là Microsoft chắc hẳn sẽ không chỉ dựa vào thương vụ Bethesda cùng 2 thương hiệu game đình đám để cạnh tranh với Sony – bởi nó sẽ là sự lặp lại cho thất bại trong quá khứ của Microsoft khi quá tin tưởng vào Halo và Gears. Việc sở hữu tận 23 studio cho phép Microsoft không bỏ qua bất cứ tệp khách hàng nào, ở bất cứ thể loại trò chơi nào. Doom và Wolfenstein vốn lại những cái tên huyền thoại của thể loại FPS; Double Fine cung cấp những trò chơi phiêu lưu đầy hấp dẫn; Ninja Theory tạo ra các trò chơi góc nhìn thứ ba đậm chất điện ảnh; hay các sản phẩm từ Tango Softworks lại đánh vào thị trường game kinh dị. Và dĩ nhiên tôi mới chỉ liệt kê sơ sơ mà thôi.
Điều đáng nói là Microsoft còn rất nhiều những studio chưa được tính vào danh sách 23 hãng phát triển kia. Do đó, cộng đồng game thủ hoàn toàn có thể tin tưởng về sự đa dạng trong các trò chơi bên thứ nhất, nổi trội hơn hẳn so với các đối thủ là Nintendo, Sony. Dường như Microsoft và Xbox đang cho thấy một tương lai vững chắc sau tất cả những thất bại họ phải chịu trước đó.
Tuy nhiên, yếu tố cuối cùng tôi muốn nói tới nằm ở chính Microsoft. Chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên những vụ việc mà do chính Microsoft làm đổ bể. Điển hình là hủy bỏ dự án Scalebound, một trong những trò chơi được mong đợi nhất trên Xbox cùng sự phá sản của Platinum; hay vụ việc Lion Head phải đóng cửa do họ bị bắt làm các dự án mà họ vốn chưa bao giờ quan tâm đến; Bungie cũng đã phải rời Microsoft vì họ không muốn trở thành một “trang trại thương hiệu game”.
Dĩ nhiên, những biến cố đó xảy ra vào thời điểm khi Xbox rõ ràng không phải ưu tiên hàng đầu của Microsoft, khi vị trí lãnh đạo có tầm nhìn khác lạ hơn nhiều so với bây giờ, và nhất là khi cứ cách tuần ban lãnh đạo của họ lại nảy ra ý tưởng muốn theo đuổi những mục tiêu vượt quá tầm với.
Đúng vậy, việc sở hữu quá nhiều studio cũng là một con dao hai lưỡi. Microsoft bắt buộc phải có những định hướng, kế hoạch phát triển rõ ràng ngay từ đầu cho từng studio nếu không muốn đẩy họ tới con đường ra đi như trong quá khứ. Nếu lần này, Microsoft quản lý tốt các studio dưới quyền mình, sử dụng tốt các quân bài của mình, chắc chắn họ sẽ tạo được ra vô vàn những trò chơi độc quyền bên thứ nhất mạnh hơn nhiều so với Sony. Và trong trường hợp đó, vị thế của cuộc chiến console sẽ thay đổi theo chiều hướng của Microsoft sau nhiều năm.