Có lẽ ngay cả một game thủ bình thường, không thường xuyên cập nhật tin tức cũng biết tới sự kiện E3. Dù không xem live-stream trực tiếp nhưng mỗi mùa E3 hàng năm, các trang tin hay cộng đồng game thủ đều đồng loạt update tin tức cực kỳ nhanh cho người hâm mộ. Nếu tính cả sự kiện chuẩn bị ra mắt sắp tới, Electronic Entertainment Expo đã thống trị suốt 25 năm, có sự gắn kết đặc biệt giữa giới game thủ và sự phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp trò chơi.
Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, sự kiện này dường như đã không còn giữ được sức hút nữa. Bằng chứng là rất nhiều nhà phát triển đã không còn coi E3 là nơi lý tưởng để công bố các kế hoạch hay dự án mới nhất của mình. Thậm chí có những đơn vị sẵn sàng từ chối tham gia để dành nguồn lực tổ chức các buổi giới thiệu và quảng bá của riêng mình. Điển hình nhất chính là Sony, và năm 2020 này là năm thứ 2 liên tiếp hãng quyết định không tham dự E3.
Động thái này, cũng giống như năm 2019, chứng tỏ họ đang có rất nhiều kế hoạch lớn và quan trọng trong năm 2020. Họ sẵn sàng từ bỏ một trong những sự kiện game lớn nhất thế giới để tập trung vạch ra một con đường cho riêng mình thông qua các chiến lược tiếp thị. Quyết định từ chối năm thứ 2 liên tiếp cũng đã ít nhiều loại bỏ được giả thuyết cho rằng Sony không có nhiều thứ hấp dẫn để chia sẻ.
Trong quá khứ, trường hợp các hãng từ chối E3 cũng không phải là không có. Ngay cả Sega và chính Sony cũng đã từng có thời điểm nói không với E3 vào những năm 90, vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa E3 thời kỳ đó và E3 ở thời điểm hiện tại. Đây dường như không còn là nơi lý tưởng, hay không còn là cách duy nhất để các hãng game tiếp cận với công chúng nữa.
Chắc chắn việc Sony vắng mặt tại E3 năm ngoái, năm nay và rất có thể nhiều năm sau nữa, là một sự tổn thất cho sự kiện này. Tuy nhiên, tổn thất này có thể sẽ không quá nặng nề. Trong ngành công nghiệp game, khi các trò chơi phát triển thì các sự kiện chính liên quan tới game cũng sẽ phát triển theo. Khi mới ra mắt, E3 bị hạn chế khá nhiều bởi những người trong ngành và các nhà bán lẻ. Theo thời gian, E3 đã từng có lúc đạt được lượng người theo dõi ở mức kỷ lục, dù không phải tất cả các hãng game lớn đều tham gia. Trong những năm gần đây, các luồng live-stream như Twitch hay Youtube đã thu hút nhiều người xem hơn bao giờ hết, nó khiến cho E3 dù có Sony hay không vẫn rất sôi nổi, được bàn tán rộng rãi.
Có thể nói rằng, việc một hãng quyết định vắng mặt tại E3 không có gì mới mẻ. Sự kiện này vẫn sẽ được tổ chức như một nơi kết nối cộng đồng game thủ và các nhà phát triển. Không có Sony thì người hâm mộ sẽ theo dõi Microsoft hay các hãng khác. Tuy nhiên, chúng ta hãy xét tới tương lai của E3 khi Sony, Nintendo quyết định tập trung vào hướng đi riêng.
Khi internet phát triển, phát trực tiếp là một cách tuyệt vời để người hâm mộ không phải mệt nhọc đăng ký tham gia sự kiện mà vẫn có thể theo dõi được sự phát triển của ngành game. Điều này vô tình khiến cho game thủ không còn có hứng mua vé tới tham dự các sự kiện hội chợ như E3 nữa. Họ sẽ nghĩ tại sao mình lại phải tốn tiền mua vé tham dự khi ở nhà bật Youtube lên là đã có thể theo dõi trọn vẹn. Những người tổ chức sự kiện muốn có được doanh thu ổn định, họ không thể tăng chi phí của những người trong ngành lên được, cuối cùng chỉ còn cách cho E3 mở rộng giới hạn lượng người hâm mộ tham gia.
Nhưng chính việc mở rộng lượng người tham gia đó cũng là một con dao 2 lưỡi khi họ rất khó để kiểm soát những tình huống xấu. Như năm ngoái, có nguồn tin rò rỉ cho rằng hơn 2000 thông tin cá nhân của những người tham dự bị phát tán. Đặc biệt là trong năm 2020 này, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang vẫn còn rất khó kiểm soát và có những chuyển biến khó lường. Cách làm tăng giới hạn lượng người tham gia có thể sẽ thành công trong 1 hoặc 2 năm. Khi cộng đồng bắt đầu nhận ra việc tham gia trực tiếp chẳng hề vui bởi ban tổ chức không kiểm soát được dòng người đổ về. Sau cùng, lựa chọn hợp lý nhất vẫn là theo dõi thông qua các luồng live-stream.
Nintendo đã nhìn thấy trước tương lai như vậy và sớm chuyển qua các sự kiện thông qua các luồng trực tiếp, Nintendo Direct được phát trực tiếp vài lần trong một năm, giúp người hâm mộ của Nintendo tiện theo dõi các hướng đi mà công ty dự định hơn. Direct ngày càng có một vị trí quan trọng trong chiến lược tiếp thị của Nintendo hơn là các sự kiện có chi phí đắt đỏ, nơi có thể xảy ra nhiều tình huống xấu. Sony cũng nhận ra điều đó và bắt đầu chuyển hướng live-stream các sự kiện của riêng mình thông qua Youtube hay Twitch.
Trong quá khứ, sự kiện E3 gần như đã nắm giữ ngành công nghiệp game. Dường như sự kiện này đã trở thành một tôn giáo của game thủ. Nhưng theo thời gian, tôn giáo này có lẽ đã có dấu hiệu suy yếu. Có Sony hay không, E3 vẫn mãi là E3. Có thể tôi cùng nhiều người sẽ thấy đôi chút hụt hẫng bởi sự vắng mặt này. Tuy nhiên, ở E3 vẫn còn Microsoft, người dự định sẽ trung thành với sự kiện trong một thời gian dài và sẽ cố gắng để khỏa lấp khoảng trống mà Sony cùng Nintendo để lại. Suy cho cùng thì live-stream mạnh thật đấy nhưng nó không thể thỏa mãn một trong những thứ kéo game thủ đến với những sự kiện offline như E3: demo sớm. Chỉ khi đến những sự kiện tầm cỡ như vậy, người ta mới có dịp chạm tay vào những bản chơi thử giới hạn cực sớm của các tựa game hot trước khi nó trở thành bản demo cho tải về hàng loạt. Cái cảm giác “được ăn trước” đó khó có gì thay thế được.
Tôi cùng nhiều game thủ khác vẫn sẽ theo dõi E3 này, bởi nó vẫn đem lại rất nhiều thông tin quý giá. Bên cạnh đó, chính nó đã đem lại cho cộng đồng game thủ vô vàn khoảnh khắc đáng nhớ mang tính hội hè trong cuộc đời đam mê trò chơi.