Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối - PC/Console

Steam ra mắt đã đánh dấu một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho game indie, giúp cộng đồng các nhà làm game độc lập có nhiều cơ hội phát triển và kiếm tiền hơn.

Chính sự ra mắt của Steam cùng những nền tảng digital đã mở ra cho game indie một kỷ nguyên mới. Các nhà làm game độc lập dường như đã tìm cho mình được miền đất hứa, nơi họ có thể thỏa sức đem tới cho cộng đồng những trò chơi đơn giản nhưng chất lượng, rồi thu lại về những thành quả xứng đáng.

Cuộc cách mạng mang tên Steam – Mở ra kỷ nguyên kỹ thuật số

Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối

Cho tới thời điểm tên miền steampowered.com được đăng ký, ngành công nghiệp game vẫn ưa chuộng hình thức mua game tại các cửa hàng bán lẻ hoặc vận chuyển dưới dạng đĩa vật lý truyền thống. Khi Gabe Newell và đồng nghiệp của ông tại Valve phát hành Half-Life vào năm 1998, họ không biết được mình có ảnh hưởng như nào tới lịch sử của game indie, thậm chí là toàn bộ ngành công nghiệp game.

Tới năm 2003, Steam mới chính thức mở cửa lần đầu tiên. Tuy nhiên ban đầu, Steam chỉ là nơi Valve phục vụ nhu cầu phân phối, update các bản vá lỗi cho các trò chơi của họ cũng như hỗ trợ cộng đồng modder trên PC. Khi đó giao diện Steam được thiết kế xấu thậm tệ cùng server liên tục bị quá tải. Đó cũng là những nỗ lực đầu tiên của Valve trong việc tạo ra một dịch vụ phân phối digital đáp ứng nhu cầu của người dùng. Các tựa game có thể được download một cách nhanh chóng và mãi mãi.

Năm 2005 đánh dấu một bước chuyển mình mới của Steam cũng như của cộng đồng game indie. Valve đã ký một loạt các thỏa thuận phân phối cho phép họ tự do bán những trò chơi không phải do mình phát triển. Ragdoll Kung Fu và Darwinia trở thành những trò chơi bên thứ ba đầu tiên được bán qua Steam.

Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối

Lẽ dĩ nhiên ban đầu, các hãng vẫn còn ngờ vực về loại hình bán game kỹ thuật số này. Nhưng cuối cùng trò chơi Darwinia sau khi được đưa lên Steam, nó thậm chí còn bán chạy hơn khi nhà phát triển đưa lên các cửa hàng bán lẻ trước đó. Sự ngờ vực về thành công của loại hình phân phối game này đã hết.

Valve không phải là người duy nhất nhìn ra được thành công trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Vào năm 2004, Microsoft chính thức tham gia cuộc chơi, Bill Gates công bố Xbox Live Arcade tại Hội nghị Microsoft. Khi Xbox 360 được phát hành năm 2005, dịch vụ Xbox Live Arcade cũng chính thức đi vào hoạt động. Tới năm 2006, Sony cũng chính thức tham gia cạnh tranh với PlayStation Network (PSN)

Cùng nhau, Steam, PSN và Live Arcade đã thắp lên những tia hi vọng mới cho cộng đồng game thủ indie. Cơ hội làm game kiếm tiền từ trong phòng ngủ lại một lần nữa được nhen nhóm với những ai có dự định trở thành một nhà phát triển game độc lập. Lúc này, ngành công nghiệp game đã phát triển mạnh hơn với bộ công cụ mới là Unity, bên cạnh bộ công cụ cũ nhưng vẫn có sự ổn định là Game Maker. Cả 2 bộ công cụ này trở thành vũ khí chủ lực cho các lập trình viên độc lập có túi tiền khiêm tốn.

Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối

Các nhà phát triên game độc lập bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ trở lại. Cụm từ “indie” trở nên phổ biến hơn trên báo chí và các phương tiện truyền thông, game indie được công nhận chính thống, dần tạo dựng được một đế chế vững chắc trong kỷ nguyên game digital.

Đế chế game indie

Khi ngành công nghiệp indie phát triển mạnh mẽ, khi các trò chơi độc lập có được miền đất hứa để phân phối, game indie trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Game thủ có thể thấy sự quay trở lại của các trò chơi có đồ họa 8-bit, thứ tưởng chừng như đã tuyệt chủng khi nền đồ họa 3D bắt đầu phát triển. Hay như các nhà phát triển độc lập có thể lồng ghép các thông điệp ý nghĩa, nhân văn thông qua trò chơi hết sức tài tình, như Gone Home hay Dear Esther.

Không chỉ game indie, toàn bộ ngành công nghiệp game đang ở phong độ sáng tạo cao nhất mọi thời đại. Nếu như ở thời điểm mới bắt đầu, nhiều nhà phát triển độc lập đầu quân cho các ông lớn trong ngành game, thì trong kỷ nguyên game digital, nhiều người làm trong các hãng lớn lại quyết định bỏ việc để trở thành nhà phát triển độc lập. Tất nhiên khi quyết định trở thành một nhà phát triển riêng lẻ chắc chắn sẽ có thành hoặc bại. Trong khoảng thời gian này, bên cạnh những hãng indie đạt được thành công lớn, rất nhiều hãng cũng đã phải ngậm trái đắng do sự cạnh tranh ngày một lớn.

Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối

Kể từ năm 2008 trở đi, chúng ta có thể gọi thời điểm đó là Kỷ nguyên vàng của Indie. Trong khoảng thời gian này, liên tục những game indie hấp dẫn được ra mắt, được đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng danh giá.

Năm 2008, Jonathan Blow phát hành Braid thông qua Xbox Live Arcade. Trò chơi đã giới thiệu cho mọi người một cốt truyện hấp dẫn được lồng ghép vào yếu tố đậm chất nghệ thuật. Trò chơi được yêu thích bởi nó tạo cảm giác rằng game thủ đang được trải nghiệm ý tưởng của ai đó, chứ không phải đang chơi một thứ được đầu tư ngân sách khủng. Tới năm 2009, Minecraft ra mắt, mở ra thành công kéo dài tới tận bây giờ. Super Meat Boy ra mắt năm 2010, giới thiệu cơ chế gameplay nhịp độ cao và có độ khó đầy thách thức và cực kỳ gây nghiện.

Những cơ chế save thú vị nhất của làng game – Phần 1
Có việc save game thôi mà cũng lắm kiểu nhiều cách! – P.1
Thường save chỉ đơn thuần là bấm một phím tắt hay vài lần click chuột, nhưng một vài game biến việc save thành một yếu tố rất quan trọng trong lối chơi.

Trong thập kỷ qua, game indie từng bước vững mạnh hơn trong ngành công nghiệp game. Vào thời điểm khi mà các trò chơi AAA bị ngưng trệ, game indie đã nhanh chóng đưa ra giải pháp thay thế, hay thậm chí hồi sinh lại các thể loại game mà nhiều người tưởng đã chết. Thị trường game độc lập bùng nổ thực sự với số lượng trò chơi khổng lồ ra mắt mỗi tháng. Cả Braid và Minecraft chỉ là thành công ban đầu, bí quyết thực sự nằm chính ở cách phân phối mà Steam hay các nền tảng digital khác đem lại.

Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối

Tạm kết

Trải qua chặng đường dài phát triển, game indie đã có nhiều thăng trầm. Khi toàn bộ ngành công nghiệp game đang phải đối mặt với suy thoái, các nhà phát triển độc lập đã đứng lên, phần nào đó giúp thị trường vượt qua khủng hoảng. Để rồi khi các ông lớn nhìn thấy tiềm năng và dùng tiền để câu kéo nhân tài, game indie hoàn toàn bị bỏ lại phía sau.

Tôi có thể nói rằng game indie là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, không ngại khó khăn của game thủ. Họ thiếu thốn về nguồn vốn, nhân sự, vật chất nhưng vẫn tạo ra được một đế chế hùng mạnh, với số lượng game khổng lồ mỗi tháng. Nó cũng là biểu trưng cho đam mê và nhiệt huyết của các lập trình viên với trò chơi điện tử. Ngay cả khi các hãng game lớn không đưa ra trò chơi mà cộng đồng cần, thì các nhà phát triển độc lập sẽ tự làm điều đó.

Thành công ngày nay là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của các nhà phát triển độc lập. Game indie được công nhận chính thống và vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Thậm chí tới bây giờ, vẫn còn một vài trò chơi indie đang thống trị thị trường, hay một số game độc lập có chất lượng ngang ngửa hoặc hơn cả các trò chơi AAA. Cùng với sự đi lên từng ngày của công nghệ, game indie chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Lịch sử thể loại game indie
  1. Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.1
  2. Vốn ít làm việc nhỏ, ai ngờ game indie đã trở thành Thanos tự lúc nào không biết – P.Cuối