Công ty mẹ của Facebook mới đây đã cho ra mắt công cụ Make-A-Video – ứng dụng AI để tạo ra video chỉ bằng văn bản đơn giản.
TIN LIÊN QUAN
Meta, công ty mẹ của Facebook giới thiệu công cụ ứng dụng AI mới nhất, Make-A-Video:
“Hôm nay, chúng tôi mang đến cho các bạn công cụ mang tên Make-A-Video, hệ thống AI mới cho phép mọi người biến những văn bản đơn giản thành video clip ngắn gọn, chất lượng cao”.
Để mô tả cụ thể, Facebook đã trình diễn khả năng của AI này. Qua đoạn video, ta có thể thấy Make-A-Video tự tạo ra được nhiều video với những chủ đề khác nhau như: “Một con gấu vẽ tranh”, “Tàu vũ trụ đáp xuống hành tinh”, “Robot đang lướt sóng”,…
Make-A-Video được xây dựng dựa trên tiến bộ gần đây của Meta trong nghiên cứu công nghệ AI, mở ra cơ hội mới cho người sáng tạo và nghệ sĩ.
Hệ thống AI sẽ tìm hiểu “thế giới trông như thế nào” từ nguồn dữ liệu hình ảnh và video khổng lồ trên internet. Chỉ với một vài từ hoặc vài dòng văn bản, Make-A-Video có thể khiến trí tưởng tượng trở nên sống động và tạo ra những video có một không hai với đầy màu sắc, nhân vật và phong cảnh sống động.
Theo như những gì đã công bố, Make-A-Video là sự tiếp nối về thành công của Make-A-Scene – công cụ giúp mọi người có thể tạo ra các hình minh họa chân thực và nghệ thuật chất lượng như sách truyện bằng cách sử dụng các từ, dòng văn bản và các bản phác thảo đơn giản.
CEO Mark Zuckerberg cho biết:
“Việc tạo ra một video hoàn chỉnh khó hơn nhiều so với chuyển đổi văn bản thành hình ảnh, ngoài việc xử lí đồ họa hoàn chỉnh, hệ thống còn phải tính toán từng khung cảnh sao cho chúng phải có logic, phải liên quan đến nhau”.
Tuy những video demo này được đánh giá là có vẻ chưa hoàn thiện khi mà còn khá giật lag, độ phân giải thấp, chuyển động còn hơi “giả”,…nhưng cũng phần nào cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong việc ứng dụng AI vào đời sống.
Theo các chuyên gia, trong tương lai, nhờ có Make-A-Video mà việc sản xuất video sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, mặc dù vẫn còn phải cải tiến và hoàn thiện nhiều thứ hơn nữa.
Tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại về việc sử dụng công cụ này vào những mục đích không chính đáng:
“Một khi trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi, kẻ gian có thể lợi dụng nó. Ví dụ như tạo ra các video giả mạo để lừa đảo, cung cấp thông tin sai lệch,… Lúc đó việc kiểm soát thông tin sẽ trở nên rất khó khăn”. Nhiều trang tạp chí công nghệ đưa tin.
Nhiều người lại cho rằng, nguồn dữ liệu để AI tự tạo ra các video hầu như đều đến từ internet, nơi có hàng trăm, hàng triệu hình ảnh và video sai sự thật, phóng đại, lừa đảo,…. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để kiểm soát những nội dung mà AI thu thập được, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng những video được tạo ra.
CEO Mark Zuckerberg tiết lộ đây sẽ là một dự án AI có mã nguồn mở, nhưng ông chưa đưa ra biện pháp để ngăn ngừa các tác hại của nó.