For fun: Sai lầm của các nhãn hàng khi quảng cáo trên kênh stream game

Quảng cáo phản cảm trên stream, chọn sai đối tượng hợp tác là những sai lầm mà các nhãn hàng có thể mắc phải khi quảng bá sản phẩm của mình.

Để tiếp cận khách hàng tiềm năng, một số nhãn hàng đặc thù không thể bỏ qua các streamer chơi game. Lượng fan hùng hậu của streamer có chân dung khách hàng rất phù hợp mà các công ty nước giải khát, tăng lực, gaming gear, dịch vụ về game… muốn hướng đến. Đa số fan của streamer là những người trẻ, thích chơi game, dễ bị tác động bởi streamer để ra quyết định mua hàng, có thể gắn bó với sản phẩm lâu dài, tự họ sẽ giới thiệu sản phẩm cho người quen khi hài lòng với sản phẩm.

Sau đây là một số sai lầm mà các nhãn hàng gặp phải, dẫn đến không đạt được mục tiêu mở rộng thị trường, không tăng mức độ nhận diện thương hiệu tích cực và doanh thu không tăng như kỳ vọng.

1. Hợp đồng quảng cáo quá ngắn

Các công ty chuyên về nước giải khát, thức ăn nhanh xuất hiện khá nhiều trên các kênh stream. Đây là sản phẩm được bản thân các streamer rất ưa chuộng vì sự tiện lợi, hợp khẩu vị của giới trẻ. Hình ảnh streamer mỗi ngày sử dụng sản phẩm được quảng cáo sẽ gây ra chú ý và hành vi bắt chước idol của fan. Đây là chiến lược tốt, sản phẩm đã được kiểm chứng và tin dùng bởi streamer nên fan sẽ nhanh chóng tìm mua, thưởng thức giống như người mình hâm mộ.

Vấn đề ở chỗ, nếu hợp đồng quảng cáo quá ngắn, chưa tạo thành thói quen mua sắm cho khách hàng thì chiến lược quảng cáo sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, streamer sẽ chuyển sang dùng một sản phẩm tương tự, đôi khi là của đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Điều này dẫn đến hệ quả “gậy ông đập lưng ông” rất đáng tiếc dành cho nhãn hàng, vì fan sẽ ngầm hiểu đâu mới là sản phẩm yêu thích thực sự của idol.

2. Quảng cáo phản cảm trên stream

Logo quá to, ảnh động chớp/tắt quá nhiều trên stream sẽ gây khó chịu cho người xem. Những sai lầm kiểu này gây phản cảm và tạo ra hình ảnh tiêu cực cho nhãn hàng, fan sẽ tẩy chay sản phẩm được quảng cáo và thậm chí cả streamer luôn.

3. Chọn sai đối tượng hợp tác

Streamer phần lớn là người trẻ, thiếu kinh nghiệm trong việc hợp tác quảng bá sản phẩm, một số người khác lại quá thờ ơ với nhãn hàng đồng hành cùng mình trong các buổi stream, họ thiếu nhiệt huyết, thiếu thông tin mỗi khi fan hỏi về sản phẩm. Streamer có quá nhiều scandal cũng không tốt để gửi gắm nhãn hàng cho họ vì streamer đó có nhiều người theo dõi, đăng ký nhưng chưa chắc có nhiều người thích. Uy tín của họ cũng không cao để khách hàng tiềm năng tin tưởng dùng sản phẩm.

Nói đi thì cũng nói lại, có những streamer rất tích cực quảng cáo sản phẩm cho đối tác của mình. Họ tạo dựng kịch bản ngay trên livestream để chèn sản phẩm sao cho hợp lý nhất, vừa đưa nhãn hàng đến gần người tiêu dùng, vừa có nội dung thú vị dành cho fan. Chẳng hạn như streamer than mất ngủ cả đêm nhưng nhờ có nước tăng lực X mà đủ sức stream hôm nay.

4. Quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không liên quan

Quảng cáo game bắn súng trên thiết bị di động ở một kênh stream LMHT là một ví dụ điển hình về sai lầm này. Thể loại game, nền tảng khác nhau sẽ không thể nào thu hút được fan LMHT chuyển sang tựa game mới. Đây là lý do các streamer LMHT thường quảng cáo các dịch vụ cày thuê hoặc mua bán tài khoản LMHT.

Có thể bạn muốn xem thêm :Top 6 thể loại game từng phổ biến nhưng đã thoái trào ở Việt Nam

Tiếp cận khách hàng mục tiêu trên các kênh stream game là con dao 2 lưỡi. Các nhãn hàng cần cẩn trọng để không bị tác dụng ngược. Nhìn chung, việc streamer quảng cáo trên stream giúp họ có thêm thu nhập, đồng thời giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tốt đến cho fan là điều nên làm.