Có lẽ bạn chẳng cần phải thuộc diện “nhà mặt phố bố làm to” có điều kiện đi khắp các nơi từ Thái Lan, Singapore, Nhật, Châu Âu, Mỹ như Mọt để có thể thấy được rằng các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á đã có những thánh địa hoành tráng dành cho cộng đồng Game – Anime – Manga. Hai ông hàng xóm lớn chắc chắn bạn sẽ nhớ đến chính là Singapore và Thái Lan.
Hàng xóm xúng xính
Cuối tháng trước, Mọt có chuyến công tác Thái Lan và đúng dịp diễn ra Thailand Game Show 2019. Sau khi sắp xếp xong công việc và chạy đến khu Siam Paragon cũng đã 5 giờ chiều, cái giờ tan tầm mà thiên hạ kéo nhau đi nghỉ ngơi và ăn chiều thì Mọt lọ mọ móc ví trả 100 đồng Thái mua vé vào cửa nhưng vẫn chứng kiến một số lượng khách tham quan khá đông. Nhìn chung sự kiện của người anh em xứ chùa tháp tổ chức khá ấn tượng. Tuy nó không đến mức hoành tráng đẳng cấp mà chỉ tổ chức gói gọn trong khu Siam Paragon chật hẹp này (nếu chịu chơi họ làm ở Impact Arena chắc còn dữ dội hơn), so sánh một chút thì Thailand Game Show 2019 tổ chức trên một diện tích chỉ ngang ngửa nhà thi đấu Phú Thọ là cùng, nhưng điều ấn tượng chính là sự kiện thu hút được nhiều nhà sản xuất game lớn đến trưng bày sản phẩm.
Chúng ta có thể thấy Bandai Namco mang một “thùng” game tới trưng bày và cho chơi demo, chúng ta có thể thấy Gravity với Ragnarok Tactics hay New Gunbound đến từ Softnyx. Thậm chí hai tên tuổi lớn trong làng game là Facebook Gaming và ESL cũng có mặt tham gia sự kiện. Đó là một điều rất ấn tượng khi những tên tuổi mang tầm toàn cầu trực tiếp tham dự sự kiện.
Một điều cũng không thể thiếu chính là sự phối hợp giữa 2 mảng Game – Anime – Manga khi ThaiLand Gameshow 2019 có sự xuất hiện của các cosplayer, các khu vực dành riêng cho cộng đồng Anime – Manga và những game “thân thiện” với cosplay như Honkai Impact 3.
Nhìn sang Singapore, tất nhiên chúng ta không thể không nói đến GameStart. Khỏi phải bàn đến độ lớn và đa dạng khi đây được xem là một trong những thánh địa quan trọng nhất của làng game khu vực Đông Nam Á. Và tất nhiên bạn có thể thấy một phần quy mô của họ quan bản sơ đồ của sự kiện. Có một góc riêng là Doujin M cho cộng đồng Anime – Manga, Artist và GameStart Tabletop cho cộng đồng board game.
Nhà mình thì xác xơ
Đầu tiên, Mọt không hề hàm hồ khi khẳng định với bạn rằng trong làng game khu vực Đông Nam Á này, Việt Nam chiếm tỷ trọng không hề nhẹ. Bạn có thể xem kết quả nghiên cứu thị trường công bố đầu năm 2019 để thấy điều này.
Như hình trên, có thể thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ game thủ trên dân số online (còn gọi là người dùng mạng hay công dân mạng) cao nhất (70,2%) so với các nước có cộng đồng game phát triển như Thái Lan (69,6%), Singapore (68,2%) hay nước có cư dân mạng đông đảo như Indonesia (64,6%), Philippines (64,7%). Chưa kể trong số liệu này thì Việt Nam có dân số dùng mạng và game thủ đông thứ 2 trong khu vực, tức là tính thuần về số lượng là đã top 2 chỉ thua mỗi Indonesia.
Những số liệu đó cho thấy một cộng đồng game đầy tiềm năng tại Việt Nam cần khai phá và cần một thánh địa làm nền để có thể tiếp tục phát triển sang một giai đoạn cao hơn. Tuy nhiên nhìn lại tình hình những sự kiện và hoạt động đỉnh cao dành cho game thủ tại Việt Nam, có thể mô tả bằng 2 từ “xơ xác”.
Triển lãm hoành tráng nhất ngay đầu năm 2019 được kỳ vọng rất lớn từ cộng đồng chính là Gamecon 2019 tổ chức tại khu SECC Quận 7, TP HCM. Mọt cũng hăm hở xách ba lô bị gậy lên và đi nhưng thật sự thất vọng khi cả một cái hội chợ game tổ chức tại 1 địa điểm rộng lớn nhất đủ sức host sự kiện hội chợ tầm quốc tế lại xơ xác đến không ngờ. Ngoài các quầy về công nghệ chơi game của doanh nghiệp như Phong Vũ, Omni (không có treadmill như quảng cáo), MSI, Samsung,… thì chỉ có 2 khu vực cho board game, một nhà sản xuất game mobile tham gia và 2 quầy trải nghiệm game PlayStation 4 và mobile do… Ban tổ chức tự làm. Không cosplay, không anime manga và không một nhà sản xuất game tầm cỡ nào tham gia, một nửa diện tích được chia cho… thiết bị phát thanh truyền hình. Nó khiến Gamecon 2019 trở thành một nơi quảng bá thiết bị chơi game như bao sự kiện khác chứ không phải một thánh địa cho game thủ.
Một ngày hội khác mà Mọt được dịp “nghe danh nhưng chưa gặp mặt” đó là Vietnam Gaming Expo (VGE), một ngày hội lớn về game dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào giữa năm nay. Tuy nhiên ngày hội này đã không bao giờ diễn ra vì đã bị hủy bỏ, tất cả thông tin từ fanpage đến website đến đánh dấu sự kiện trên facebook đều đã biến mất hoàn toàn. Một kết thúc buồn cho một sự kiện được kỳ vọng là thánh địa cho làng game.
Tất nhiên đừng hiểu nhầm rằng Việt Nam chúng ta không có ngày hội game nào. Thực ra vẫn có nhiều hoạt động suốt năm dành cho game thủ nhưng nó chỉ dừng lại ở quy mô vừa phải. Có thể kể ra như Đấu Trường Máy Tính, Asus Expo, Geforce Day, Predator Fes… Tuy nhiên hầu hết những ngày hội này là do các hãng công nghệ tự tổ chức cho cộng đồng của mình và quảng bá sản phẩm công nghệ chuyên về game của mình đến khách hàng. Một ngày hội thực sự quy tụ các nhà sản xuất game lớn, kết hợp cộng đồng Game – Anime – Manga về một mối đủ tầm trở thành một thánh địa cho làng game hướng về chúng ta vẫn chưa có.
Chưa có chỗ mua sắm riêng cho các tín đồ Game – Anime – Manga
Một điều nữa cũng khiến cho Mọt buồn lòng khi so sánh với các khu vực khác là chúng ta chưa thực sự có một nơi tập trung mua sắm cho các tín đồ game – anime – manga, hầu hết mọi người đều phải tìm tới các khu vực mua sắm lẻ tẻ hoặc đặt hàng trên mạng. Điều này là thứ cản trở sự phát triển của cộng đồng rất lớn, vì những nơi mua sắm như vậy không những để phục vụ nhu cầu của anh em, cũng như còn là chỗ để tụ tập bạn bè hoặc những đồng đạo có cùng sở thích giống mình. Một điều dễ nhận thấy là các hội nhóm offline của game thủ Việt Nam hầu hết đều rất nhỏ lẻ hoặc kém tập trung, dẫn tới việc mặc dù có lượng người chơi rất lớn nhưng mãi mà nó không thể “lớn” được.
Nói lại một lần nữa thì ở Thai Lan có một chỗ rất nổi tiếng là Mega Plaza mà Mọt từng ghé qua, nó là một khu mua sắm tới 7 tầng chỉ toàn 100% các mặt hàng về Game – Anime – Manga, gần như bạn có thể tìm được mọi thứ ở đây bao gồm: máy và đĩa game, đồ sưu tập, Figure, mô hình thu gọn, Artbook, đồ chơi và ti tỉ thứ linh tinh đủ các loại. Nếu là một con Kênh Tin Game thì bảo đảm chỗ này chẳng khác gì thiên đường với bạn cả, chỉ riêng việc đi nhìn đống đồ chơi này cũng đủ hoa cả mắt rồi. Không những vậy Mega Plaza còn là nơi để các game thủ tụ tập với nhau, khi nó có cả khu vực bàn đấu dành cho Yugi-oh, chỗ đua xe RC và rất nhiều loại Board Game khác để bạn có thể ngồi xuống mà chiến luôn cùng rất nhiều thanh niên đam mê đú đởn giống mình.
Và quan trọng hơn hết là đồ đạc trong Mega Plaza vô cùng đa dạng, nói đơn giản là nó vô cùng thượng vàng hạ cám, bao gồm cả hàng fake tới real và cả những thứ có thể đặt làm riêng, các cửa hàng cũng “phân cấp” rõ ràng khi càng lên cao thì đồ đạc càng xịn hơn. Nếu là một người yêu thích sưu tầm thì hẳn bạn cũng hiểu việc mua các món hàng xịn là tốn kém cỡ nào, do đó rất nhiều người đã lựa chọn dùng đồ fake để thỏa mãn đam mê và nhẹ ví, đáng tiếc là ở Việt Nam thì việc này vô cùng khó khăn, vì chưa nói tới nguồn cung khan hiếm thì việc đặt hàng cũng khá nhiêu khê khi chúng ta chủ yếu phải đặt hàng online. Nếu như có một khu thương mại thuộc hàng “thánh địa” giống như Mega Plaza, thì việc cộng đồng Game – Anime – Manga của chúng ta sẽ có cơ hội phát triển như vũ bão là điều chắc chắn.
Sẽ thật buồn nếu mỗi khi muốn tham dự một thánh địa Game – Anime – Manga hàng năm hay muốn đến một thiên đường mua sắm cho dân mộ đạo bạn phải… xuất ngoại đi ké một quốc gia láng giềng. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Việt Nam được ưu ái thành một khu vực riêng trong hệ thống giải LMHT là VCS, có 2 suất tham gia CKTG nhưng sinh nhật 10 năm của LMHT lại tổ chức ở… Singapore? Nghe hơi buồn đúng không?
Và Mọt cũng như bạn, tự hỏi tại sao chúng ta là top 2 số lượng, top 1 tỷ lệ game thủ trong người dùng mạng nhưng lại chưa có một thánh địa game xứng tầm. Ở bài viết kế chúng ta sẽ thử cùng mổ xẻ nguyên nhân của sự “xơ xác” này nhé!
–
Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame