Góc nhìn VCS: Không có trách nhiệm thì đừng nhắc đến hai chữ "đam mê"

Một bộ phận không nhỏ các tuyển thủ Esports chuyên nghiệp dường như chưa ý thức được trọng trách mà công việc của họ yêu cầu.

Một trong những lý do dễ tiếp nhận nhất để Esports nói riêng, và ngành game nói chung có thể được xã hội thừa nhận, đó chính là khát khao và nhiệt huyết của những người trong nghề. Game ở Việt Nam vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, Esports thì tuổi đời lại càng non trẻ. Và cho đến thời điểm hiện tại, chắc chắn vẫn có không ít người chưa thể hiểu thế nào là khái niệm "thể thao điện tử".

Để đạt đến mục tiêu trở thành một "nét văn hóa mới" của thế hệ trẻ Việt, những người "làm Esports" đã phải nỗ lực trong một quãng thời gian dài, tranh đấu trên khắp mọi lĩnh vực. Từ việc đào tạo ra những lứa tuyển thủ xuất sắc để chinh phục các danh hiệu cao quý trong và ngoài nước, đến việc thành lập các giải đấu, các tổ chức và xây dựng chúng theo định hướng chuyên nghiệp. Sau hơn 10 năm phát triển, niềm vui lớn nhất đối với cộng đồng Esports, đó chính là việc nó đã được thừa nhận là một lĩnh vực, một ngành nghề.

Không có trách nhiệm thì đừng nhắc đến hai chữ đam mê - Ảnh 1.

Thế nhưng, đáng buồn thay, rất nhiều tuyển thủ thể thao điện tử - Những tinh hoa của Esports Việt, dường như lại chưa ý thức được điều đó, hay nói cách khác, dù có được tiền tài, danh vọng từ việc thi đấu, chơi game, thì không ít người trong số họ dường như chưa có sự tôn trọng đúng mực với công việc mình đang làm, chưa xem nó là một "cái nghề".

Nhân câu chuyện Zeros bị ban vĩnh viễn khỏi khuôn khổ giải đấu VCS vì lý do đùa giỡn quá trớn trên stream mới đây, người ta lại một lần nữa đặt ra những câu hỏi về nhận thức của một bộ phận đông đảo tuyển thủ chuyên nghiệp.

Nói về Zeros, kể từ sau chức vô địch VCS Mùa Hè 2019, số danh hiệu của Ma Vương 2k đã dần kém xa số lượng... án phạt mà anh phải nhận. Nhưng lần này thì không còn cơ hội để mà "làm lại" nữa. Nếu những lần trước, khung hình phạt cho Zeros chỉ xoay quanh mức cấm thi đấu vài trận, thì lần này, Ban tổ chức VCS đã gây bất ngờ khi khai trừ vĩnh viễn cái tên Zeros khỏi bản đồ LMHT Việt Nam.

Không có trách nhiệm thì đừng nhắc đến hai chữ đam mê - Ảnh 2.

Đáng nói hơn, những lùm xùm vây quanh Zeros giờ đây dường như đã trở thành "aura" gắn liền với tuyển thủ này. Đầu mùa thì than thở, đá xoáy GAM Esports khiến SBTC Esports bị trừ tiền thưởng, cuối mùa thì bị chính người thầy, người anh thân thiết Tinikun chỉ trích vì thói vô kỷ luật làm ảnh hưởng tới uy tín cả đội, để rồi chốt hạ bằng một lời tạm biệt "không đỡ nổi".

Có lẽ bản thân của Tinikun cũng không thể nghĩ rằng, những lời trách móc của anh dành cho cậu em thân thiết lại trở thành giọt nước tràn ly, biến Zeros thành "Zero", trước khi chính Ma Vương 2k tự tay "chốt sổ" sự nghiệp của mình bằng pha vạ miệng "lưu danh thiên cổ". Nhưng dẫu sao, Tinikun cũng chẳng hề có lỗi trong trường hợp của Zeros. Thậm chí, nếu Tinikun không cứng rắn hơn, thì với những người vốn dễ mềm lòng như Thầy Giáo Ba, SBTC Esports sẽ còn "toang" hơn nữa, khi các tuyển thủ cứ duy trì thói quen vô kỷ luật như vậy.

Zeros, vốn đã tiệm cận với "zero" từ sau status của Tinikun, phút chốc tụt xuống "âm vô cực" sau phát biểu tai hại trên sóng stream. Có vẻ như nhiều khán giả vẫn còn ấn tượng mãi với cậu bé 17, 18 tuổi ngây ngô, từng tỏa sáng rực rỡ ở Phong Vũ Buffalo năm xưa, mà không nhận ra rằng "Lok" của ngày xưa đã lớn, đã 21 tuổi đầu, đã thi đấu chuyên nghiệp được 4 năm và đã quá cái tuổi cần nhận thức rõ ràng về những gì bản thân đang làm.

Không có trách nhiệm thì đừng nhắc đến hai chữ đam mê - Ảnh 3.

Sớm bộc lộ tài năng trong bộ môn LMHT từ tuổi 14, lại còn là "con nhà nòi" khi 2 người anh ruột đều là những tuyển thủ Esports nổi tiếng, cho đến hiện tại, Zeros có thể coi là trường hợp điển hình cho trường hợp của những tài năng trẻ "sớm nở chóng tàn", mà đáng buồn thay, cái sự "tàn" đó lại do chính anh chàng này tự tạo nên.

Trong vụ việc Zeros và SBTC Esports bị phạt hồi đầu mùa, BLV Hoàng Luân đã từng chia sẻ: "Khi nó khiếu nại (Zeros tố GAM vẫn còn nợ lương) xong mình đã bảo về nhà tuyệt đối không được phát biểu gì trên MXH rồi. Vậy mà 30 phút sau thì nó đăng cái tus đó..."

Càng về "giai đoạn cuối" sự nghiệp, đáng ra là quãng thời gian khiến người ta trưởng thành hơn, thì Zeros lại càng cho thấy sự "ngờ nghệch, ngô nghê" cả trong lẫn ngoài sân đấu. Trên Đấu Trường Công Lý, anh chàng thực hiện nhiều tình huống solo-kills hơn, và cũng bị gank, bị bắt lẻ, hoặc solo-kills "lỗi" nhiều hơn. Còn ngoài đời thực, thay vì các đối thủ, thì những người bị Zeros làm cho đau đầu lại là... đội tuyển chủ quản của anh.

Có một ý kiến gây khá nhiều tranh cãi, đó là những hành động của Zeros xuất phát từ việc anh bỏ dở việc học hành và đi theo con đường game thủ quá sớm. Luận cứ của quan điểm này nhắm vào việc các tuyển thủ vốn chỉ biết chơi game, lại không được "dạy dỗ" một cách nghiêm khắc, dẫn đến nhiều trường hợp ứng xử thiếu chuẩn mực, toxic, hoặc không ý thức được hậu quả của hành động mình gây ra.

Không có trách nhiệm thì đừng nhắc đến hai chữ đam mê - Ảnh 4.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là nếu đổ thừa cho nguyên nhân bỏ học sớm, thì tại sao những Faker, Deft, hay ví dụ gần gũi nhất là SofM, Kiaya... lại vẫn duy trì được tác phong chuyên nghiệp cần có của một tuyển thủ? (thậm chí Kiaya còn chưa học hết tiểu học).

Để trả lời cho câu hỏi này, chỉ có một đáp án. Đó là trách nhiệm. Khi chỉ trích Zeros và các tuyển thủ SBTC về thói vô kỷ luật, Tinikun đã ví von về sự thiếu trách nhiệm dẫn đến tác phong hời hợt của họ: "Kiếm tiền nhờ khán giả nhưng lại không đánh vì khán giả".

Và quay trở lại câu chuyện "cái nghề", có lẽ nhiều tuyển thủ LMHT chưa xem nghiệp "cầm chuột" như một công việc mà họ được trả lương để đảm nhiệm, nói ngắn gọn là thiếu trách nhiệm và sự nghiêm túc. Từng có nhiều cá nhân nắm giữ cương vị Quản lý các tổ chức Esports than thở rằng: "Tuyển thủ thích thì ký hợp đồng, đến khi muốn đi thì đòi đi bằng được, mà chẳng thèm quan tâm hợp đồng họ đã ký có điều khoản gì. Tuyển thủ chỉ việc ra sân thi đấu thôi, đâu biết được vận hành một team Esports nó phức tạp và khó khăn như thế nào."

Nhiều tuyển thủ khi đứng trên đỉnh cao danh vọng thường nói về 2 chữ "đam mê". Bản thân họ cho rằng mình có được thành công là nhờ đam mê với game, nhờ khát khao chiến thắng cháy bỏng, đó là những lời phát biểu có thể chạm đến trái tim của vô vàn khán giả. Nhưng nếu nhìn nhận một cách thực tế, thì thành công trong Esports luôn là thành quả của cả một bộ máy vận hành chứ chẳng phải do bất kỳ cá nhân nào cả.

Không có trách nhiệm thì đừng nhắc đến hai chữ đam mê - Ảnh 5.

Tuyển thủ chuyên nghiệp không chỉ thi đấu vì "đam mê" của bản thân, họ còn lãnh trên vai trách nhiệm đối với đội tuyển chủ quản, và niềm hy vọng của người hâm mộ

Nếu bạn dành vài giờ mỗi ngày để chơi game ngoài quán net, bạn có thể gọi đó là đam mê. Nhưng khi đã bước chân vào con đường chuyên nghiệp, thì những định nghĩa đó phải được áp dụng làm động lực để hoàn thành trọng trách của một tuyển thủ, chứ không phải chỉ còn là lời nói suông nữa.

Có ý kiến cho rằng: "Điều hạnh phúc nhất trong đời người là được làm công việc mình thích, vì khi đó, chúng ta sẽ thức giấc với một nụ cười vào mỗi buổi sáng." Nếu đã cho rằng việc được sống với đam mê chơi game là một niềm hạnh phúc, thì bản thân mỗi tuyển thủ cũng phải có trách nhiệm với điều đó. Đam mê theo kiểu "chán thì thôi" chỉ là thứ đam mê nửa vời. Bởi suy cho cùng, bản chất của Esports cũng là một loại hình giải trí, và trọng trách của những người hoạt động trong bộ máy đó là phải mang đến niềm vui cho khán giả. Còn nếu xem việc chiều lòng người xem, ép mình vào khuôn khổ là một gánh nặng, thì xin đừng nhắc đến hai chữ "đam mê"!