Thương vụ đổi chủ của GAM Esports có giá lên tới 7 - 9 tỷ VNĐ?

GAM Esports là một trong những thương hiệu đắt giá bậc nhất làng Esports Việt Nam, và sẽ không lạ nếu NRG phải chi cả vài trăm nghìn USD cho thương vụ này.

GAM Esports đã chính thức đổi chủ, khi đội tuyển này được NRG ASIA mua lại trong một thương vụ được đánh giá là "lớn nhất lịch sự VCS". Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người vẫn còn đang thắc mắc rằng "lớn nhất" ở đây là lớn tới mức nào? Và con số mà NRG bỏ ra để có được quyền sở hữu GAM Esports - Đương kim vô địch VCS, đội tuyển giàu truyền thống nhất của LMHT Việt Nam, là bao nhiêu?

Thương vụ đổi chủ của GAM Esports có giá lên tới 7 - 9 tỷ VNĐ? - Ảnh 1.

Mới đây, ngay trong ngày công bố thông tin về chủ sở hữu mới của GAM, thì một nhân vật có tên T. đã lên tiếng "bóc phốt" đại diện của NRG, tố tổ chức này "ăn quỵt" số tiền môi giới của thương vụ mua lại GAM như đã thỏa thuận.

Tính chính xác của vụ việc như thế nào, xin phép không bàn tới ở đây. Nhưng có một chi tiết đáng lưu ý, đó là việc số tiền "5% tổng giá trị mua lại quyền sở hữu GAM" mà nhân vật T. nhắc tới, được cho là khoảng 200 triệu VNĐ. Từ đây, có thể hiểu rằng tổng giá trị thương vụ đình đám này rơi vào khoảng 400.000 USD (khoảng 9,2 tỷ VNĐ).

Nhân vật T. cũng cho biết, NRG nhận định rằng con số 400.000 USD này là hơi đắt, vì vậy, số tiền thực chi của họ có thể thấp hơn. Nhưng không loại trừ khả năng phía GAM cũng đưa ra đầy đủ luận điểm thuyết phục để khiến đối tác của họ gật đầu với mức giá cuối cùng là tròn 400.000 USD.

Theo một nguồn tin thân cận của chúng tôi, con số thực tế mà NRG đặt lên bàn đàm phán với GAM Esports rơi vào khoảng 300.000 USD (6,9 tỷ VNĐ).

Thương vụ đổi chủ của GAM Esports có giá lên tới 7 - 9 tỷ VNĐ? - Ảnh 2.

Xét tương quan thị trường thể thao điện tử Việt Nam, mà cụ thể ở đây là LMHT, thì con số 6,9 - 9,2 tỷ cho việc sở hữu một đội tuyển giàu thành tích nhất khu vực là tương đối hợp lý. Hợp lý ở đây không phải là khẳng định rằng con số trên tương đương giá trị thực của GAM, mà là ở vấn đề mệnh giá chuyển nhượng và giá trị thương hiệu.

Tại VCS, tuyển thủ từng được định giá chuyển nhượng cao nhất là Dia1 - Vào giai đoạn mùa giải 2020. Người đi đường giữa của SBTC Esports khi đó được đồn đoán là có giá trị hợp đồng lên tới hơn 1 tỷ VNĐ. Hay như trường hợp của Palette, tuyển thủ hỗ trợ này cũng được định giá chuyển nhượng 900 triệu VNĐ, thông qua tiết lộ của cựu HLV GAM - Tinikun.

GAM Esports hiện tại đang sở hữu ít nhất 3 cái tên có thể định giá chuyển nhượng trên 1 tỷ VNĐ, đó là Kiaya, Levi và Kati. Ngoài ra, theo một số nhận định, GAM tại VCS có vị thế tương tự như Manchester United trên bản đồ bóng đá thế giới. Tức là với thương hiệu và tầm vóc đã được khẳng định, thì ngay cả khi có không vô địch VCS, đội tuyển này vẫn là cái tên có thể sinh lời nhờ việc mở rộng thương hiệu.

Hơn nữa, ngoại trừ giai đoạn 2018, thì hầu hết lịch sử của GAM đều gắn liền với cuộc đua vô địch. Nếu không bị gián đoạn vì dịch bệnh, thì GAM cũng là cái tên góp mặt trong 2 giải đấu quốc tế gần nhất, và là cái tên quen thuộc nhất của VCS trong mắt cộng đồng LMHT thế giới. Thế nên, NRG mua lại GAM, không hẳn là mua lại quyền sở hữu đội "Đương kim vô địch", mà thực tế còn hơn vậy, họ đã mua lại thương hiệu tầm cỡ quốc tế hiếm hoi của làng Esports Việt.

Thương vụ đổi chủ của GAM Esports có giá lên tới 7 - 9 tỷ VNĐ? - Ảnh 3.

Cũng theo một số thông tin mà chúng tôi thu thập được, thì thực tế việc đàm phán mua lại GAM Esports đã được tiến hành từ trước trận Chung kết VCS Mùa Xuân 2021, và điều này cũng có thể coi là một minh chứng cho luận điểm trên.

Ngoài ra, so sánh một chút về bình diện quốc tế, thì con số 300.000 - 400.000 USD để mua lại GAM Esports vẫn còn khá nhỏ bé, khi đặt cạnh 1 slot thi đấu tại LCK theo thể thức nhượng quyền thương mại. Để góp mặt tại giải đấu LMHT Hàn Quốc, mỗi tổ chức phải chi ra tới 10 triệu USD. Đổi lại, họ sẽ không lo ngại việc phải xuống hạng, ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu và doanh thu.

Dĩ nhiên, so sánh giữa VCS và LCK lúc này quả thực khá khập khiễng, vì thực tế là thị trường Esports của Hàn Quốc đã đi trước chúng ta gần... 2 chục năm rồi, và khi mà LCK đang trở thành một biểu tượng văn hóa quốc dân thì VCS vẫn đang còn chật vật hoàn thiện hình ảnh "chuyên nghiệp hóa". Tuy nhiên, "phát súng" này của GAM Esports có thể sẽ là một chất xúc tác để VCS tiến gần hơn với mô hình hiện đại của LCK hay LPL, bởi nếu NRG thành công với GAM, thì chắc chắn đó sẽ là điều kiện thu hút thêm nhiều nhà đầu tư triệu đô bước vào sân chơi VCS.