Lập "danh sách đen" nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục: Muộn còn hơn không

Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc lập "danh sách đen" là một thử nghiệm quan trọng trong xử lý nghệ sĩ vi phạm.

Dù bị lên tiếng phản đối nhiều lần nhưng hiện tượng vi phạm của nghệ sĩ, người nổi tiếng vẫn cứ diễn ra. Quảng cáo sai sự thật, hành động phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục…, những vi phạm ngày một diễn ra nhiều hơn với những hình thức đa dạng.

Mới đây, một người mẫu đăng tải clip tạo dáng, thả 2 tay trong khi đang điều khiển mô tô. Lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản đối với Ngọc Trinh về 2 lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 2 mô tô phân khối lớn.

Trước đó, một đầu bếp đã đăng bài trên tài khoản cá nhân, miệt thị xúc phạm báo chí với những lời lẽ thô tục, sau đó đầu bếp này đã xóa bài viết và cho rằng bị hack tài khoản. Sau sự việc, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với các cơ quan chức năng và đề nghị xác minh, xử lý chủ tài khoản. Người này bị xử phạt 7,5 triệu đồng, cam kết sẽ công khai xin lỗi trên Facebook và hứa không tái phạm.

Trong cuộc họp báo mới đây, Liên quan đến một diễn viên nhận lỗi vì đã quảng cáo sai sự thật, đại diện Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ riêng diễn viên này, với các cá nhân, đơn vị được xác định là vi phạm, Sở sẽ xem xét đưa các cá nhân này vào "blacklist" (danh sách đen) của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, doanh nghiệp được khuyến cáo không hợp tác với các kênh nằm trong danh sách này.

Và sau nhiều lần đề xuất, một quy trình xử lý nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục đã được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan, đó là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là thông báo chính thức được đưa ra tại họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng…, ngoài xử lý theo quy định pháp luật, hai bộ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động.

Lập danh sách đen nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục: Muộn còn hơn không - Ảnh 3.

Quy trình xử lý sẽ là Bộ Thông tin và Truyền thông lập một danh sách nghệ sĩ vi phạm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dựa trên danh sách này và mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật, sẽ có hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình để kiểm soát sự hiện diện của những nghệ sĩ này, từ sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đến các hoạt động xã hội…

Toàn bộ nội dung quy trình đã được hai bộ xây dựng hoàn tất, lấy ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp và bộ liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền. Vụ Pháp chế đang chuẩn bị trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy trình này.

Lập "danh sách đen" nghệ sĩ vi phạm, muộn còn hơn không, đây là ý kiến của phần đông công chúng khi đón nhận thông tin này. Tuy nhiên làm thế nào để quy trình này thật sự hoạt động hiệu quả, không có hiện tượng đánh trống bỏ dùi. Đó là sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng lúc này.

Trước đó, những quy định, chế tài xử lý các nghệ sĩ vi phạm văn hóa ứng xử như Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành kèm theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL, ngày 13/12/2021; Luật quảng cáo về nội dung quảng cáo… Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, quy trình xử lý người nổi tiếng, nghệ sĩ vi phạm hiện đang được hai cơ quan là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện không chỉ không chồng chéo với những văn bản đã ra trước đây mà còn lấp được những khoảng trống trong vấn đề xử lý các vi phạm ở lĩnh vực này.

"Vì chưa xác định được đối tượng cần xử lý trong luật Quảng cáo nên lần này, chúng ta đã xác định được nghệ sĩ - những người truyền tải quảng cáo - có trách nhiệm với các sản phẩm quảng cáo của mình. Vì thế, chúng ta đưa quy trình xử lý này vào" - ông Bùi Hoài Sơn nói - "Tôi nghĩ cách chúng ta đưa quy trình này vào rất quan trọng, tìm được điểm yếu cần xử lý".

Lập danh sách đen nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục: Muộn còn hơn không - Ảnh 4.

"Muốn làm đúng quy trình thì phải đánh giá được đúng nguyên nhân và mức độ vi phạm. Từ đó, chúng ta sẽ có được hình thức chế tài với nguyên nhân và mức độ vi phạm đó. Bởi có nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ quan và khách quan, hình thức vi phạm cũng có nhiều kiểu khác nhau, có thể có vi phạm ở mức độ thấp nhưng cũng có vi phạm lặp đi lặp lại, cố tình và nghiêm trọng cách thức xử lý phải khác. Quy trình xử lý của chúng ta cũng phải xử lý những điều đó", ông Bùi Hoài Sơn cho hay.

Đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố "White List" và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, các nhãn hàng tuân thủ pháp luật về quảng cáo trên mạng. Danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo được cập nhật trong quý I năm nay với gần 300 đơn vị được chia thành 3 phần. Đó là cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Thông tin bao gồm cơ quan cấp phép, số giấy phép, ngày, tháng giấy phép, tên tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép, tên cơ quan chủ quản, tên miền…

Đối với thiết lập danh sách đen (Black List) những nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm, ông Bùi Hoài Sơn nhận định đây là một công việc phức tạp vì liên quan đến con người. "Nếu có hình thức xử phạt không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp và danh dự của nghệ sĩ. Vì thế, phải cân nhắc quá trình này, phải có đánh giá tác động xã hội, đưa ra tiêu chí cụ thể, phù hợp và rõ ràng để khi xử phạt phải tâm phục khẩu phục, nhận được sự ủng hộ của xã hội và không ảnh hưởng quá tiêu cực đến nghệ sĩ khiến họ đánh mất tất cả. Đó là những yếu tố tôi nghĩ nó vô cùng quan trọng khi chúng ta xây dựng, đưa ra tiêu chí để có danh sách đen. Đây là thử nghiệm quan trọng, nhất là trong môi trường số", ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Từ những năm 2017, danh sách đen đã được đề cập đến. Thế nhưng, đến nay câu chuyện này vẫn đang trong bước dự thảo. Giải pháp cấm sóng, hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm cũng từng được đề xuất. Và lần này, nếu không quyết liệt thì câu chuyện đầu voi đuôi chuột sẽ rất dễ lặp lại. Điều này là khó có thể chấp nhận trong bối cảnh vi phạm của nghệ sĩ, người nổi tiếng đã gây ra hệ lụy quá lớn quá rõ ràng với cộng đồng.