Tại trại cá tầm giữa lòng thủy điện Sơn La, những con nuôi lâu năm có trọng lượng hơn 60 kg, to như cột nhà, hàng ngày chúng được các kĩ sư và nhân viên đi kiểm tra, chăm sóc riêng.
Báo Dân Việt đưa tin, tận dụng mặt nước trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La – nơi có khe nước lớn bốn bề là đồi núi, ông Nguyễn Văn Khải (thuộc xã Mường Trai, huyện Mường La, Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 tỷ đồng trong 7 năm để nuôi cá. Trại của ông Khải hiện có 185 lồng nuôi 20 loại cá tầm khác nhau, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng
Trại cá tầm của ông Nguyễn Văn Khải (48 tuổi) nằm trong lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc xã Mường Trai, huyện Mường La (Sơn La). Năm 2012 khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động ông Khải bắt đầu nuôi cá tại đây, sau 7 năm, tổng kinh phí đầu tư vào trại cá này là hơn 100 tỷ đồng, theo báo VnExpress.
“Cá tầm chỉ sống được ở vùng có nước sạch nên tôi đã chọn vùng thượng nguồn sông Đà để nuôi vì ở đây xa dân cư, không có khu công nghiệp”, ông Khải nói.
Đa phần cá giống được nhập khẩu từ Nga. Những năm gần đây Việt Nam bắt đầu nghiên cứu sản xuất giống cá tầm nhưng chưa đạt hiệu quả. Cá tầm ở giai đoạn 2-3 tháng tuổi là thời kỳ khó nuôi nhất.
Cá được nuôi trong các lồng sắt quây lưới nổi; độ sâu lồng khoảng 6 m dưới mặt nước với ba loại kích thước là 36 m2, 113 m2 và 300 m2. Trại của ông Khải hiện có 185 lồng nuôi 20 loại cá tầm khác nhau.
Những con cá nuôi lâu năm có trọng lượng hơn 60 kg, hàng ngày kĩ sư và nhân viên trại cá tầm đi kiểm tra, chăm sóc từng con.
“Với thời tiết ở Việt Nam, cá tầm hay bị sưng miệng do nắng nóng, loài cá này chỉ sống được ở nhiệt độ dưới 30 độ C. Ở Sơn La từ tháng 4 đến tháng 7 nhiệt độ cao nên năm nào tỉ lệ cá chết cũng lên tới 30%. Chúng tôi chấp nhận tỷ lệ đó vì ở nước ta ít nơi nào có điều kiện nuôi tốt hơn”, ông Khải cho hay.
Ông Nguyễn Văn Khải cầm trên tay con cá tầm màu vàng. “Đây là giống biến đổi gen, một triệu con cá giống mới có một con, màu sắc của nó thay đổi theo màu nước. Trong 7 năm qua, cả trại mới có một con cá như thế này nên tôi nuôi để kỷ niệm không bán”, ông Khải nói.
Cá tầm được nuôi bằng thức ăn công nghiệp phối trộn với cá mương, cá biển xay nhuyễn có hàm lượng đạm cao. Mỗi ngày nhân viên cho cá ăn hai lần vào sáng và tối.
Cá tầm nuôi 18 đến 30 tháng đạt trọng lượng từ 1,5 kg đến 7 kg thì bắt đầu được bán ra thị trường. Những con cá trên 30 kg chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng và được vận chuyển bằng xe lạnh.
Trung bình mỗi ngày trại xuất khoảng 500 đến 700 kg cá; ngày cao điểm hơn 3.000 kg cá được bán ra thị trường Hòa Bình, Hà Nội…
Lồng cá tầm nhìn từ trên cao. Ông Khải dự định đến năm 2025, trại cá của ông sẽ có khoảng 2.000 lồng, phục vụ nhu cầu của tất cả các tỉnh miền Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo: VnExpress