Với những người hâm mộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, không ai là không nghe đến "nữ nhi hồng" - loại rượu trứ danh thường xuyên được các anh hùng võ lâm như Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ), Kiều Phong (Tân Thiên long bát bộ)... khen ngợi. Thế nhưng không phải ai cũng biết đến nguồn gốc về loại rượu nổi tiếng này. Theo truyền thông Trung Quốc, "nữ nhi hồng" được mệnh danh là "Đệ nhất danh tửu" luôn chính là chủ đề được nhiều người quan tâm và khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Từ tên gọi đến hương vị của "nữ nhi hồng" đều khiến người ta không thể cầm lòng cho đặng.
Những giai thoại truyền đời
Có nhiều "dị bản" kể về nguồn gốc của rượu "nữ nhi hồng" khiến nhiều người không biết đâu mà lần. Trong truyền thuyết và phim kiếm hiệp, rượu "nữ nhi hồng" thường xuyên xuất hiện từ các quán rượu đắt đỏ nhất nhì kinh thành đến những tửu khách nhỏ ven đường khiến nhiều người nghĩ rằng đây là thứ rượu đại trà.
Thế nhưng "Nữ nhi hồng" là một trong những loại rượu cổ truyền hàng đầu Trung Quốc, còn có cái tên khác đầy quyền quý là “Hoàng tửu Triệu Hưng” hoặc là “Rượu trinh nữ”, với công thức pha chế cực kỳ phức tạp. Loại rượu này được xếp ngang hàng với rượu Mao Đài Quý Châu hay Ngũ Lương Dịch, sau khi được ngâm ủ thêm mười mấy năm, Hoàng Tửu Triều Hưng lúc này mới trở thành "Nữ nhi hồng".
Người trong giang hồ đồn rằng phương thức làm ra loại rượu trứ danh này vô cùng phức tạp. Người ta phải tuyển chọn những thiếu nữ xinh đẹp, vừa bước sang tuổi 13, vẫn còn trinh trắng. Sau đó, các thiếu nữ sẽ được tắm giặt, khoác lên mình những bộ bạch y trắng muốt như tiên nữ và trải qua phần nghi lễ bắt buộc.
Những trái nho tươi ngon nhất sẽ được mang tới ngay khi chúng vừa được thu hoạch để phục vụ cho việc làm rượu. Các cô gái sẽ chậm rãi nhai nho, nhả nước nho ra rồi hạ thổ, chưng cất mấy chục năm mới cho ra thứ rượu hảo hạng làm điên đảo bao anh hùng hào kiệt trong giang hồ.
"Nữ nhi hồng" tượng trưng cho sự trinh trắng của người con gái nên chỉ được dùng trong các dịp đặc biệt
Tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng "nữ nhi hồng" đích thực được làm từ lúa mạch chứ không phải nho. Lúa mạch phải chọn loại thượng hạng, chưng cất với nước lấy từ thượng nguồn suối đá.
Theo võ sư Băng Sơn - một người nghiên cứu và am hiểu văn hóa Trung Quốc thì khẳng định rằng đó chỉ là những lời đồn thổi dựa trên trí tưởng tượng của con người. Vị võ sư cũng cho biết "nữ nhi hồng" được làm từ gạo nếp thơm của vùng Hoa Nam đầy thiên tai bão gió, nấu bằng nước sông Dương Tử, cùng chất men đặc biệt làm say đắm lòng người.
Uống “nữ nhi hồng” say tình mỹ nữ
Dù có nhiều giai thoại về rượu "nữ nhi hồng" nhưng truyền thông Trung Quốc cho biết nhiều người dân tin nhất vào phiên bản nguồn gốc của loại rượu này ở Thiệu Hưng - Chiết Giang. "Nữ nhi hồng" là một loại rượu nếp xuất phát từ vùng sản xuất rượu nức tiếng Thiệu Hưng. Những gia đình ở đất rượu này, nếu sinh con gái, đợi đến khi con đầy tháng sẽ chọn vài vò rượu loại thượng hạng, dán kín miệng, chôn xuống đất hoặc cất trong hầm. Đợi đến ngày con gái xuất giá, họ sẽ lấy ra thiết đãi bạn bè người thân, do đó mà có tên là “nữ nhi hồng”.
Kiều Phong (Chung Hán Lương) cũng gọi loại rượu trứ danh này trong Tân Thiên long bát bộ
Tương truyền, ngày xưa, ở Thiệu Hưng có một người thợ may rất muốn có con. Một hôm, biết tin vợ mang thai, anh chàng vô cùng vui sướng, vội về nhà ủ mấy vò rượu, chuẩn bị đãi bạn bè người thân. Vì ủ nhiều rượu quá nên bạn bè uống không hết, sau đó anh chàng tiện thể chôn mấy vò rượu còn dư xuống dưới gốc cây hoa quế sau vườn.
Năm tháng dần trôi, cuối cùng cũng đến lúc, anh chàng vui mừng tổ chức hôn sự cho con gái. Ngày thành thân bày tiệc đãi khách, người thợ may uống rượu rất vui vẻ, bỗng dưng nhớ lại mấy vò rượu chôn dưới gốc cây hoa quế mười mấy năm trước bèn đào lên đãi khách. Vừa mở vò rượu ra, hương thơm ngào ngạt, màu đậm, vị nồng, uống rất ngon. Thế là, mọi người đều gọi loại rượu này là rượu “nữ nhi hồng”, hay “nữ nhi tửu".