Sau khi bị phản ánh keo kiệt và nhận bão review 1 sao trên các ứng dụng, nhà phát hành miHoYo bất ngờ gửi email cảm ơn tới người chơi, đồng thời tặng phần quà trong game với nội dung tri ân họ vì sự ủng hộ đối với tựa game Genshin Impact do hãng phát hành.
Theo đó, món quà được chia làm 4 phần (dự kiến trao xong sau 4 ngày), phần đầu tiên gồm 400 nguyên thạch và một trang phục cánh (Phong Chi Dực) cho nhân vật sử dụng trong game. Đây được xem là động thái xoa dịu người chơi sau những căng thẳng vài ngày gần đây.
Sau gói quà thứ nhất, nhiều người nhận ra đây thực chất là 1 phần trong gói sản phẩm mà Mihoyo từng công bố kế hoạch mở bán với giá 30 USD trước đó và hiện tại gói sản phẩm này hiện đã công bố hoãn mở bán vô thời hạn.
Dù vậy, nhà phát hành Trung Quốc vẫn chưa chính thức có một tuyên bố về sự kiện hay phần thưởng nào đề cập trực tiếp đến “Lễ kỷ niệm sinh nhật 1 năm Genshin Impact”, tất cả đều chỉ đề cập rất chung chung.
Cũng nằm trong danh sách những cái tên bị réo gọi trong thời gian qua, Konami đã có lời xin lỗi gửi đến game thủ về “thảm họa” eFootball 2022.
Cách đây không lâu, khi tựa game này được ra mắt, người chơi đã hết sức thất vọng vì phần đồ họa cực kỳ tệ. Thậm chí nếu so sánh với các phiên bản PES cách đây 5-7 năm, eFootball cũng không bằng: mặt sân cực xấu, chuyển động nhân vật cứng nhắc, tạo hình dị hợm... tất cả đã tạo nên một eFootball tồi tệ không lời nào có thể diễn tả.
Trong một thông báo gần đây trên trang Twitter chính thức của eFootball, Konami đã tuyên bố xin lỗi tới cộng đồng game thủ và đặc biệt là fan hâm mộ về những vấn đề mà eFootball 2022 gặp phải khi vừa mới phát hành.
Konami hứa hẹn rằng fan sẽ thấy các bản cập nhật sửa lỗi bắt đầu từ tuần tới và nhóm phát triển đang chuẩn bị gửi các câu hỏi đến game thủ để thu thập thêm phản hồi.
Dù cho đã có sự nỗ lực cải tổ thế nhưng nhiều người cho rằng Konami thật khó để xoá đi những vết chàm lem luốc vừa qua.
Thế mới thấy, dù là đối tượng cực kỳ yêu thích những tựa game này nhưng người chơi vẫn sẵn sàng tuyên chiến với nhà phát hành nếu không được đáp ứng kỳ vọng. Cũng dễ hiểu thôi bởi game cũng là một trong những lĩnh vực giải trí dịch vụ, việc họ bỏ tiền để đổi lại trải nghiệm tuyệt vời thì cũng đồng nghĩa có thể đòi hỏi, đảm bảo quyền lợi của chính mình.
Đồng thời, đây cũng như một lời cảnh cáo đến nhà phát hành, đừng coi thường và “chọc điên" khách hàng của mình, bởi họ chính là những “khố vàng" đang giúp sức cho sự lớn mạnh của công ty.