Captain Tsubasa và giấc mơ sân cỏ chưa chi đã chết yểu của một game thủ - PC/Console

Ai mê đọc Captain Tsubasa chắc hẳn từng có giấc mộng chinh phục sân cỏ như cầu thủ tài ba người Nhật Bản nhưng cuộc sống đâu như là mơ.

Theo thông tin hóng hớt từ nhiều nguồn và độ tin cậy cũng không chắc chắn lắm (nhưng đọc chơi cho vui cũng được) thì vào năm 1992, khi giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng lúc đó là bác Nguyễn Thắng Vu sang Nhật Bản nhằm tham khảo thị trường truyện tranh của nước bạn để tìm đầu ra cho thị trường trong nước vốn khá trầm lắng vào thời điểm đó. Các NXB truyện tranh của nước bạn khi tiếp nhận đề nghị của chúng ta đã nhanh chóng đưa ra hai cái tên nổi tiếng, thuộc dạng hoa thấy hoa nở, người thấy người mê là Doraemon và Captain Tsubasa.

Captain Tsubasa Dream Team
Đánh giá Captain Tsubasa Dream Team: Làng gió mới đắt giá dành cho game thủ gMO
Nhắc đến Captain Tsubasa chắc hẳn không ai trong chúng ta là không nhớ đến huyền thoại bóng đá truyện tranh, mê mẩn biết bao nhiêu kí ức của tuổi thơ.

Sau khi cân nhắc cuối cùng Kim Đồng quyết định chọn mặt gửi vàng chú mèo máy và cho xuất bản dưới cái tên thân thương là Đôrêmon vào năm 1992. Phần còn lại dĩ nhiên đã trở thành lịch sử nhưng Mọt tui muốn nói rằng cậu bé mê bóng đá Ozora Tsubasa cũng không mất thời gian quá lâu để làm quen với độc giả Việt bởi một năm sau, nhà xuất bản Trẻ cũng kịp mang về Captain Tsubasa dưới tựa Subasa. Đây chính là bệ phóng vững chắc để phía Trẻ tiếp tục đưa về Việt Nam nhiều tựa truyện hiếm trong thập niên 1990 mà tới nay vẫn còn chưa được tái bản.

Captain Tsubasa kể về cuộc đời của cậu bé cùng tên với đam mê và tài năng chơi bóng đá thiên tài. Bộ truyện trở thành động lực và biểu tượng cho nhiều thế hệ trẻ em chơi bóng đá tại Nhật Bản, sau đó là Việt Nam và các nơi trên thế giới. Cho đến giờ, không ít độc giả hẳn không thể quên những khoảnh khắc Subasa hoặc đồng đội ghi bàn nhờ “cú sút bẻ lái”, “cú sút bẻ lái bóng bay”, “cú sút chim ưng”… hay những lúc họ bị đe dọa bởi “cú sút cọp tát”, “cú sút tia lửa”, “cú sút đại bác”… từ phía đối thủ.

Tuổi thơ của đứa trẻ 8X nào cũng có mèo máy Doraemon

Doraemon thì khỏi nói rồi bởi tuổi thơ của trẻ con Việt Nam lúc ấy toàn là mấy bộ truyện tranh nhảm nhí do tác giả trong nước tự vẽ kiểu như Hiệp sĩ đầu sừng hoặc phóng tác từ các siêu phẩm nhưng thay đổi tên họ nhân vật, thậm chí là cắt cúp khung tranh để thay đổi luôn cốt truyện. Không biết bà con có nhớ hay không chớ Mọt tui là đến khi lớn vẫn còn giữ hai cuốn truyện mang tên Lôi Bảo diệt ma vương do nhà xuất bản lụi nào đó ra mắt. Lôi Bảo không ai khác chính là Son Goku và ma vương do Xên bọ hung thủ vai. Hóa ra các ông bên NXB lụi lấy được vài tập Dragon Ball nhưng không biết tiếng Nhật nên tự vận dụng trí tưởng tượng siêu phàm của họ để xào nấu chế biến bậy bạ hai nhân vật nổi tiếng thành những cái tên khiến người ta dở khóc dở cười.

Từ Captain Tsubasa đến giấc mơ sân cỏ chưa thành hình đã chết yểu của một game thủ

Do không biết tiếng, tên các nhân vật bị chế đã đành, nội dung của quyền truyện cũng thật sự là khó đỡ khi hư cấu rằng Xên bọ hung là ma vương ngàn năm tái thế muốn thống trị thiên hạ và Son Goku cùng các dũng sĩ khác phải tiêu diệt để mang lại hòa bình cho nhân gian. Cốt truyện có vẻ sến sẩm, tên tuổi thì loạn xạ còn lời thoại rất chi là vớ vẩn nhưng ở cái thời thiếu thốn sản phẩm văn hóa giải trí hồi đầu thập niên 90, với bọn trẻ con đó vẫn là một món ngon khó cưỡng. Đáng tiếc bộ truyện có mỗi hai tập, không biết do NXB lụi không kiếm thêm được quyển Dragon Ball nào hay do nguyên nhân gì đó khác. Chỉ biết Mọt tui khá là tiếc khi không thể theo dõi tiếp cuộc phiêu lưu của Lôi Bảo cũng như ra sức chửi bới cái NXB đó khi xem được ngoại hình Son Goku thay đổi lúc khỉ con bất tử đã trưởng thành ở đại hội võ thuật.

Nói dai như vậy chỉ nhằm giải thích một điều, sức hút của mèo máy là không thể cản phá. Hồi nhỏ đi học ai mà không có một thằng bạn to béo chuyên bắt nạt mình như Chaien? Hồi nhỏ đi học ai mà không có một thằng bạn chuyên mách lẻo tội của mình với giáo viên chủ nhiệm như Xêkô? Tất nhiên với lứa 8X đời đầu và có phần hơi ngáo như Mọt tui thì bé Xuka là yếu tố gì đó hơi xa vời và có phần khá là trừu tượng. Cuối cùng thì ai mà không mong có một ông bạn gay tốt như Đôrêmon chớ? Cần tiền có tiền (tập gửi tiền vào ngân hàng 100 năm rồi rút, sau mới biết cái ý tưởng này là hoàn toàn bất khả thi dù bạn có cỗ máy thời gian nhưng ngày đó vẫn tin sái cả cổ), cần người có người (không ít lần mèo máy đã cho tên vô dụng nhất vũ trụ mượn những món giúp hắn tìm bạn gái sơ cua mà ngày nay người ta có thể liên tưởng đến các dịch vụ thiếu lành mạnh).

Một người bạn chẳng bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì vượt quá khả năng của chúng ta (chăm chỉ học tập, siêng chơi thể thao, làm việc nghiêm túc), chưa kể còn lâu lâu còn lén lút đưa thuốc cho cắn, đưa đồ giúp chơi ăn gian, hack cheat các kiểu để giảm độ khó của game thì ai mà không mong muốn đây?

Nhưng Captain Tsubasa mới là giấc mơ của mọi thằng nhóc

Đám con trai cùng lứa với Mọt tui, 10 đứa chắc hết 9 là thích làm mấy trò kỳ quái với trái banh, đứa còn lại không thích vì nó mê chơi búp bê hơn. Dĩ nhiên ngoài những trận quần nhau trên sân sau giờ học thể dục hay những bữa cúp cua ra công viên để học đòi trở thành Michel Platini thì truyện tranh Captain Tsubasa (sau này có thêm trò chơi điện tử) là phương tiện đắc lực nhất để một thằng nhóc được thỏa lòng với giấc mơ sân cỏ hay hưởng thụ ké chút vinh quang từ cầu trường sôi động. Cuộc sống quá khắc nghiệt, khi lớn lên một chút nhiều người trong số đó từ từ sẽ nhận ra bằng cách này hay cách khác rằng đá bậy đá bạ chơi cho vui thì được chớ muốn trở thành Lê Huỳnh Đức hay Văn Sỹ Hùng thì thôi tắm một phát rồi đi ngủ biết đâu mơ còn dễ hơn.

Từ Captain Tsubasa đến giấc mơ sân cỏ chưa thành hình đã chết yểu của một game thủ

Mọt tui cũng biết sự khắc nghiệt đó nhưng theo một cách khá là cực khổ bởi nó đến từ cú xoạc bóng thần sầu của thằng thằng hậu vệ lớp 8A trong giải Hội khỏe Phù Đổng cấp trường năm 1997. Cái chân gãy thì đau thôi rồi nhưng đau nhất vẫn là giấc mơ trở thành Captain Tsubasa ngoài đời thật từ đây sẽ đồng hành cùng bản thân như phương trình hai đường thẳng song song hay sâu lắng như bài hát Dĩ Vãng Cuộc Tình do Tuấn Hưng trình bày. Cũng từ dạo ấy, không bóng bánh công viên Văn Lang cũng chẳng còn những buổi quần nhau khi sân Phú Thọ vừa chớm nắng vàng ươm như ruộng đồng mùa lúa chín. Có lẽ động lực lớn nhất để tâm tính của một thằng nhóc mới lớn bình ổn trở lại sâu cú sốc chính là lục lại bộ truyện tranh cũ để đọc lại.

Thời điểm đó cũng có nhiều bộ truyện bóng đá khác từ nghiêm túc như Cơn Lốc Sân Cỏ (Whistle) cho đến bẩn bựa như Đường Dẫn Đến Khung Thành (Kattobi Itto) nhưng có lẽ như người ta thường nói, cái gì đến đầu tiên cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất, Captain Tsubasa vẫn là bộ truyện khiến cho tâm linh đang bị tổn thương sâu sắc (bây giờ nghĩ lại chuyện đó thật ngớ ngẩn) cảm thấy được xoa dịu nhiều nhất Hết truyện tranh thì bắt đầu đến game, hồi còn chơi NES cũng thử qua vài con game về Tsubasa nhưng ngôn ngữ tiếng Nhật cùng lối chơi không khác gì dàn trận đội lốt bóng đá khiến Mọt tui nhanh chóng mất hứng thú với những tựa game ăn theo này. Thứ khiến nhiều cậu nhóc trốn học chơi game sau đó ăn đòn nát đít vào thời điểm đó không gì khác chinh là International Superstar Soccer hay còn được dân chuyên đi Việt hóa tên game Nhật gọi là Đá banh Siêu Sao.

Từ Captain Tsubasa đến giấc mơ sân cỏ chưa thành hình đã chết yểu của một game thủ

Về cơ bản International Superstar Soccer là tựa game bóng đá ra mắt trên hệ máy Super Nintendo (SNES) lần đầu vào năm 1994. Ngay từ khi ra đời, International Superstar Soccer đã được các game thủ đón nhận một cách nồng nhiệt khi tỏ ra nổi trội hơn so với những đối thủ cùng thời như Striker, Kick Off hay FIFA. Ưu điểm lớn nhất của Đá banh Siêu Sao là cơ chế vật lý xuất sắc, trong đó phải kể đến khả năng tương tác với trái bóng thông qua các cú chuyền hoặc sút. Nhận ra tiềm năng phát triển của thể loại game bóng đá, Konami tiếp tục tung ra International Superstar Deluxe một năm sau đó cho thị trường châu Âu và một phiên bản tương tự dưới tên gọi Fighting Eleven cho thị trường Nhật Bản. Vào năm 1996, Konami tiếp tục phiên bản mở rộng Megadrive, biến sản phẩm này trở thành trò chơi đầu tiên hỗ trợ 8 game thủ cùng nhau thi đấu tại một thời điểm. Bên cạnh đó International Superstar Soccer cũng chính là thủy tổ của thương hiệu game bóng đá lừng danh Pro Evolution Soccer sau này.

Có thể nói Doraemon làm phong phú giấc mơ của mọi đứa con nít trong khi Captain Tsubasa lại là giấc mơ của nhiều cậu nhóc. Không chỉ là những con người bình thường làm công ăn lương như Mọt tui, Ozora Tsubasa (Oliver Atom trong các phiên bản phát hành tại Âu Mỹ) còn là nguồn cảm hứng cho những đứa trẻ phấn đấu để về sau thật sự trở thành cầu thủ lừng danh thế giới như Andrés Iniesta, Fernando Torres, Alessandro del Piero hay Alexis Sánchez. Bọn họ đã thực hiện được giấc mơ sân cỏ của mình rồi, thật là hâm mộ quá!

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e