25 tuổi - đã không còn quá trẻ để vô tư, nhưng cũng chẳng quá già để vững vàng. Tuổi 25 với những chênh vênh, đó là điều Florence đang trải qua.
Florence là một tựa game mobile, do hãng Mountains (Úc) phát triển và Annapurna Interactive phát hành. Tựa game thắng nhiều giải thưởng, như Trò chơi điện thoại xuất sắc nhất (The Game Awards 2018), Thiết kế trò chơi xuất sắc nhất (Webby Awards 2019). Trò chơi cũng nhận được nhiều ý kiến tích cực từ giới phê bình cho phong cách nghệ thuật, âm nhạc và lối kể chuyện.
Tựa game bắt đầu bằng tiếng piano hòa cùng violin êm dịu. Menu chính mở ra với hình ảnh cô gái trẻ Florence Yeoh trên background màu vàng cùng mái tóc bay trong gió. Ngay từ giây phút đầu tiên, tựa game đã mang đến cho người chơi cảm giác nhẹ nhàng. Để rồi khi nhấn vào dòng chữ “Bắt đầu”, ta chìm vào câu chuyện của Florence. Câu chuyện mà có lẽ mỗi chúng ta ai cũng từng trải qua trong đời.
Đồ họa của Florence được vẽ tay, những nét vẽ đơn giản, tỉ mỉ, khiến tựa game trở thành một điều gì đó rất khác biệt giữa những tựa game sặc sỡ trên CH Play. Cứ như ai đó đã đặt nhầm một tựa sách sang mục Game vậy.
Gam màu trong game luôn thay đổi theo chương một cách có dụng ý. Bạn sẽ thấy có những cảnh chỉ có màu xanh, xám – khoảng thời gian tẻ nhạt và vô vị của Florence. Khi cô nàng gặp được Krish, tựa game trở nên đầy màu sắc. Đó là màu sắc của niềm hạnh phúc. Tình yêu mới chớm nở giữa hai con người trẻ tuổi đã biến cuộc đời họ từ những thước phim trắng đen trở thành bộ phim màu rực rỡ.
Âm nhạc trong trò chơi là điều khiến Mọt tôi ấn tượng nhất. Những bản nhạc không lời nhẹ nhàng, vang lên từ piano và violin hòa cùng cốt truyện, khiến Florence trở thành một tuyệt phẩm. Trong trò chơi, âm nhạc đã mang hình dáng những phép màu, mang Florence đến với Krish. Theo nhóm phát triển Mountains, tiếng piano tượng trương cho Florence, tiếng violin tượng trưng cho Krish. Cũng như màu sắc, nhạc nền thay đổi theo cốt truyện. Lúc nhẹ nhàng, lúc sôi nổi vui tươi, lúc lại trầm buồn da diết…
Florence gồm những mini-game để người chơi tương tác và dẫn dắt cốt truyện. Những mini-game này hầu hết là các hoạt động tương tác thường ngày, vì thế chúng ta chẳng cần một hướng dẫn nào để vượt qua. Như những đoạn trò chuyện giữa hai nhân vật chính, người chơi cần xếp những mảnh ghép để tạo thành một ô thoại. Đây cũng là một trong những mini-games chứa nhiều ẩn dụ. Cuộc trò chuyện giữa Florence và Krish càng thoải mái, việc sắp xếp ô thoại càng dễ. Khi hai người họ cãi nhau, những ô thoại là hình sắc nhọn. Điều đó tượng trưng cho việc họ dùng ngôn từ làm tổn thương nhau, lời nói như những mũi dao đâm vào đối phương.
Ngoài ra, trong trò chơi còn có rất nhiều mini-game khác như: đánh răng, xếp đồ vật của Krish vào nhà, điều chỉnh thước để thấy rõ cảnh… Tất cả đều là những trò chơi tương tác nhỏ, nhưng để lại ấn tượng với người chơi vì tính sáng tạo của nó.
Cả trò chơi như một tác phẩm nghệ thuật, điểm nào cũng ẩn chứa dụng ý. Florence và Krish là hai người khác nhau về văn hóa: Florence là người Úc gốc Hoa, Krish là người Ấn Độ. Ý đồ của nhóm phát triển là khiến nhiều người chơi thấy bản thân mình đâu đó trong tựa game. Florence là cái tên do Ken Wong – cha đẻ của tựa game này và cũng là tác giả của Monument Valley trước đây – lựa chọn, bởi đó được coi là một “cái tên lỗi thời” được đặt bởi cha mẹ người Hoa khi họ nhập cư. Điều đó cũng rất phù hợp với cuộc sống ban đầu của cô nàng: gần như không giao tiếp với ai, vóc dáng của người châu Á vốn đã nhỏ lại càng nhỏ hơn khi cô thu mình sau lớp áo dày, tai luôn đeo headphone và tay luôn cầm điện thoại.
Theo chân Florence, chúng ta đi hết 20 chương truyện với nhiều xúc cảm. Chúng ta đã thấy một Florence trẻ tuổi với cuộc sống tẻ nhạt, một mối tình đầu đẹp đẽ nhưng mong manh, một hành trình đi tìm bản thân. Chúng ta đã thấy chính mình trong tựa game này. Từng chương, từng chi tiết chạm vào trái tim người chơi, đó là thành công của tựa game này.
Nếu các bạn đã từng xem phim La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ), chắc các bạn sẽ nhớ cảm giác khi bộ phim kết thúc. Niềm vui khi cả hai đã đạt được những gì họ mong muốn, nhưng xen lẫn vào đó là sự tiếc nuối. Nhưng điều quan trọng là họ đều đã đạt được ước mơ, và họ cũng chẳng thể quay đầu. Sẽ không có cơ hội thứ hai, không có kết thúc cổ tích: “từ đó về sau, họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”. Trong Florence sẽ có một chương mà nếu bạn chạm tay vào màn hình để Florence đứng lại, bạn sẽ không bao giờ có thể qua được chương đó. Bỏ lại quá khứ để bước tiếp là điều Florence phải làm.
Ken Wong và đội ngũ phát triển đã mong muốn một trò chơi không mang yếu tố bạo lực và khiến người chơi tập trung vào cảm nhận thay vì cố đạt được một điều gì đó. Và tựa game Florence đã làm được, thậm chí làm rất tốt. Trong chưa đầy một tiếng chơi, người chơi đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Từ vô vị đến thú vị, từ hạnh phúc đến nuối tiếc. Khi trò chơi đi đến kết thúc, ta như khép lại trang giấy, cảm xúc vẫn còn vương vấn. Florence kết thúc nhưng trong lòng người đọc lại mở ra những dòng suy tư. Tất cả khiến Mọt tôi nhớ đến một câu thoại đã trở thành kinh điển:
“Chúng ta của sau này, cái gì cũng có, chỉ không có nhau.”