Nếu cần một tựa game co-op vui nhộn, mới mẻ để kéo lũ bạn đến nhà họp mặt, Moving Out có lẽ là tựa game phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.
Có nghĩa đen là “chuyển đi,” Moving Out có cách chơi rất dễ hiểu. Bạn là nhân viên của công ty dọn nhà Smooth Moves và được trao một chiếc xe tải cùng một ngôi nhà / văn phòng / công xưởng hay bất kỳ một thứ gì đó cần chuyển đi. Việc của bạn chỉ đơn giản là sắp xếp tất cả những vật dụng cần thiết lên xe để lái nó chạy vèo sang địa chỉ mới. Đơn giản và bình thường là vậy, nhưng Moving Out lại thú vị và vui nhộn đến bất ngờ khi bạn tìm được ít nhất một người cùng tham gia vào công việc này.
Gameplay co-op “vui nổ trời”
Khi một công ty có những tôn chỉ kiểu “đồ của bạn đã bể sẵn khi chúng tôi thấy nó” và trực tiếp nhắc nhở nhân viên của mình rằng “đừng lo ngại chuyện làm vỡ đồ,” bạn không thể trông chờ vào việc các nhân viên của nó chuyển nhà một cách nghiêm túc, gói ghém đồ đạc của bạn với tình yêu™ và sự cẩn thận©. Smooth Moves chính là công ty này và bạn là nhân viên của nó, vậy nên bạn có thể yên tâm rằng các hợp đồng chuyển nhà của mình trong Moving Out sẽ đầy rẫy các món đồ bị đổ bể, móp méo và tràn ngập các trò vui.
Để trở thành một F.A.R.T – chuyên viên di chuyển và sắp xếp nội thất – của công ty Smooth Moves, tất cả game thủ đều phải trải qua một màn chơi huấn luyện cực ngắn. Đây là nơi mà game sẽ dạy cho bạn cách cầm nắm đồ vật và cách ném chúng, cách nhảy nhót, làm thế nào để tát ma,… trước khi trao cho bạn chứng chỉ hoàn tất khóa học và bắt tay vào các công việc chính thức. Sự vui nhộn của trò chơi đã được thể hiện ngay trong màn chơi này khi một con Mọt “lỡ tay” tát một đồng nghiệp của mình, khiến màn chơi huấn luyện trở thành cuộc thi đánh người (trong game) và cả lũ gào rú trước màn hình cho đến khi bị trấn áp bằng vũ lực ngoài đời.
Sau khóa huấn luyện đó, 30 màn chơi của Moving Out là 30 thử thách khác nhau và tất cả đều đầy thú vị khi những cơ chế mới liên tục được giới thiệu. Ban đầu, bạn sẽ chỉ gặp những tấm kính dễ vỡ (Mọt tự hào công bố 100% số kính trong mỗi màn chơi đều… nát), nhưng rồi các kỹ thuật viên lành nghề của chúng ta sẽ gặp phải nhiều thử thách mới. Trong trí nhớ của mình, Mọt có thể kể đến các băng chuyền chạy loạn xạ, các vật phẩm bị ma ám cứ thích chạy lung tung, cá sấu trôi lềnh phềnh trên sông, những căn phòng ngập dung nham và nhiều, nhiều trò quái đản khác nữa!
Là một tựa game được thiết kế để chơi co-op tương tự Overcooked 2 , Moving Out thể hiện tối đa giá trị của mình khi bạn có thể tìm được người cùng chơi. Khi cả nhóm bạn (tối đa bốn người) cùng tham gia vào việc khuân vác những món hàng từ bình thường đến quái gở trên một màn hình, cùng ném các thùng hàng dễ vỡ hay những cái ghế sofa nặng cả tấn từ lầu hai xuống đất, cùng tát lũ ma quái (lẫn tát nhau) và né tránh xe cộ lao vun vút trên đường, Moving Out là một tựa game xứng đáng trở thành chủ đề chính trong những cuộc vui của cả nhóm.
Giá trị chơi lại cao
Sau khi hoàn tất một màn chơi, game thủ sẽ mở khóa thêm ba nhiệm vụ phụ trong màn chơi đó. Những nhiệm vụ này đem lại thêm rất nhiều niềm vui cho game thủ bởi sự trái khoáy mà chúng đem lại, chẳng hạn trong màn chơi đầu tiên có hai nhiệm vụ trái ngược nhau là phá vỡ hết cửa sổ và không phá vỡ cửa sổ nào. Không cần phải nói bạn cũng có thể tưởng tượng ra mức độ vui nhộn và những tiếng chửi rủa được thốt ra khi cả lũ cùng chơi lại màn này với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ không làm vỡ kính, nhưng một tên trong đám lại quyết định thử xem giữa cái tủ lạnh với mảnh kính cái nào cứng hơn.
Việc hoàn tất các nhiệm vụ phụ này không dễ dàng bởi ngoài những nhiệm vụ đơn giản dễ hiểu như trên, game còn có những nhiệm vụ phụ thuộc dạng câu đố, chẳng hạn “Bush-a-ghost” hay “Deliver me his head” buộc game thủ phải đoán xem mình cần làm gì. Chưa hết, khi hoàn thành tất cả 90 nhiệm vụ phụ mà game đặt ra cho 30 màn chơi, bạn sẽ mở khóa được thêm 10 minigame nữa. Đây là những minigame khá thú vị và đầy thử thách buộc người chơi phải chạy đua với thời gian trong khi vận chuyển những kiện hàng đủ mọi kích cỡ trong game.
Với phần thưởng thú vị như vậy, game thủ hẳn sẽ rất hào hứng với việc quay lại cùng các màn chơi của Moving Out một khi đã hoàn tất trò chơi lần đầu tiên. Thật ra Mọt tui nghĩ rằng ngay cả khi không có những nhiệm vụ phụ này thì giá trị chơi lại của game vẫn đã rất cao nhờ sự vui nhộn của nó. Việc cả một đàn Mọt ngồi chung chơi game và í ới cùng nhau theo từng trò vui nhộn mà các nhân vật thực hiện trên màn hình đã biến Moving Out thành một trong những tựa game thú vị nhất mà bầy Mọt được chơi trong năm, tính đến thời điểm hiện tại.
Đồ họa và âm thanh
Như bạn có thể thấy trong các bức screenshot trong bài viết này, đồ họa của Moving Out đi theo phong cách hoạt hình rất phù hợp với gameplay. Các nhân vật của chúng ta cũng được thiết kế đầy ngộ nghĩnh và độc đáo như máy nướng bánh mì, chậu hoa mẻ, ly mì ăn liền hay “đầu trâu mặt ngựa” nhưng vẫn rất dễ thương. Âm thanh của game không có gì đặc sắc dù cũng theo đúng phong cách này với những tiếng động vui nhộn đúng kiểu hoạt hình. Tuy nhiên Mọt cho rằng khi chơi Moving Out đúng cách (tức là có người khác chơi cùng), bạn sẽ không bao giờ chú ý đến thiếu sót nho nhỏ này bởi quá bận rộn vui cười và mắng mỏ nhau.
Bù lại cho các hiệu ứng âm thanh thường thường bậc trung, các bản nhạc nền trong game khá thú vị và luôn phù hợp với bầu không khí vui nhộn của game. Theo như Mọt được biết, khá nhiều bài nhạc trong số này chịu ảnh hưởng từ các bản nhạc kinh điển của thập niên 80, trong khi số khác trực tiếp đến từ những năm 80 chẳng hạn bài nhạc chủ đề chính của game là Moving Power được viết từ tận năm 1987 nhưng được chỉnh sửa lại cho phù hợp. Bạn có thể nghe thêm các bài nhạc nền của game trên Spotify tại đây.
Điểm trừ khó hiểu
Là một tựa game được thiết kế để chơi co-op, Moving Out được phát hành trên một loạt hệ máy bao gồm PC (Windows, Mac), PS4, Xbox One, Switch. Theo Mọt tìm hiểu, gameplay của các phiên bản này là hoàn toàn giống hệt nhau nhưng riêng phiên bản PC lại là phiên bản không đáng mua nhất vì một điều kỳ quặc: game chỉ hỗ trợ co-op trên cùng một máy, cùng một màn hình. Trong khi các bản Xbox One và PS4 có thể vượt qua chướng ngại này nhờ khả năng kết nối nhiều tay cầm, bạn không thể lắp nhiều bộ chuột / phím vào PC để cho nhiều người cùng chơi game.
May mắn là gần đây, Steam đã tung ra tính năng Remote Play Together để cho phép chơi những game local co-op tương tự qua mạng internet. Nhờ tính năng này, bạn có thể chơi Moving Out với ba người khác mà chỉ cần một người có game và cũng không cần ngồi cạnh nhau, nhưng đây vẫn là một tính năng lẽ ra nên có sẵn ngay trong game chứ không nên nhờ đến Remote Play Together của Steam. Sự thiếu sót này là rất khó hiểu bởi cả hai nhà phát triển Devm Games, SMG Studios lẫn nhà phát hành Team 17 đều không xa lạ gì với thể loại co-op, và đều từng có những sản phẩm khác hỗ trợ co-op online.
Vì nhược điểm này nên Mọt khuyên rằng nếu mua Moving Out, bạn nên chọn bản console của trò chơi. Bên cạnh đó, chơi game cùng nhau trước cùng một màn hình, vừa động khẩu vừa động thủ cũng thú vị hơn nhiều so với việc chỉ giao tiếp qua màn hình và các phần mềm chat.
Lời kết
Trong những ngày mà game thủ chúng ta háo hức kết nối lại cùng nhau sau một khoảng thời gian dài tránh dịch, Moving Out ra mắt một cách hết sức kịp thời để giúp game thủ “nối lại tình xưa” một cách không thể nào tuyệt vời hơn. Bởi trò chơi cho phép bạn rủ thêm ba người bạn thân cùng nhau tham gia vào việc chuyển nhà này nên đừng ngại ngùng réo bọn nó “đến giúp tao chuyển nhà.” Nhưng đừng quên giải thích với họ rằng bạn chỉ muốn chuyển nhà trong game, chứ còn gọi đến để chuyển nhà ngoài đời thực thì chưa chắc tình nghĩa anh em sẽ được bền lâu!
Ưu điểm:
- Thời lượng game dài, thiết kế màn chơi đa dạng
- Gameplay co-op cực kỳ vui nhộn
- Giá trị chơi lại cao
- Có bản demo trên Steam
Nhược điểm:
- Phiên bản PC cần sử dụng Remote Play Together của Steam.