Death Stranding là một game hay, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người - PC/Console

Death Stranding có lẽ được xây dựng để bạn tĩnh lặng ngồi lại, suy nghĩ và trải nghiệm, nhưng cũng chính vì vậy nó khó mà chinh phục nhiều game thủ khác.

Trong cả năm 2019 vừa qua, có lẽ không tựa game nào gây tranh cãi như Death Stranding. Những bài viết của Kênh Tin Game về trò chơi bị “dội bom” với những đánh giá 1* và 5* từ bạn đọc, lôi kéo nhiều bình luận khen chê đủ thể loại, cho thấy rằng game không phải dành cho tất cả mọi người. Một đồng nghiệp của Mọt tui đã viết nên bài cảm nhận đầu tiên, và giờ đến lượt Mọt tui đứng ra bày tỏ quan điểm của mình. Nói một cách ngắn gọn và đơn giản, Mọt thích nó, và hãy để Mọt giải thích lý do tại sao.

Lối chơi kỳ lạ

Niềm vui của Death Stranding đến một cách khá kỳ lạ. Nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng game là một trò chơi “mô phỏng giao hàng,” nó chắc chắn không gợi nên cho game thủ một điều gì thú vị về trò chơi, và sự chậm chạp khi triển khai cốt truyện (game có vẻ thực sự thể hiện hết sức hấp dẫn của mình từ chapter 3 trở đi, sau khoảng… 10 tiếng chơi) cũng là một nhược điểm khiến trò chơi không được lòng những game thủ muốn nhìn thấy cái hay ngay lập tức. Nhưng để cảm nhận được sự hấp dẫn của trò chơi, có lẽ bạn phải tự nắm lấy chiếc tay cầm PS4 để trải nghiệm nó.

Mọt tui thích Death Stranding, nhưng nó không phải là game cho tất cả mọi người

Khi Death Stranding còn đang trong quá trình phát triển, Hideo Kojima đã nhiều lần nói rằng “đây là một thể loại game mới,” rằng game sẽ “khiến game thủ kết nối với nhau theo cách chưa từng có trước đây.” Sau khi trò chơi đã chính thức ra mắt và chúng ta đều cùng có dịp chạm tay vào game, Mọt xin kết luận rằng chuyện Death Stranding là một thể loại game mới thì có thể hơi quá lời, nhưng Kojima đã làm được chuyện cho game thủ kết nối, gắn bó cùng nhau theo một phương thức lạ lùng và đầy thú vị. Phương thức đó không gì khác ngoài… những bước chân của bạn trong game.

Có thể bạn sẽ không nhận ra điều này ngay trong khoảng thời gian đầu, nhưng game đã biến chúng ta thành những người mở đường trong một vùng đất hoang vu. Mọt không nói về những vật phẩm như dây thừng hay thang leo mà bạn và những người khác để lại trên bản đồ, mà nói về những con đường mòn thực thụ được tạo ra từ chính bước chân của bạn và những game thủ khác. Chúng chưa được hiển thị ngay khi bạn tìm đến một vùng đất mới, mà chỉ hiện ra khi game thủ đã mở khóa khả năng “Link Up” để kết nối mảnh đất dưới chân mình với thế giới online. Chỉ vào thời điểm này, bạn mới được nhìn thấy những dấu vết mà người khác để lại thể hiện dưới dạng những con đường mòn, khi các khối đá và những chướng ngại vật bị xóa đi, nhường chỗ cho mặt đất bằng phẳng hơn trên những cung đường nhiều người qua lại.

Mọt tui thích Death Stranding, nhưng nó không phải là game cho tất cả mọi người

Càng thú vị hơn nữa là sự hình thành của những con đường diễn ra một cách hết sức tự nhiên mà không cần đến những tính năng “cầm tay chỉ việc” của game. Bạn sẽ luôn luôn tìm ra những con đường như vậy một cách hết sức tự nhiên, thể hiện sức mạnh của số đông trong một tựa game mà bạn không bao giờ nhìn thấy một người chơi khác. Nhờ sự đồng tâm hiệp lực này, nhiều khu vực hiểm trở ban đầu được san phẳng bởi dấu chân của những người đi trước, được cải thiện bằng cầu đường, được cắm những tấm biển đem lại một vài hiệu ứng buff nho nhỏ nhưng thú vị, khiến cuộc hành trình đến bờ Tây nước Mỹ trở nên lôi cuốn và hào hứng hơn. Công sức mà bạn bỏ ra cho sự hình thành của những con đường này cũng sẽ được ghi nhận, khi những gì bạn tạo ra phục vụ cho lợi ích của tất cả mọi người thường xuyên được nhắc lại bằng những lần “Like” xuất hiện trên màn hình.

Cách mà game bố trí tính năng Link Up có lẽ cũng đã được suy xét kỹ càng. Khi chưa “Link Up,” bạn sẽ phải trải nghiệm thế giới của Death Stranding một cách gian nan bằng công sức của chính mình, nhưng khi kết nối với một thế giới chung mà những người chơi khác sẽ tạo ra, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều khi hợp tác cùng người khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với tính cách và quá trình phát triển nhân vật của Sam: từ một người sống khép kín không muốn đụng chạm hay giúp đỡ bất kỳ ai ban đầu, anh dần trở nên cởi mở hơn, chấp nhận sự giúp đỡ của người khác và chấp nhận giúp đỡ người khác, trong khi thế giới cũng liên tục trở nên tốt đẹp hơn nhờ nỗ lực của anh trong việc kết nối mọi người. Nếu điều này không phản ánh được tư tưởng “kết nối mọi người để tạo ra một tương lai tươi sáng hơn” của Kojima khi tạo ra tựa game này, Mọt không rõ điều gì mới thể hiện được tư tưởng đó.

Mọt tui thích Death Stranding, nhưng nó không phải là game cho tất cả mọi người

Và dĩ nhiên game cũng không hề ép bạn phải đi theo những “đại lộ” như thế. Rất nhiều game thủ “nổi loạn” không thích đi theo số đông, nên Death Stranding chỉ đặt ra cho chúng ta điểm đầu và điểm cuối của hành trình, còn đi như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc ở bạn. Sam được phép tự do đi theo bất kỳ phương hướng nào anh muốn, điều sẽ tạo ra những lối mòn nhỏ hơn và đem đến cho game thủ cơ hội được thưởng thức những khung cảnh mới mà những người đi đường chính không nhìn thấy được. Tóm lại, dù bạn là một game thủ chỉ thích chơi theo cách của mình hay muốn cảm thấy là một phần của điều gì đó lớn lao hơn, Death Stranding đều có thể thỏa mãn bạn.

Thư giãn và nhẹ nhàng

Khi chơi một tựa game AAA, bạn trông đợi điều gì? Đại đa số game thủ muốn có bắn giết, chặt chém, giải đố và những tính năng đậm chất hành động tương tự. Death Stranding lại tránh rất xa những yếu tố này (trừ lúc bạn gặp đám MULE và các BT), nên chắc chắn nó không phù hợp với những ai không thể tĩnh tâm suy ngẫm. Bù lại, trò chơi đưa bạn vào một vòng lặp gameplay nhẹ nhàng, đơn giản xoay quanh những chuyến đi xa, nhưng không ngừng tưởng thưởng bạn bằng những niềm vui nho nhỏ suốt chặng đường. Gameplay đơn giản đó đã trở thành nền tảng cho những giây phút thanh thản đến lạ lùng khi những bài nhạc tuyệt vời trỗi lên và camera được kéo ra xa, đem lại cho game thủ cái nhìn bao quát thiên nhiên vô bờ và thể hiện rõ sự nhỏ nhoi của con người trước thế giới bao la.

Mọt khó mà truyền được cảm giác này đến với các bạn dù là qua ngôn từ hay hình ảnh, nhưng hãy tưởng tượng một anh chàng du lịch bụi nhiều giờ liền. Nếu bạn phải ngồi trước màn hình xem anh ta lang thang suốt hàng giờ, chắc chắn đó không phải là trải nghiệm thú vị, nhưng với anh chàng “xách ba lô lên và đi” kia, đó là một cuộc thăm dò đầy thú vị, nơi anh có thể khám phá vô vàn điều mới mẻ sau từng góc phố, từng con đường. Death Stranding cũng tương tự: trò chơi không được thiết kế để stream hay để xem, mà bạn cần phải tự trải nghiệm. Nó sẽ khiến bạn “nhập vai” Sam và cảm thấy như mình đang thực sự băng qua bề mặt của nước Mỹ trong một cuộc hành trình đơn độc nhưng đầy ý nghĩa.

Thật ra, bản thân việc ship hàng đến điểm hẹn cũng không chán nản như bạn nghĩ. Ngoài minigame cân bằng những gánh nặng mà Sam mang theo người, game thủ còn liên tục nhận được những phần thưởng nho nhỏ như khi nhìn thấy các vật phẩm mà người khác để lại, hay những thông báo “bạn được like” thỉnh thoảng xuất hiện trên màn hình. Chúng đem lại một niềm vui nho nhỏ cho game thủ, và khi bạn nghĩ rằng mình đã biết tất cả về lối chơi của Death Stranding, nó lại được biến tấu bằng xe cộ, súng ống, những màn trốn chạy khỏi BT mang yếu tố kinh dị, và cả chút tình cảm dần nảy mầm khi bạn gặp được những nhân vật khác trong game.

Cơ bản về Death Stranding: Ai, Ở Đâu, Cái Gì, Như Thế Nào và Tại Sao?
Những câu hỏi xoay quanh Death Stranding và lời giải thú vị
Tại sao lại đặt tên game là Death Stranding? Những cái bóng đen đó là gì? Sam xuất thân từ đâu? Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.

Dĩ nhiên là có điểm trừ

Sau tất cả những lời khen ngợi trên, Mọt tui không thể không chỉ tay vào những lon Monster hay các quảng cáo cho show truyền hình Ride with Norman Reedus xuất hiện trong trò chơi và nói rằng chúng là tội đồ phá hủy cảm xúc. Quảng cáo Monster tạm bợ chấp nhận được vì nó là nước tăng lực giúp Sam hồi phục thể lực trên các cung đường dài, nhưng quảng cáo cho một show truyền hình thậm chí còn chẳng tồn tại trong thế giới của game là một điều làm hỏng cảm giác nhập vai của trò chơi.

Bản thân việc cốt truyện được mở ra một cách quá chậm rãi cũng là một điểm yếu của game, nhưng đây đã là đặc trưng của game Kojima phát triển. Nhà thiết kế này có năng lực tạo ra những đoạn phim cắt cảnh dài lê thê nhưng chỉ toàn để lại cho game thủ một đống dấu chấm hỏi mà chẳng giải thích điều gì, và người chơi luôn phải tự tìm hiểu thêm nếu muốn cảm nhận được ý tưởng mà game muốn truyền tải. Phong cách “viết thật nhiều, làm rõ chẳng bao nhiêu” này chắc chắn không hấp dẫn với rất nhiều game thủ, và chẳng thể trách móc họ khi game khiến họ ngáp ngắn ngáp dài chỉ sau vài mươi phút cutscene đầu tiên.

Mọt tui thích Death Stranding, nhưng nó không phải là game cho tất cả mọi người

Và thế là Mọt tui đã trình bày những lý do tại sao mình về phe thích tựa game mới của Kojima, dù cũng thấy được những lý do khiến Death Stranding không được lòng nhiều người khác. Còn bạn, bạn yêu hay ghét tựa game này? Hãy để cho Mọt và mọi người cùng được biết quan điểm của bạn.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e